Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThông điệp “con tàu cũ”?

Thông điệp “con tàu cũ”?

Cụm từ “con tàu cũ” lại vang lên chát chúa trong bối cảnh quan hệ Philippines – Trung Quốc tiếp tục diễn biến căng thẳng do những xung đột trên Biển Đông.

Chiếc tàu cũ BRP Lake Caliraya được đưa ra điểm tập trận để thành mục tiêu giả tưởng

“Lại vang lên…” nghĩa là trước nay, cụm từ này từng được nhắc đến nhiều nhiều. Đúng thế, “con tàu cũ” hay “đống sắt rỉ” – hai cụm từ này được nói đến từ năm 1999, khi Philippines mua BRP Sierra Madre – một tàu chiến mà quân đội Mỹ từng sử dụng từ chiến tranh thế giới thứ 2.

Chiến tranh thế giới thứ 2 – lâu quá rồi. Thế nên, chẳng cần là chuyên gia quân sự, cũng có thể hiểu BRP Sierra Madre lụ khụ “quá date” đến như thế nào. Trách gì, có người còn ví nó như “đống sắt rỉ”.

Rước về một con tàu cũ đến như vậy, dẫu với giá bèo bọt, Manila liệu có là những kẻ điên?

Không. Ngược lại, ai hô lên câu hỏi trên mới là khờ khạo. Còn Manila khôn chán. Khôn bởi chỉ bỏ ra nhúm “bạc vụn” cho Mỹ, cố tình làm cho chiếc BRP Sierra Madre “mắc cạn” trên bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện Philippines kiểm soát), sau đó, đưa tiểu đội binh sĩ tới đồn trú, họ đã biến “đống sắt rỉ” tưởng chừng vô dụng thành một “cột mốc sống” thách thức âm mưu và tham vọng chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng từ đó, BRP Sierra Madre/“con tàu cũ”/ “đống sắt rỉ” thành chuyện. Thành chuyện ở nỗi, mỗi khi Manila tiếp tế hậu cần cho nhóm lính đồn trú, là Bắc Kinh dùng tàu hải cảnh ngăn cản, gây hấn. Sau mỗi lần tố cáo của Philippines, vấn đề tiếp tế cho nhóm lính đồn trú càng bị Trung Quốc khó dễ hơn.

Gần đây, sau những gì diễn ra liên tục và dai dẳng, một số chuyên gia quốc tế cảnh báo: Cỏ Mây có thể thành điểm nóng thứ 2 ở Biển Đông, sau khu vực bãi cạn Scaborough mà Philippines đã mất quyền kiểm soát về tay Trung Quốc từ năm 2012.

Tuy nhiên, đó là chuyện…cũ, so với một chuyện mới tinh khôi. Trong câu chuyện mới này, cái tên “con tàu cũ” đang nóng bỏng là một phần cuộc tập trận mang tên Balikatan (vai kề vai) giữa Philippines và đồng minh Mỹ, diễn ra từ 22-4 đến ngày 10-5.

Một cuộc tập trận tổ chức hằng năm, có gì mới đâu mà thành to chuyện?

Về quy mô ư? Không, xét về quân số, Balikatan năm ngoái với gần 18000 binh sĩ (so với lần này dưới 17000 quân) mới là lớn nhất, tính từ năm 1991.

Do tham gia có quân đội 14 quốc gia, trong đó Nhật Bản và Ấn Độ, là quan sát viên, chăng? Không, cái số đếm “đầu nước” tương đối dày đó cũng chưa nói lên điều gì.

Ngay cả khi Balikatan năm nay, lần đầu thực hiện ở khu vực vượt ra ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý quanh Philippines, dù nhạy cảm cũng chưa hẳn đã thành chuyện lớn khi Washington đã đon trước những suy diễn của dư luận bằng lời trấn an rằng: mục tiêu của Balikatan 2024 nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa quân đội hai nước và không nhằm vào bất kỳ nước nào. Rằng: cuộc tập trận diễn ra ở những địa điểm dựa trên trật tự quốc tế và luật pháp quốc tế cũng như nằm trong quyền chủ quyền và trách nhiệm của nước bạn (Philippines)…

Vậy thì điều gì bất thường khiến Bắc Kinh phải nóng mặt?

Càng những ngày về sau, cái sự “nóng” của Bắc Kinh còn hơn cả cái nóng thể hiện trong tuyên bố của báo chí Đại lục ngay khi Balikatan bắt đầu ngày 22/4, cho rằng: Balikatan của Philippines và Mỹ có bản chất “vô cùng tiêu cực”.

Thì nó đây: liên quan cuộc tập trận này, ngày 8/5 vừa qua, mục tiêu giả tưởng “tàu địch tấn công” chính là chiếc tàu chiến BRP Lake Caliraya, một tàu chở dầu nhỏ do Trung Quốc sản xuất, được hải quân Philippines sử dụng khá lâu, chỉ mới ngừng hoạt động từ năm 2020.

Dĩ nhiên, trước sức mạnh (?) của lực lượng tham gia cuộc tập trận, chiếc BRP Lake Caliraya từ từ chìm xuống Biển Đông sau khi trúng loạt tên lửa chống hạm, rocket, đại bác. Hình ảnh đó được cung cấp cho báo chí, và ngay lập tức, tán phát với tốc độ chóng mặt trên truyền thông như muốn lan tỏa, khẳng định thêm sức mạnh, hiệu quả sự hiệp đồng tác chiến ăn ý của các bên tham gia Balikatan đang diễn ra.

Về lý, nói cho cùng, chiếc tàu BRP Lake Caliraya, dù do Trung Quốc sản xuất, nhưng thuộc sở hữu của Philippines thì Philippines có quyền sử dụng cho bất kỳ mục tiêu nào, kể cả biến thành một mục tiêu giả tưởng cho một cuộc tập trận như Balikatan. Đó là còn chưa nói tới việc con tàu già cỗi này, đã không còn được sử dụng từ 4 năm nay.

Tuy nhiên, đừng vội trách dư luận suy diễn. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng như dây đàn giữa Philippines và Trung Quốc tại hai điểm nóng Cỏ Mây và Scaborough, việc dùng một tàu chiến cũ do Trung Quốc sản xuất làm mục tiêu giả tưởng, chẳng lẽ chỉ là tình cờ?

Không. Chắc chắn, nó phải là một hàm ý, một thông điệp của Mỹ và Philippines hướng về Bắc Kinh.

Suy nghĩ đó tồn tại ngay cả khi trước đó, phó đô đốc hải quân Philippines Toribio Adaci, nhấn mạnh như sự giải thích rằng: “Không có vấn đề gì. Con tàu (BRP Lake Caliraya do Trung Quốc sản xuất) đã được sử dụng ở Philippines một thời gian dài. Vì vậy, bất kỳ sự liên hệ nào, nếu có, cũng không thành vấn đề”.

Một BRP Sierra Madre/“con tàu cũ”/ “đống sắt rỉ”, mà đã làm “nóng” cả Biển Đông. Nay lại thêm chuyên với một “con tàu cũ”/BRP Lake Caliraya nữa…, câu chuyện Biển Đông bảo rồi sẽ thu xếp ổn thỏa – ai tin được?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới