Saturday, December 21, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam hoàn toàn là nền kinh tế thị trường

Việt Nam hoàn toàn là nền kinh tế thị trường

Các chuyên gia kinh tế, quan hệ quốc tế của Mỹ cho rằng nước này cần sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ, Việt Nam được đánh giá hội tụ đầy đủ tiêu chí của một nền kinh tế thị trường


Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết tại phiên điều trần của Bộ Thương mại Mỹ diễn ra vào ngày 8.5, phía Việt Nam nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường.

“Chúng tôi hoan nghênh Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần. Đây là bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam”, bà Phạm Thu Hằng nói, đồng thời nhấn mạnh: “Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước”.

Quyết định hợp lý cần thiết

Liên quan vấn đề trên, chuyên gia Murray Hiebert (Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS, Mỹ) vừa qua có bài phân tích đăng trên website của CSIS mang tựa đề: High Time for the United States to Graduate Vietnam from Its Nonmarket Economy Status (tạm dịch: Đã đến lúc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường).

Ông Hiebert chỉ ra: Việt Nam đã bị Mỹ đưa vào nhóm các nền kinh tế phi thị trường trong hơn 20 năm, vốn bao gồm 12 quốc gia như Nga, Trung Quốc… Điều này vẫn tồn tại ngay cả khi Việt Nam là một trong những đối tác thân cận nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông.

Chỉ vài ngày trước khi nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9.2023 và có nhiều sáng kiến an ninh và kinh tế, Việt Nam chính thức nộp đơn đề nghị Mỹ dỡ bỏ tình trạng nền kinh tế phi thị trường. Một tháng sau, Bộ Thương mại Mỹ đồng ý rà soát để loại Việt Nam khỏi danh sách trên – vốn dễ đối mặt với những tiêu chí khắt khe nhất khi bị buộc tội trong các vụ kiện chống bán phá giá. Theo quy định của Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ có 270 ngày, tức đến cuối tháng 7 là hạn chót, để hoàn thành cuộc khảo sát về hiện trạng của Việt Nam.

Bài viết của ông Hiebert nêu: Việt Nam đã tiến hành cải cách kinh tế vào cuối những năm 1980 bằng cách mở cửa đất nước cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, cắt giảm mạnh vai trò trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và từ bỏ nông nghiệp tập thể và kiểm soát giá cả.

Ngày nay, Việt Nam là một thỏi nam châm lớn thu hút đầu tư nước ngoài khi các công ty tìm cách tách khỏi Trung Quốc và tìm các trung tâm sản xuất thay thế. Các công ty của Mỹ như Apple và Intel đã thành lập các nhà máy và trung tâm nghiên cứu lớn, đồng thời quốc gia này nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.

Thăm Việt Nam vào năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác sản xuất chất bán dẫn và thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Việt Nam là đối tác trong các cuộc đàm phán do Mỹ thúc đẩy để thiết lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) gồm 14 nền kinh tế nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế khu vực. Việt Nam cũng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó họ đồng ý trao cho các liên đoàn lao động độc lập một vai trò lớn hơn.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra: “Nhiều nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Nhật Bản, Úc, Anh và Canada, đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nên việc Mỹ xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường có vẻ độc đoán và phản tác dụng đối với một quốc gia mà Mỹ có quan hệ kinh tế sâu sắc và hợp tác an ninh ngày càng mạnh mẽ”.

Chính vì thế, bài viết nhấn mạnh: “Bước hợp lý tiếp theo trong quan hệ Việt – Mỹ sẽ là Washington vào tháng 7 tới cần công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường”.

Những cản lực phi lý
Thuận lợi cho việc công nhận trên, tác giả Hiebert nhận định: “Một số tổ chức thương mại Mỹ như Liên đoàn Bán lẻ quốc gia sẽ ủng hộ mạnh mẽ việc trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Tổ chức này trích dẫn sự cởi mở của đất nước đối với đầu tư nước ngoài, khả năng chuyển đổi tiền tệ và thương lượng tự do để ấn định mức lương”.

Ông cũng dẫn ra rằng Việt Nam gần như đáp ứng hầu hết tiêu chí của Mỹ về nền kinh tế thị trường. Nhưng ông quan ngại: “Tiêu chí thứ 6 cho phép những người đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ xem xét các vấn đề “thích hợp” khác. Hạng mục này có thể khá chủ quan”.

Bên cạnh đó, một cản lực khác, theo ông, là một số tổ chức tại Mỹ như Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ, đã đưa ra bình luận kêu gọi chính quyền không đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường. Theo họ, việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách sẽ “gây tổn hại cho các nhà sản xuất tôm tại Mỹ”. Các ngành công nghiệp khác như các nhà sản xuất mật ong, cá da trơn, thép và tủ bếp của Mỹ cũng có thể phản đối.

Đây cũng chính là lo ngại của GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) – một người có nhiều nghiên cứu về kinh tế Việt Nam và khu vực.

Trả lời Thanh Niên ngày 23.5, GS Dapice nêu: “Các liên đoàn lao động và một số chính trị gia ở Mỹ coi bất kỳ việc nới lỏng quy định phi thị trường nào của Việt Nam là một cách để “cho” một thứ gì đó cho Việt Nam và “lấy” đi một thứ gì đó từ người lao động và các công ty Mỹ. Tôi không đồng ý với điều này, nhưng lo ngại sức ép này khi năm nay là năm bầu cử”.

Ông nhấn mạnh: “Với vấn đề lạm phát đang là mối lo ngại, nguồn cung cấp hàng hóa giá rẻ hợp lý nên được hoan nghênh hơn là bị phản đối. Nếu Việt Nam không xuất khẩu điện thoại thông minh hay đồ nội thất thì các nước khác sẽ làm. Những công việc đó sẽ không quay trở lại Mỹ”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới