Tốc độ phát triển công nghệ không gian và tham vọng của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại và người đứng đầu NASA gọi đây là một ‘cuộc chạy đua không gian’ mới.
Các chuyên gia nhận định Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc chạy đua không gian mới, nhưng không chỉ đơn giản đặt chân lên Mặt trăng như thời Chiến tranh lạnh, mà là tìm kiếm và kiểm soát các nguồn tài nguyên.
Mang cá lên trạm không gian
Chiều 3-5, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Hằng Nga 6 để khám phá nửa không nhìn thấy được (còn được gọi là vùng tối, mặt khuất, mặt xa hay mặt sau) của Mặt trăng. Tàu thăm dò Hằng Nga 6 sẽ thực hiện sứ mệnh lấy mẫu vật từ vùng tối của Mặt trăng và đem trở về Trái đất.
Trước đó, Trung Quốc tối 25-4 đã phóng tàu vũ trụ Thần Châu 18 đưa ba nhà du hành lên Trạm vũ trụ Thiên Cung thực hiện sứ mệnh kéo dài 6 tháng. Trạm vũ trụ Thiên Cung được phát triển sau khi Trung Quốc bị loại khỏi Trạm vũ trụ quốc tế, nguyên nhân chính là Washington lo ngại trước tham vọng không gian của Bắc Kinh, theo tờ The Guardian.
Đáng chú ý, “thành viên phi hành đoàn thứ tư” là cá ngựa vằn – được mang theo để tham gia thí nghiệm đánh giá liệu rằng một hệ sinh thái có thể tồn tại trong môi trường khép kín hay không.
Tuy nhiên, việc thu thập các mẫu đá Mặt trăng và đánh giá khả năng sống sót của cá ngựa vằn không phải là trọng tâm duy nhất trong chương trình không gian của Trung Quốc.
Tốc độ phát triển công nghệ không gian và tham vọng của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại và người đứng đầu NASA (Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ) gọi đây là một “cuộc chạy đua không gian” mới.
Phát biểu trước quốc hội, giám đốc NASA, ông Bill Nelson hồi tuần rồi nhìn nhận Mỹ và Trung Quốc đang “trong cuộc đua” trở lại Mặt trăng. Ông Nelson cho rằng phần lớn chương trình không gian dân sự của Trung Quốc phục vụ mục đích quân sự.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói chính Mỹ đứng sau “việc quân sự hóa không gian và biến nơi này thành một khu vực xung đột”, đồng thời gọi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh vũ trụ.
Cuộc đua kiểm soát tài nguyên
Giáo sư Kazuto Suzuki, chuyên gia tại Trường chính sách công thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản), nhận định Mỹ và Trung Quốc thực sự đang trong một cuộc đua không gian, nhưng không chỉ đơn giản là đặt chân lên Mặt trăng như thời Chiến tranh lạnh, theo tờ The Guardian ngày 5-5.
“Đúng hơn là tìm kiếm và kiểm soát các nguồn tài nguyên, như nước. Và đây là cuộc đua xem bên nào có công nghệ tốt hơn và Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp. Tốc độ phát triển công nghệ của Trung Quốc chính là yếu tố đe dọa đối với Mỹ”, ông Suzuki nói.
Ông Suzuki cho biết các thỏa thuận quốc tế không cho phép bất kỳ quốc gia nào chiếm đoạt tài nguyên trên Mặt trăng, nhưng trên thực tế đó vẫn là “miền Tây hoang dã”.
Theo ông Suzuki, Trung Quốc muốn dẫn đầu và độc quyền về tài nguyên để chiếm nhiều lợi thế hơn cho chương trình khám phá không gian trong tương lai.
Xây trạm không gian riêng cho Mặt trăng
Cả Mỹ và Trung Quốc đang phát triển chương trình trạm vũ trụ riêng biệt cho Mặt trăng. Chương trình Artemis do Mỹ dẫn đầu bao gồm kế hoạch về trạm không gian “Lunar Gateway” (Cổng Mặt trăng).
Quay quanh Mặt trăng, trạm không gian này đóng vai trò là trung tâm liên lạc, nơi lưu trú cho phi hành gia và phòng thí nghiệm khoa học.
“Tuy nhiên, người Mỹ không quan tâm đến việc sở hữu Mặt trăng vì họ đã từng đặt chân lên đó. Người Mỹ biết rõ Mặt trăng không phải là nơi có thể sinh sống được và quan tâm đến sao Hỏa hơn”, theo ông Suzuki.
Vì vậy, Mỹ có thể xem Lunar Gateway giống như một trạm tiếp nhiên liệu cho tàu vũ trụ tiến tới sao Hỏa. “Nếu chương trình Artemis có thể lấy nước từ Mặt trăng thì nước có thể được xử lý để tạo ra nhiên liệu tên lửa từ hydro và oxy”, ông Suzuki dự đoán.
Ngược lại, Trung Quốc và Nga hồi năm 2021 đã công bố kế hoạch hợp tác xây dựng một trạm nghiên cứu chung trên Mặt trăng. Hai bên tuyên bố Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS) hoan nghênh bất kỳ quốc gia nào quan tâm nào.
Ông Suzuki nhận định ILRS hoạt động giống như trạm nghiên cứu ở Nam Cực, đồng nghĩa tuân thủ các hiệp ước quốc tế về không gian. “Tuy nhiên, nếu ILRS được sử dụng để thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ thì điều này là trái quy định”, ông Suzuki chia sẻ.
Theo các chuyên gia, Mỹ được cho là đang tập hợp các đồng minh để đảm bảo Trung Quốc không giành chiến thắng trong cuộc đua không gian.
Cụ thể, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 10-4 đưa ra một kế hoạch.
Theo đó, Tokyo sẽ hợp tác chặt chẽ với Washington trong khuôn khổ chương trình Artemis của NASA để đưa phi hành gia Nhật Bản lên Mặt trăng lần đầu tiên vào năm 2028 và lần tiếp theo vào năm 2032.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa phi hành gia lên Mặt trăng trước năm 2030. Với mối quan hệ đối tác khắp Trung Đông và Mỹ Latin, Trung Quốc được cho là thu hút hơn 10 thành viên cho ILRS.
Tiến sĩ Svetla Ben-Itzhak, chuyên gia về không gian và an ninh quốc tế của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cũng đồng tình rằng Mỹ và Trung Quốc thực sự đang tham gia vào cuộc đua không gian.
“Tuy nhiên, thử thách thực sự trong không gian không chỉ đơn giản là đạt được một cột mốc cụ thể, như cắm cờ hay thu thập mẫu vật. Điều quan trọng là phải thiết lập được sự hiện diện bền vững, kiên cường trong một môi trường vô cùng thách thức”, tiến sĩ Ben-Itzhak lưu ý.