Tuesday, January 7, 2025
Trang chủQuân sựMỹ lạc hậu trong cuộc chiến tàu không người lái, vội vã...

Mỹ lạc hậu trong cuộc chiến tàu không người lái, vội vã đuổi theo Nga

Theo một số quan chức, Lầu Năm Góc vẫn tập trung vào các dự án đóng tàu lớn, bộc lộ điểm yếu khi tàu không người lái trên biển định hình lại cuộc chiến hải quân.

Hình ảnh tàu hỗ trợ Shahid Baziar của hải quân quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và tàu mặt nước không người lái Saildrone Explorer trong vùng biển Vịnh Ả Rập.


Hiệu quả của tàu không người lái trên biển đã được chứng minh ở biển Đen, khi Ukraine triển khai các tàu cao tốc điều khiển từ xa chở đầy chất nổ này đến đánh chìm các tàu khu trục và tàu quét mìn của Nga kể từ cuối năm 2022. Tại biển Đỏ, phiến quân Houthi cũng sử dụng các tàu tương tự để cản trở hoạt động vận chuyển thương mại (mặc dù không thành công).

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Eric Pahon nói với Reuters rằng những chiến thuật này đã thu hút sự chú ý của Lầu Năm Góc, khi cơ quan này đang kết hợp các bài học từ Ukraine và biển Đỏ vào kế hoạch ứng phó với việc sức mạnh hải quân Trung Quốc đang gia tăng ở Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks hồi tháng 8/2023 đã công bố một sáng kiến có tên là Replicator – nhằm triển khai hàng trăm tàu không người lái nhỏ, tương đối rẻ trong vòng 18-24 tháng tới để đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Theo các cuộc phỏng vấn với hàng chục người có kiến thức trực tiếp về kế hoạch tàu không người lái của Mỹ, việc thể hiện cam kết công khai này diễn ra sau thời gian hải quân Mỹ do dự với xây dựng một hạm đội tàu không người lái. Đây được cho là tương lai của chiến tranh trên biển.

Hai nguồn tin hải quân và 3 giám đốc điều hành tại các nhà sản xuất tàu không người lái cho biết trở ngại lớn nhất cho tiến độ là quy trình ngân sách của Bộ Quốc phòng. Chương trình này ưu tiên các tàu lớn và tàu ngầm do các nhà thầu quốc phòng truyền thống chế tạo.

Người phát ngôn cho biết Hải quân có ngân sách 172 triệu USD trong năm nay cho các tàu không người lái cỡ nhỏ và vừa, giảm xuống còn 101,8 triệu USD vào năm 2025. Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong ngân sách mua sắm hải quân trị giá 63 tỷ USD do chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất cho năm 2025.

Tàu không người lái quân sự có thể hoạt động bao gồm từ tàu cao tốc trang bị tên lửa cho đến tàu ngầm thu nhỏ săn mìn và thuyền buồm chạy bằng năng lượng mặt trời được trang bị camera do thám độ phân giải cao, cảm biến dưới nước và loa phóng thanh dùng để phát cảnh báo với tàu địch.

Nhưng khi hải quân Mỹ triển khai các tàu không người lái trên biển trong các nhiệm vụ trinh sát những năm gần đây, không phải lúc nào họ cũng có đủ chuyên môn để sử dụng. Không có đủ thủy thủ được đào tạo để điều khiển tàu không người lái hoặc phân tích lượng lớn dữ liệu được gửi về từ máy ảnh và cảm biến của tàu.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pahon cho biết Bộ Quốc phòng đã “tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới trong ba năm qua”, bao gồm cả việc sử dụng tàu không người lái trên biển.

Thừa nhận những thách thức về ngân sách, Pahon cho biết Lầu Năm Góc đang sử dụng những cách sáng tạo để vượt qua “thung lũng tử thần”, một thuật ngữ dùng để mô tả quá trình phê duyệt đầy khó khăn với các phát minh mới trước khi sản xuất hàng loạt.

Replicator

Một ví dụ mà Pahon trích dẫn là chương trình Replicator: dự án ngắn hạn trị giá 500 triệu USD một năm được thiết kế để cắt giảm tình trạng quan liêu và theo dõi nhanh việc triển khai hàng nghìn thiết bị không người lái trên không và trên biển giá rẻ.

Là một phần của sáng kiến, Lầu Năm Góc hồi tháng 1 đã đưa ra lời kêu gọi các công ty tư nhân cung cấp tàu không người lái nhỏ trên biển cho Hải quân, với mức sản xuất 120 tàu mỗi năm và việc triển khai sẽ bắt đầu vào tháng 4/2025.

Switchblade-600 là vũ khí đầu tiên được xác nhận công khai là đưa vào sáng kiến Replicator. Ngoài ra, đợt đầu tiên của chương trình cũng bao gồm các sản phẩm trên mặt biển chưa được tiết lộ, các máy bay không người lái khác và các hệ thống chống máy bay không người lái (c-UAS).

Duane Fotheringham, chủ tịch hệ thống không người lái tại Huntington Ingalls Industries (HII), công ty đóng tàu quân sự lớn nhất Mỹ, thừa nhận Lầu Năm Góc và hải quân đã thể hiện “ý định” đẩy nhanh việc triển khai máy bay không người lái trên biển nhưng ông cho biết ngành này muốn thấy nguồn tài trợ dài hạn trong ngân sách quốc phòng.

Fotheringham nói với Reuters: “Chúng tôi thấy nhiều tín hiệu về nhu cầu… nhưng tất cả chúng tôi phải làm việc rất chặt chẽ với nhau để hiểu nhu cầu đó là gì và khi nào nó sẽ đến”.

Với chi phí dao động từ 1 triệu đến 3 triệu USD mỗi chiếc, theo các nguồn tin của hải quân và nhà thầu quốc phòng, tàu không người lái là một cách tương đối rẻ và nhanh chóng để mở rộng hạm đội của hải quân, đặc biệt là khi một số dự án đóng tàu truyền thống lớn – như một lớp tàu chiến khinh hạm mới – đang chậm tiến độ nhiều năm.

Mỹ cũng đang thử nghiệm sử dụng tàu robot trong các tình huống chiến đấu tích cực, với các nhiệm vụ như giám sát hàng hải, dò mìn và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển (như đường ống dẫn khí đốt và cáp quang).

Bryan Clark, cố vấn của Hải quân về tàu tự hành và tàu ngầm cho biết, các nhóm tàu không người lái nhỏ trên biển cũng có thể đóng vai trò là lá chắn cho các tài sản có giá trị của thủy thủ đoàn như tàu sân bay và tàu ngầm, đồng thời gây rối cho các tàu chở quân trong một số trường hợp.

Clark ước tính hải quân Mỹ có khoảng 100 tàu không người lái nhỏ để sử dụng trên bề mặt đại dương và 100 tàu không người lái dưới nước khác, trong khi Trung Quốc có lực lượng quy mô tương tự và đang phát triển nhanh chóng. Người phát ngôn của hải quân từ chối bình luận về số lượng tàu không người lái đang hoạt động.

Hạm đội thứ 5 của hải quân Mỹ, hoạt động ngoài khơi Bahrain, đã thử nghiệm các tàu không người lái trong ba năm. Dự án đã triển khai các tàu không người lái giám sát do các công ty tư nhân chế tạo – bao gồm cả các công ty khởi nghiệp, cũng như các công ty được hỗ trợ bởi các đối thủ nặng ký về quốc phòng như Lockheed Martin và HII.

Thử tên lửa

Vào tháng 10/2023, hải quân Mỹ đã thực hiện vụ thử tên lửa thật đầu tiên từ một tàu cao tốc không người lái trên biển ở bán đảo Ả Rập.

Tàu T38 Devil Ray, do công ty tàu không người lái trên biển MARTAC có trụ sở tại Florida chế tạo, đã phóng thành công một hệ thống tên lửa thu nhỏ để tiêu diệt một chiếc thuyền mục tiêu, với sự ra lệnh của người điều khiển lên bờ. Việc sử dụng các tàu không người lái đã được mở rộng tới hạm đội 4 của hải quân Mỹ ở Trung Mỹ vào năm ngoái, để trấn áp nạn buôn người ngoài khơi bờ biển phía bắc Haiti.

Một trong những công ty đang hoạt động ở đó là Saildrone, có trụ sở tại California chuyên sản xuất các tàu tự hành chạy bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và động cơ diesel để thu thập hình ảnh và dữ liệu bằng camera và cảm biến.Saildrone đã “đi đường vòng”. Công ty vận hành và bảo trì các tàu riêng, tính phí dịch vụ cho dữ liệu thu thập, nên hải quân Mỹ có thể trả tiền để sử dụng tàu không người lái của họ bằng chi phí vận hành thay vì ngân sách mua sắm.

Saildrone đã ra mắt Surveyor, con tàu lớn nhất của hãng, được thiết kế riêng cho quân đội, tại một sự kiện vào tháng 3 với sự tham dự của Giám đốc Điều hành Hải quân Lisa Franchetti.

Richard Jenkins, người sáng lập công ty, cho biết họ cũng cung cấp cho lực lượng bảo vệ bờ biển và các bộ phận khảo sát đại dương. Họ có một đội tàu gồm 130 chiếc và đang đóng thêm vài chiếc nữa mỗi tháng.Jenkins nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Hiện tại, chúng tôi đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu”. Ông từ chối bình luận về việc Saildrone tính phí cho hải quân bao nhiêu.

Một công ty khác là Ocean Aero chế tạo tàu Triton tự hành, có thể di chuyển trên mặt nước hoặc dưới nước để thu thập dữ liệu và săn mìn bằng cảm biến. Công ty, được hỗ trợ bởi Lockheed Martin, đã mở một cơ sở sản xuất ở Gulfport, Mississippi vào tháng 10/2023, có khả năng sản xuất 150 Triton mỗi năm.

Lockheed Martin không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong khi đó, vào tháng 10/2023, HII được trao hợp đồng chế tạo 9 tàu bay không người lái nhỏ dưới nước cho chương trình Lionfish của hải quân Mỹ, với tiềm năng tăng lên 200 phương tiện trong 5 năm tới. Hợp đồng có thể có tổng trị giá 347 triệu USD.

Chương trình Lionfish tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những điều này là bằng chứng cho thấy Lầu Năm Góc đang cố gắng tiến nhanh hơn để triển khai tàu không người lái trên biển, người phát ngôn Pahon nói với Reuters.

Ông nói: “Chúng tôi biết mình cần phải tiếp tục nỗ lực để luôn dẫn đầu”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới