Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTop 10 tỉnh, thành thu nhập bình quân đầu người cao nhất...

Top 10 tỉnh, thành thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam

Khi nói về những tỉnh hoặc thành phố giàu có nhất Việt Nam, đa phần người ta sẽ nghĩ ngay đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất và là hai thành phố lớn nhất của cả nước. Nhưng sự thật, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không phải là hai địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất ở nước ta. Vị trí dẫn đầu lại thuộc về một địa phương khác.

Dưới đây là 10 tỉnh thành có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tại Việt Nam tới năm 2022.

  1. Nam Định – GDP: 5,1 triệu/tháng

Vị trí này năm trước đó là của Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ một tỉnh thuần nông đến nay, ngành công nghiệp và dịch vụ của Nam Định đã chiếm tỷ trọng khoảng 80% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh này. Trong hai năm trở lại đây, Nam Định luôn nằm trong top những tỉnh tăng trưởng kinh tế nhanh nhất của cả nước. Nam Định chính là ‘đất học’. Nam Định cũng là nơi bảo tồn nhiều giá trị văn hóa của nền văn minh lúa nước với ẩm thực đặc trưng, các làng nghề, lễ hội, đình chùa, thánh đường. Một tỉnh vừa phát triển kinh tế, vừa có văn hóa, và là một trong những địa phương di chuyển từ Hà Nội thuận tiện.

  1. Vĩnh Phúc – GDP: 5,19 triệu/tháng

Vĩnh Phúc là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm chính giữa trung tâm hình học của bản đồ miền Bắc Việt Nam. Từ Hà Nội di chuyển đến Vĩnh Phúc rất thuận tiện. Đây là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tỉnh Vĩnh Phúc có tỉ lệ gần như là 50/50 đối với những cư dân sống ở đô thị và những cư dân sống ở nông thôn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Vĩnh Phúc luôn ở mức cao, có năm lên đến trên 20%. Vĩnh Phúc nổi tiếng với những nhà máy, với những khu đô thị, đặc biệt là của những thương hiệu như là Toyota và Honda.

  1. Cần Thơ – GDP: 5,32 triệu/tháng

Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam, là thành phố sầm uất và phát triển nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, vốn được mệnh danh là ‘Tây Đô’, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ từ hơn trăm năm trước. Cần Thơ cũng có nhiều khu công nghiệp, cũng có nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ được phù sa bồi đắp thường xuyên, rất là thích hợp cho canh tác lúa, các cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và đặc biệt là các cây ăn quả. Nó cũng tạo điều kiện để Cần Thơ phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện và đặc biệt. Hệ thống sông rạch chằng chịt, những vườn cây ăn trái, những chợ nổi tấp nập ở trên sông, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, Cần Thơ có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.

  1. Bắc Ninh – GDP: 5,47 triệu/tháng

Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất của nước ta chỉ 822 km2 nằm trong vùng thủ đô Hà Nội, thuộc đồng bằng sông Hồng. Tỉnh này cũng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bắc Ninh có nhiều làng nghề, có nhiều khu công nghiệp và quy mô công nghiệp luôn tăng rất nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước, trong đó có nhà máy Samsung Bắc Ninh.

Trong những năm qua, Bắc Ninh đã có những bứt phá rất lớn về kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển về công nghiệp, dịch vụ. Sự chuyển biến này khiến Bắc Ninh trở thành tỉnh thành có thu nhập bình quân đầu người cao và thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.

  1. Đà Nẵng – GDP: 5,8 triệu/tháng

Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là thành phố trung tâm và lớn nhất của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đà Nẵng là thành phố tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, là một trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội với vai trò là đầu tàu công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ… Có thể nói những gì tốt nhất, tinh túy nhất của khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều tập trung ở Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng có nền kinh tế đa dạng, gồm cả công nghiệp, nông nghiệp và đặc biệt là dịch vụ du lịch. Dịch vụ và du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế của thành phố. Trước đây, người ta vẫn gọi Đà Nẵng là “thành phố đáng sống nhất của Việt Nam”.

  1. Thành phố Hải Phòng – GDP: 5,89 triệu/tháng
    Hải Phòng là một thành phố cảng quan trọng, là trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng duyên hải Bắc Bộ Việt Nam. Đây cũng là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương. Từ thời Pháp thuộc, Hải Phòng đã là một thành phố quan trọng, là thành phố cấp một, ngang hàng với Sài Gòn và Hà Nội.

Hải Phòng là trung tâm phát luồng xuất nhập khẩu lớn nhất của miền Bắc Việt Nam. Đến nay, thành phố đã có quan hệ xuất nhập khẩu hàng hóa với trên 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một trong những mục tiêu phát triển của Hải Phòng là trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng văn minh, hiện đại. Thành phố này có mạng lưới các khu công nghiệp được bố trí hợp lý, với rất nhiều khu công nghiệp lớn. Bên cạnh công nghiệp, du lịch Hải Phòng nổi tiếng với Đồ Sơn và Cát Bà. Năm nay, Hải Phòng và Hà Nội đã có sự hoán đổi vị trí cho nhau về thu nhập bình quân đầu người giữa vị trí thứ sáu và vị trí thứ năm.

  1. Đồng Nai – GDP: 6,34 triệu/tháng

Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh cũ là Biên Hòa và Long Khánh. Đây là tỉnh đông dân thứ năm cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An. Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, vùng kinh tế phát triển và năng động nhất của Việt Nam.

Trung tâm hành chính của Đồng Nai là thành phố Biên Hòa, nằm cách trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 cây số. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, thậm chí tương đương hai thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ. Đồng Nai có dân số trẻ, dân ở trong độ tuổi lao động là trên 65%, nên lực lượng lao động rất dồi dào.

  1. Thành phố Hồ Chí Minh – GDP: 6,39 triệu/tháng

Nhờ điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông của Việt Nam và cả Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không. Các lĩnh vực giáo dục, truyền thông, thể thao, giải trí, kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh đều giữ vị thế quan trọng và bậc nhất của cả nước.

Nếu xét về đóng góp và kinh tế cho cả nước, thành phố Hồ Chí Minh luôn đứng đầu. Nhưng mà chia ra bình quân đầu người, dân số thành phố Hồ Chí Minh cao nhất cả nước, nên con số trung bình sẽ bị thấp đi. Trên phương diện giao thương quốc tế, thành phố Hồ Chí Minh nằm trên trục giao thông hàng không và hàng hải của vùng Thái Bình Dương. Đây luôn là nơi năng động bậc nhất cả nước, là điểm đến mà rất nhiều người mong muốn tới để phát triển kinh tế, lập nghiệp, dựng nghiệp.

  1. Hà Nội – GDP: 6,42 triệu/tháng

Năm 2023 cũng là năm Hà Nội đánh dấu mốc kỷ niệm tròn 15 năm mở rộng địa giới hành chính, tính từ năm 2008. Từ khi được mở rộng, kinh tế Hà Nội đã giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Trong những ngành đóng góp vào kinh tế của Hà Nội, du lịch cũng đang được chú trọng phát triển và dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. So với các tỉnh thành khác của Việt Nam, Hà Nội là một thành phố có tiềm năng để phát triển du lịch trong nội đô. Cùng với những công trình kiến trúc, Hà Nội còn sở hữu một hệ thống bảo tàng đa dạng bậc nhất cả nước. Nhưng du lịch ở Hà Nội cũng còn không ít những tiêu cực. Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội là 18,7 triệu khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.

  1. Bình Dương – GDP: 8,07 triệu/tháng

Bình Dương là tỉnh vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam. Thủ phủ của Bình Dương là thành phố Thủ Dầu Một. Đây là một trong những tỉnh, thành phố phát triển kinh tế nhất ở phía Nam và phát triển kinh tế nhất của cả nước.

Sự phát triển của Bình Dương đã tạo ra cả triệu việc làm. Người dân nhiều tỉnh thành khác cũng đổ về Bình Dương để sinh sống và làm việc. Bình Dương cũng là địa phương duy nhất có thu nhập bình quân đầu người trên 8 triệu đồng một tháng so với cả nước. Trong đó, nhóm có thu nhập cao của Bình Dương chiếm trung bình là 18,3 triệu đồng một tháng.

Vậy thu nhập trung bình của một người Bình Dương so với những tỉnh thành có thu nhập thấp trong cả nước thì sao? Con số của Bình Dương gấp 4 lần hai tỉnh có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng thấp nhất cả nước, là Hà Giang và Điện Biên, lần lượt chỉ là 2,06 và 2,08 triệu đồng một tháng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới