Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnKế hoạch của EU cấm khí đốt Nga có thể chết yểu

Kế hoạch của EU cấm khí đốt Nga có thể chết yểu

Kế hoạch của EU cấm khí đốt Nga đối mặt nguy cơ chết yểu do nước thành viên có thể phủ quyết.

Tàu chở LNG Christophe De Margerie cập cảng Sabetta ở Bắc Cực của Nga.

Tờ Politico đưa tin, Hungary có thể phủ quyết đề xuất trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Nga. Là một phần trong gói trừng phạt thứ 14, lần đầu tiên EU dự kiến nhắm vào lĩnh vực khí đốt của Nga.

Theo Politico, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với LNG Nga vào tuần trước. Các biện pháp này sẽ ngăn các nước EU tái xuất khẩu LNG của Nga, nhưng sẽ không đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với việc nhập khẩu khí siêu lạnh vào Liên minh châu Âu.

Hungary bày tỏ “sự dè dặt đáng kể” về đề xuất này. Trong các cuộc thảo luận ngoại giao ban đầu vào tuần trước, đặc phái viên hàng đầu của Hungary đã cảnh báo rằng Budapest sẽ ngăn chặn mọi biện pháp khiến chi phí năng lượng cao hơn ở châu Âu, theo Politico.

Quan chức Hungary nói: “Chúng tôi sẽ phân tích đề xuất nhưng không ủng hộ bất kỳ điều gì có thể có tác động tiêu cực đến thị trường khí đốt của EU”.

Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã yêu cầu thêm thông tin kỹ thuật về các biện pháp trừng phạt mới, Politico lưu ý, trích dẫn những người có mặt tại cuộc đàm phán kín.

Theo Politico, việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với LNG là một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của EU. Cho đến nay, EU vẫn chưa đưa ra hạn chế nào với khí tự nhiên hóa lỏng.

Nga từng là nhà cung cấp khí đốt qua đường ống hàng đầu của EU, nhưng sau khi bắt đầu xung đột Ukraina, Liên minh châu Âu đã giảm mạnh nhập khẩu từ Mátxcơva.

Tỉ trọng khí đốt qua đường ống của Nga trong nhập khẩu của EU đã giảm từ hơn 40% vào năm 2021 xuống còn khoảng 8% vào năm 2023. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên EU vẫn phụ thuộc vào nguồn cung của Nga. Theo dữ liệu của Hội đồng châu Âu, đối với khí đốt qua đường ống và LNG cộng lại, Nga chiếm khoảng 15% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU vào năm ngoái.

LNG của Nga tiếp tục chảy đến lục địa này chủ yếu thông qua các cảng ở Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp. Một số sau đó được tái xuất khẩu sang các nước như Italy và Đức.

Hungary từng chỉ trích các hạn chế đối với Nga và trước đây đã phản đối các gói trừng phạt của EU, cho rằng chúng gây tổn hại cho chính EU hơn là Nga. Để được thông qua, các gói trừng phạt cần có sự ủng hộ từ tất cả các nước thành viên EU.

Khi thông tin về khả năng trừng phạt LNG của Nga lần đầu tiên xuất hiện vào tháng trước, Mátxcơva cho biết các nhà sản xuất trong nước sẽ tìm cách khắc phục.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov cảnh báo, bất kỳ hạn chế nào đối với LNG của Nga cùng với nỗ lực “ép” nước này ra khỏi thị trường năng lượng sẽ chỉ khiến giá khí đốt cao hơn đối với người tiêu dùng EU.

Trong báo cáo giám sát thị trường năm 2024 được công bố hôm 18.4, Cơ quan Hợp tác Điều tiết Năng lượng (ACER) của EU cho biết “việc giảm nhập khẩu LNG của Nga cần được tiếp cận một cách thận trọng”, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung khí đốt qua đường ống từ nước này sắp kết thúc vào cuối năm nay.

Báo cáo đề cập đến việc hết hạn hợp đồng 5 năm vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraina vào tháng 12.2024. Ukraina tuyên bố không có kế hoạch gia hạn thỏa thuận này. Nếu dòng chảy dừng lại, EU có thể mất 13,6 tỉ mét khối khí đốt, tương đương khoảng 4% tổng lượng tiêu thụ năm ngoái.

Như vậy, TurkStream là tuyến đường ống dẫn khí duy nhất còn lại từ Nga tới châu Âu, đi qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria.

Báo cáo cho biết, EU đang đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Để đạt được mục tiêu đó, việc giảm nhập khẩu LNG từ nước này “cần được xem xét theo từng bước, bắt đầu bằng nhập khẩu giao ngay”.

ACER lưu ý, Nga là nhà sản xuất LNG lớn thứ hai ở lưu vực Đại Tây Dương sau Mỹ. Nga cũng là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của khối sau Mỹ vào năm 2023.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới