Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: khi hai cường quốc đồng giọng

Biển Đông: khi hai cường quốc đồng giọng

Việc có được tiếng nói chung với Kremlin chỉ trích Mỹ và phương Tây “nhúng mũi vào Biển Đông” như một sự can thiệp vào câu chuyện nội bộ của các nước trong khu vực, là điều có ý nghĩa rất lớn với Trung Nam Hải.

Cái bắt tay mặn nồng giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin ngày 16/5/2024, tại Bắc Kinh

Chẳng đợi ông Yury Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, tiết lộ, dư luận cũng thừa biết, Trung Quốc không phải là địa điểm được chọn ngẫu nhiên cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Putin, kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 đầu tháng 5 vừa qua, mà là để đáp lại cử chỉ hữu nghị tương tự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Cử chỉ tương tự” mà Kremlin rất mực coi trọng đó là gì? Là chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3, diễn ra từ ngày 20/3/2023.

Chẳng ai hời hợt nghĩ các động thái của ông Putin là nặng về hình thức, chỉ có tính đáp lễ. Ngược lại, nó thể hiện thông điệp về mối quan hệ khăng khít giữa hai siêu cường trong bối cảnh xung đột địa chính trị diễn ra vô cùng phức tạp.

Trở lại sự hiện diện của ông Putin 2 ngày vừa qua tại Bắc Kinh và Cáp Nhĩ Tân một thành phố lớn của Trung Quốc – dù không ồn ào (và dường như cả hai cùng chủ ý thế”, nhưng sự trọng thị và nồng nàn mà Trung Nam Hải dành cho ông chủ điện Kremlin như một sự “biệt đãi”, là không thể nghi ngờ. Đặc biệt, kết quả của chuyến thăm, cũng là điều mà dư luận quan tâm, trông đợi nhất, càng củng cố thêm nhận định trên.

Liên quan vấn đề này, những lời nói tốt đẹp từ hai phía dành cho nhau, tỷ như ông Tập nói rằng: mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã vượt qua những thử thách của môi trường quốc tế đầy biến động và trở thành chuẩn mực cho mối quan hệ giữa các cường quốc; quan hệ Trung-Nga đã trở nên mạnh mẽ trong những điều kiện khó khăn, vượt qua thử thách của tình hình quốc tế đầy biến động…”; còn ông Putin thì, cùng với việc nêu con số kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng trong năm 2023 và đạt 227 tỷ USD; Nga và Trung Quốc đã có những hoạt động hợp tác thực chất; Trung Quốc là đối tác chính của Nga trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, đã nhấn mạnh rằng: “Cùng nhau, chúng ta bảo vệ các nguyên tắc công bằng và trật tự thế giới dân chủ dựa trên thực tế đa cực và luật pháp quốc tế”.

Tự tin tới mức ấy vào “sứ mệnh” chung, trách gì Bắc Kinh chẳng lấy làm hoan hỷ mấy ngày nay. Nhưng gặt hái lớn nhất của Bắc Kinh trong cuộc đón ông Putin, là đưa được vấn đề Biển Đông vào Bản tuyên bố chung dài 30 trang.

Một văn bản tuyên bố chung nhắc đến Biển Đông mà Bắc Kinh hài lòng – chỉ cần thế, đủ biết, nó không thể ngược với quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông lâu nay được.

Nhưng câu từ như “Hai bên thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông nên được giải quyết bởi các bên liên quan, thông qua các cuộc đàm phán và tham vấn”; “Nga hoan nghênh những tiến triển bước đầu trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN”; Nga “ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN để cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông”…chưa phải những gì Bắc Kinh hào hứng nhất. Bởi suy cho cùng, nội dung ấy cũng chỉ là những nhận định, kêu gọi chung, không hề trái lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông mà lâu nay, cả Trung Quốc lẫn các nước ASEAN vẫn nói.

Quan trọng nhất với Bắc Kinh là nội dung hai bên “phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của các lực lượng ngoài khu vực vào vấn đề này”.

Các lực lượng ngoài khu vực là lực lượng nào? Chẳng ai là không hiểu, Nga và Trung Quốc ám chỉ Mỹ và đồng minh phương Tây.

Sự trở lại của Mỹ trong khu vực với chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, nơi có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, bắt đầu từ năm 2011, với mục tiêu quan trọng nhất: bảo đảm duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ trước những thay đổi nhanh chóng tại khu vực, kiềm chế tham vọng vươn lên của Trung Quốc…, đã và đang khiến Bắc Kinh khó chịu.

Liên quan vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh càng cay cú hơn khi họ cho rằng, Mỹ ngày một lộng quyền, nhân danh tự do hàng hải ngăn cản Bắc Kinh hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” chiếm tới 90% diện tích Biển Đông; Mỹ, dù không tham gia Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, tháng 7 năm 2023, bỗng trịch thượng to tiếng “lên lớp” Bắc Kinh về đạo đức và đòi Trung Quốc phải tuân thủ Phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài (PCA) do Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 để thụ lý vụ kiện Biển Đông của Philippines, bắt đầu từ năm 2013.

Chính thế, với việc có được tiếng nói chung với Kremlin chỉ trích Mỹ và phương Tây can thiệp vào câu chuyện nội bộ của các nước trong khu vực, là điều có ý nghĩa rất lớn với Trung Nam Hải.

Éo le thay, nhìn rộng ra, trên bình diện quốc tế, dư luận rất khó đồng thuận với nhận định này.

Khó là bởi, là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất gánh tới 5 nghìn tỷ USD giá trị hàng hóa lưu thông, rõ ràng, tự do hàng hải là câu chuyện quan trọng với cả thế giới, đâu phải chỉ với Mỹ, phương Tây, hay một nền kinh tế nào.

Khó là bởi, nhìn chung, sự phức tạp của câu chuyện Biển Đông, suy cho cùng, là “nguyên nhân nội sinh”: do sự tranh chấp của các bên liên quan trong khu vực, trong đó, Trung Quốc khổng lồ gần như là một bên, còn lại là những Việt Nam, Philippines, Malaysia…nhỏ xíu. Thậm chí, không nói ra, nhưng dư luận hiểu, nếu không e dè Mỹ, bây lâu nay, rất có thể Trung Quốc đã ra đòn nặng tay với các đối thủ mà họ cho là ương bướng, dám chống lại tham vọng chiếm hữu Biển Đông của họ rồi.

Đó cũng là lý do trước việc câu chuyện Biển Đông tràn vào Tuyên bố chung tăng cường quan hệ “trong kỷ nguyên mới” của ông Tập và ông Putin, Washington chắc chắn là bên đang cảm thấy tổn thương nhiều nhất.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới