Nhà máy điện hạt nhân nổi, hay có thể gọi là nhà máy điện đặt trên các con tàu, là thành tựu mới của loài người. Nó xuất hiện trong khoảng chục năm trở lại đây. Và các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc vẫn là “anh cả” trong lĩnh vực này.
Trang mạng Asia Times (Thời báo Á Châu) – một tạp chí điện tử xuất bản tin tức bằng tiếng Anh, có trụ sở tại Hồng Kông – đưa tin hôm 6/5: Theo thông tin của Washington Post, Trung Quốc có kế hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi, có khả năng cung cấp năng lượng cho các căn cứ đóng quân trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở Biển Đông.
Thành tựu khoa học thì đáng hoan nghênh, nhưng nó không được chào đón khi phục vụ cho thuyết âm mưu bành trướng, leo thăng căng thẳng trong khu vực. Kế hoạch phát triển “nhà máy” điện hạt nhân nổi của Trung Quốc gây bất đồng trong cộng đồng quốc tế. Các tổ chức liên quan hiện chưa thống nhất ý kiến về phạm vi hoạt động, các tiêu chuẩn an toàn của những lò phản ứng hạt nhân nổi.
Là một quốc gia đi trước, Mỹ tuy không hẹp hòi đến mức ngăn cản, nhưng rất lo ngại khi Bắc Kinh có những “mục đích khác thường”. Một người đang có mặt ở điểm nóng, Đô đốc John Aquilino, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng: Việc Trung Quốc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể tác động tiêu cực đến khu vực. Ông lo lắng, kế hoạch này sẽ nối dài cánh tay cho Bắc Kinh trong việc củng cố các yêu sách chủ quyền tại vùng biển đang có nhiều tranh chấp.
Không những thế, việc Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ và có nguy cơ làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Nhà máy điện hạt nhân nổi không chỉ là câu chuyện của các nhà khoa học. Nó là phần nổi của tảng băng trôi, hướng tới mục tiêu lâu dài là củng cố việc chiếm đóng các đảo nhân tạo và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác trong khu vực mà Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa.
Nói có sách mách có chứng. Trong hơn 2 thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng trái phép các đảo nhân tạo với tổng diện tích lên đến hơn 1.200 ha trên 7 rạn san hô ở Biển Đông. Hành động ngang ngược này đi ngược hoàn toàn với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS- 1982) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết.
Có một điều tệ hại là, các nhà máy điện hạt nhân nổi có nhiều mặt hạn chế so với các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền, đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra tai nạn, chất phóng xạ sẽ ngấm thẳng vào đại dương, vô cùng nguy khốn cho sức khỏe con người.
Không phải bây giờ Trung Quốc mới có ý định xây dựng một đội tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhằm cung cấp điện cho các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Từ năm 2016 đã đánh dấu những bước đi ban đầu, với ý tưởng xây dựng “những nhà máy điện di động” để “cung cấp năng lượng cho các giàn khoan ngoài khơi, hỗ trợ phát triển thương mại, thăm dò dầu khí và khử mặn nước biển”. Không có dòng nào nói đến cung cấp năng lượng cho các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép.
Được biết trước đó Nga và Mỹ đã nhanh chân hơn. Có điều nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga nhằm cung cấp điện năng cho các khu vực xa xôi ở Bắc Cực. Nga đã có nhà máy điện hạt nhân nổi từ năm 2019. Nhà máy Akademik Lomonosov di chuyển nhờ hai lò phản ứng KLT-40S trên tàu phá băng hạt nhân của Nga và hai turbine chạy bằng hơi nước.
Akademik Lomonosov là một thiết bị phát điện độc lập có chiều dài 140m, chiều rộng 30m và cao 10m. Trọng tải rẽ nước là 21,5 tấn với thủy thủ đoàn 70 người. Nhà máy này mang theo hai lò phản ứng KLT-40S, có khả năng sản xuất tới 70 Megawatt điện và 50 gigacalories năng lượng nhiệt/giờ. Một lò phản ứng có thể sản xuất đủ điện và nhiệt đáp ứng nhu cầu cho một thành phố với dân số 100.000 người.
Còn Hải quân Mỹ thì đã vận hành an toàn hơn 100 chiếc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tất cả đều vì mục tiêu kinh tế-xã hội; vì Tuyên ngôn của thế giới: “Nguyên tử cho hòa bình”.
Là nước đi sau nhưng, Trung Quốc lại có những ý đồ táo bạo hơn, thực hiện âm mưu hợp thức hóa từng hóa những gì phi pháp. Trở ngại lớn nhất mà nước này phải đối mặt là sức ép từ cộng đồng quốc tế. Trung Quốc từng khơi mào căng thẳng tại khu vực Biển Đông khi cho xây dựng một trạm tiếp nhiên liệu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Và giờ đây, với việc triển khai các nhà máy điện hạt nhân di động ra Biển Đông, vì mục đích quân sự, ai dám bảo đảm rằng, nó không gây tai nạn hoặc sự cố nguy hiểm trong quá trình hoạt động.
Nên nhớ rằng, tại khu vực Biển Đông thường xuyên xuất hiện các cơn bão mạnh. Do vậy, bất kỳ một sự cố lò phản ứng hạt nhân, hay tai nạn trên biển nào cũng có thể phá hủy nghiêm trọng môi trường biển chung quanh.
Chưa thấy tiếng nói chính thức từ phía Mỹ, Nga và các cường quốc hạt nhân. Vả chăng đây mới chỉ là “kế hoạch” của Trung Quốc. Thế nhưng, rất cần có những ý kiến của các nhà khoa học, các chính trị gia, các nhà bình luận quốc tế, đặc biệt là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), về thái độ và trách nhiệm của Bắc Kinh khi triển khai chương trình xây dựng máy điện hạt nhân nổi, nhằm phục vụ cho mấy cái đảo nhân tạo đang… chìm dần vì thời tiết khắc nghiệt.
Có vẻ như lành ít mà dữ nhiều!
H.Đ