Cộng đồng quốc tế đang quan ngại trước dự án kênh đào Phù Nam – Techo của Campuchia. Phản ứng gần đây của cha con ông Hun Sen khiến nhiều người nghĩ: dường như Phnom Penh cho rằng, Mekong là của riêng xứ Chùa Tháp.
Nếu dự án trên hoàn thành, kênh Phù Nam – Techo sẽ dài 180 km, đi qua 4 tỉnh của Campuchia với tổng dân số 1,6 triệu người sinh sống hai bên ven sông. Chi phí xây dựng ước tính khoảng 1,7 tỉ USD, trong thời gian 4 năm. Với 2 làn tàu thuyền lưu thông 2 chiều cùng lúc, kênh sẽ giúp Campuchia sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa.
Mới đây nhất, ngày 5/5, qua tờ Khmer Times, Phó thủ tướng Campuchia kiêm Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng phát triển Campuchia (CDC) Sun Chanthol nói: khi hoàn thành, Campuchia kỳ vọng sẽ thu được 88 triệu USD (hơn 2.235 tỉ đồng) năm từ vận tải qua kênh này vào năm 2050; sau đó đạt 570 triệu USD/năm…
Với một quốc gia dân số khoảng 15 triệu người, con số trên chắc chắn là không nhỏ, chưa kể bên cạnh đó, dự án còn giúp phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, tăng giá trị bất động sản, tăng nguồn điện nhờ 3 đập thủy điện được xây dựng kèm theo…
Hơn ai và hơn lúc nào, Phnom Penh đang tỏ ra hào hứng mong thời gian trôi nhanh về cuối năm để Công ty TNHH xây dựng cầu đường Trung Quốc (đã đạt thỏa thuận phát triển kênh đào này tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường” hồi tháng 10/2023) chính thức khởi công.
Éo le thay, cái hào hứng của Phnom Penh lại là cái lo lắng của cộng động quốc tế, nhất là các nước trong khu vực. Lo rằng, dự án có thể tác động tiêu cực về môi trường, làm chuyển hướng dòng nước khỏi sông Mekong…
Mekong – một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng thuộc tỉnh Thanh Hải, chảy qua Vân Nam – Trung Quốc, qua các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, đổ ra Biển Đông qua 9 cửa sông (Cửu Long) ở Việt Nam. Tính theo độ dài, Mekong đứng thứ 12 (thứ 7 tại châu Á). Còn tính theo lưu lượng nước, nó đứng thứ 10 trên thế giới với lưu lượng hàng năm đạt khoảng 475 tỉ m³. Lưu vực rộng mênh mông tới khoảng 795.000 km²…
Như vậy, con sông kỳ vĩ này, ít nhất, là tài sản chung của 6 quốc gia mà nó chảy qua. Để khai thác, sử dụng, bảo vệ dòng chảy, nguồn lợi thủy sản; ngăn chặn, phòng ngừa các tác động tiêu cực về môi trường…không thể khác, là quyền lợi, đồng thời là trách nhiệm cộng đồng của cả 6 quốc gia liên quan.
Chính vì thế, từ cách đây gần 70 năm, Ủy ban Mekong đã được thành lập; tới năm 1995, đổi thành Ủy hội sông Mê Công (Mekong River Commission, viết tắt là MRC).
Đây là một cơ quan liên chính phủ nhằm “thúc đẩy và phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và sự an sinh của cộng đồng bằng cách triển khai thực hiện những hoạt động và chương trình chiến lược, cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách”. Thành phần gồm các ủy ban sông Mekong của các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam; hai đối tác là Myanmar và Trung Quốc.
Việc “nở” ra về quy mô và duy trì thường xuyên hơn các cuộc họp của MRC cho thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của cơ quan liên chính phủ này trong bối cảnh xu hướng cục bộ về lợi ích có chiều hướng gia tăng. Muốn chứng minh, có thể dẫn lại eo xèo của dư luận về nguyên nhân nạn thiếu nước và xâm nhập mặn ở vùng châu thổ Sông Cửu Long của Việt Nam trong những năm vừa qua, nhiều khả năng do Bắc Kinh ngăn cửa đập tích thủy điện Lan Thương phía thượng nguồn.
Với trường hợp của dự án kênh đào Phù Nam – Techo, vai trò, trách nhiệm của MRC thì đã đành. Tuy nhiên, phản ứng của cơ quan liên chính phủ này xem chừng quá chậm chạp. Trong khi đó, Việt Nam – quốc gia hạ lưu sông Mekong, cũng là quốc gia sẽ gánh chịu những tác động tiêu cực nhiều nhất, nếu kênh đào Phù Nam – Techo gây ra những hậu quả nghiêm trọng như cảnh báo của dư luận, thì không thể chờ đợi.
Vậy nên, dễ hiểu, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 đến nay, Hà Nội liên tục có các động thái thể hiện sự quan tâm, lo lắng trước tham vọng của Phnom Penh, để nghị Campuchia chia sẻ những thông tin về dự án.
Cái khó của Hà Nội là không thể hành xử kiểu “ngang bằng sổ thẳng” với Phnom Penh – một đối tác mà họ ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại; mong muốn quan hệ hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước…
Thậm chí, trong phát biểu gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng “tế nhị” không nêu lại công lao cứu Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng – một nghĩa cử mà vì nó, Việt Nam từng phải hy sinh bao xương máu…; chỉ nhấn mạnh rằng, Việt Nam “rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia” theo tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước…”.
Tuy nhiên, phát ngôn hàm ý nhắc lại những gì mà Việt Nam đã chuyển tới Campuchia sau cuộc họp tham vấn về dự án kênh đào Phù Nam – Techo do Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp với Ban thư ký MRC tổ chức tại Cần Thơ, ngày 23/4, đã không thể khiến Phnom Penh mủi lòng nghĩ tới tình nghĩa láng giềng và trách nhiệm của một quốc gia “chung một dòng sông” cùng Việt Nam và Lào nữa.
Ngược lại, tiếp sau tuyên bố của cựu thủ tướng “cha” Hun Sen: “Tôi sẽ không để bất cứ ai đốt nhà của mình để nấu một quả trứng, cho dù đó là đồng minh hay là kẻ thù đi chăng nữa”, ngày 28/4, đương kim thủ tướng “con” – ông Manet, đã có một phát biểu “phụ họa” cha mình: “Không gì có thể ngăn cản việc xây dựng dự án kênh đào Phù Nam…”
Ngoài việc thể hiện cái “ráo hoảnh” về mối thâm tình từng có với quốc gia láng giềng chung đường biên giới, các tuyên bố trên của cha con ông Hun Sen thể hiện gì? Có thể có một số cách trả lời. Tuy nhiên, như nhiều người lo ngại, quan điểm điểm của hai người đàn ông quyền lực nhất hiện nay ở Phnom Penh cho thấy, Phnom Penh đang cố ý dòng Mekong như của riêng họ, bất chấp đạo đức và luật pháp quốc tế?
T.V