Với tình hình an ninh được thắt chặt, giới học thuật Trung Quốc không dám sử dụng giáo sư nước ngoài vì sợ gặp rắc rối với chính quyền.
Theo một bài báo gần đây của người đứng đầu một trường đại học ở Bắc Kinh, các trường đại học Trung Quốc đang ngày càng bài trừ các học giả nước ngoài ra khỏi chức vụ giáo sư. Các nhà phân tích tin rằng sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với tự do học thuật và các biện pháp hà khắc đối với người nước ngoài là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nhân tài nước ngoài.
Vào ngày 8/4, ông Rao Yi, hiệu trưởng Đại học Y Thủ đô Bắc Kinh, cho biết trong một bài đăng blog dài rằng hầu hết các trường đại học sắp từ bỏ việc tuyển dụng giáo sư nước ngoài. Theo ông Rao, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, một cơ quan được tài trợ tốt với hơn 100 tổ chức nghiên cứu là thành viên, hiện có ít hơn 5 giáo sư quốc tế. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các trường đại học lớn như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, hầu như không có giáo sư quốc tế.
Ông Rao cho biết các trường đại học và viện nghiên cứu đã phớt lờ lời kêu gọi nhập khẩu nhân tài của ĐCSTQ. Thay vào đó, họ ngày càng xa lánh các giáo sư nước ngoài vì sợ họ sẽ có năng lực cao hơn khả năng lãnh đạo học thuật của chính các trường, ông nói.
Một ngày sau bài đăng của ông Rao, phương tiện truyền thông nhà nước Sohu.com đã đăng một bài báo ủng hộ tuyên bố của ông Rao, nói rằng số lượng giáo sư nhập khẩu từ nước ngoài gần như “không còn”.
Bài báo của ông Rao lảng tránh quan điểm then chốt và dường như bào chữa cho ĐCSTQ, nhà văn và chuyên gia về Trung Quốc Zhuge Mingling nói với The Epoch Times. Ông Zhuge cho biết việc giảm số lượng giáo sư nước ngoài thay vào đó liên quan trực tiếp đến hệ thống giáo dục của ĐCSTQ và việc đàn áp tư tưởng tự do, chứ không phải do những lo ngại về việc tài năng nước ngoài xuất hiện trong giới lãnh đạo học thuật Trung Quốc.
Ông Zhuge cho biết ĐCSTQ thống trị mọi tổ chức ở Trung Quốc, bao gồm cả giới học thuật. Môi trường chính trị hà khắc này từ lâu đã khiến các học giả nước ngoài khó có được chỗ đứng.
Ông Zhuge nói: “Cách tiếp cận mâu thuẫn của ông Tập Cận Bình, khi lên tiếng rằng ông ấy muốn thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời gây rắc rối cho các công ty và công dân nước ngoài, chẳng hạn như thông qua Luật Chống gián điệp mở rộng, đã khiến những người dưới quyền ông ấy bị bối rối”.
Luật Chống gián điệp mới sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
Vào ngày 1/8, Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ đã đưa ra một tuyên bố trên tài khoản WeChat của mình, kêu gọi tất cả người Trung Quốc báo cáo các gián điệp và thông báo rằng những người làm như vậy sẽ được khen thưởng. Bài đăng có đoạn: “Trách nhiệm của công dân Trung Quốc là bảo vệ an ninh, ổn định quốc gia và đấu tranh chống lại mọi loại gián điệp”.
Trong bối cảnh đó, các trường đại học tránh tuyển dụng các giáo sư quốc tế vì sợ vi phạm Luật Chống gián điệp, ông Xia Yifan, một nhà bình luận sống ở Nhật Bản, nói với The Epoch Times.
Ông nói, với tình hình an ninh được tăng cường, giới lãnh đạo học thuật “không dám bổ nhiệm hoặc cấp chức vụ cho giáo sư nước ngoài vì sợ gặp rắc rối”. “Nếu người này bị buộc tội là gián điệp thì sao? Trường đại học sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này”.
Lợi ích của việc phục vụ Bắc Kinh
Ông Zhuge lưu ý rằng ông Rao đã đề cập đến một trường hợp cụ thể: Đại học Westlake, nơi có số lượng giáo sư nước ngoài đáng kể, cao hơn các trường đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa, và vượt xa các trường đại học khác của Trung Quốc.
Đại học Westlake là một trường đại học tư thục ở Hàng Châu, Chiết Giang. Được thành lập vào năm 2018, trường được Bộ Giáo dục công nhận và có thể cấp bằng về khoa học, công nghệ tiên tiến, y học và sinh học.
Trường đại học này không ngại tuyển dụng các học giả nước ngoài, rất có thể vì nó hoàn toàn được ĐCSTQ ủng hộ.
Ông Zhuge lưu ý rằng trường tư thục nhận được sự hỗ trợ của chính phủ vì hướng nghiên cứu của trường phù hợp với lợi ích của ĐCSTQ. Ông nói: “Những tài năng về y sinh chính xác là những gì đảng cần”. Những tài năng đó “có thể được áp dụng vào nghiên cứu virus, sản xuất vaccine, phân tích gen và sản xuất vũ khí sinh hóa” – tất cả các lĩnh vực mà ĐCSTQ đặc biệt quan tâm.
Trường đại học ban đầu được tài trợ bởi một số ông trùm công nghệ và nhà tư bản, bao gồm người sáng lập Sequoia Capital Shen Nanpeng, người sáng lập Hillhouse Investment Zhang Lei, giám đốc Dalian Wanda Wang Jianlin, và người sáng lập Tencent Ma Huateng, cùng những người khác.
Ông Zhuge nói, tất cả các ông trùm đều có chung một bản sắc chính trị, và chính thức liên quan đến ĐCSTQ với nhiều tư cách khác nhau.
“Ở Trung Quốc, nếu muốn trở thành học giả hoặc làm nghiên cứu khoa học, bạn phải đứng ở vị trí đúng đắn và có chức danh chính trị để bảo vệ mình”, ông Zhuge nói.
Một trường hợp làm mất lòng Bắc Kinh
Ngược lại, Đại học Hupan, cũng ở Hàng Châu, cũng là một trường tư thục. Trường kinh doanh ưu tú này được thành lập vào năm 2015 bởi người sáng lập Alibaba Jack Ma và 8 doanh nhân và học giả Trung Quốc khác.
Vào tháng 4/2021, chính quyền đã phạt Tập đoàn Alibaba của ông Ma 18,23 tỷ CNY (nhân dân tệ) (2,78 tỷ USD).
Tháng sau, các nhà chức trách Trung Quốc bao gồm Bộ Giáo dục và Bộ Công an đã ban hành một văn bản chung ngăn chặn việc sử dụng trái phép các thuật ngữ “đại học” và “cao đẳng” của các cơ sở đào tạo tư nhân.
Ngay sau khi tài liệu được công bố, Đại học Hupan đã đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Doanh nhân Khởi nghiệp Hupan.
Việc đổi tên Đại học Hupan được các nhà quan sát coi là một phần trong động thái rộng lớn hơn nhằm đưa ông Ma cũng như các công ty và tổ chức tư nhân mà ông đại diện nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ.
Ông Zhuge nói: “Sự thất bại của Đại học Hupan là do thiếu sự hỗ trợ chính trị, đồng thời sự tự do và sẵn sàng tham gia vào hoạt động khởi nghiệp tư nhân của trường này đi ngược lại với hệ thống tư tưởng của ĐCSTQ trong việc kiểm soát người dân”.
T.P