Trong lúc lực lượng Nga tiếp tục tấn công vào tỉnh Kharkiv, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, còn Đức gửi thêm hệ thống phòng không.
Giới chức ở Ukraine hôm qua 25.5 cáo buộc các lực lượng Nga phóng tên lửa nhắm vào tỉnh Kharkiv thuộc đông bắc Ukraine trong đêm 24 và rạng sáng 25.5, làm hư hại một cơ sở giáo dục, theo trang The Kyiv Independent.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 24.5 khẳng định lực lượng Ukraine đã giành được “quyền kiểm soát tác chiến” tại những khu vực mà binh sĩ Nga đã tiến vào ở phía bắc của tỉnh Kharkiv trong tháng này. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát 12 khu định cư ở tỉnh Kharkiv, theo Reuters.
Gói viện trợ quân sự mới
Trước tình hình giao tranh như trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 24.5 công bố gói viện trợ vũ khí và thiết bị trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, nhấn mạnh gói viện trợ mới “nằm trong nỗ lực của chúng tôi giúp Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công của Nga gần TP.Kharkiv”.
Ông Blinken cho hay gói viện trợ mới gồm đạn dành cho Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 155 mm và 105 mm, tên lửa, hệ thống chống tăng AT-4 và Javelin, mìn chống tăng và một số loại đạn khác, theo thông báo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Gói viện trợ mới còn có áo giáp; thiết bị bảo vệ trước các chất hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân; và các phụ tùng thay thế, bảo trì cùng các thiết bị khác. “Chúng tôi sẽ chuyển gói hỗ trợ mới nhanh nhất có thể để quân đội Ukraine có thể sử dụng nó trong việc bảo vệ lãnh thổ của họ và bảo vệ người dân Ukraine”, ông Blinken nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius xác nhận trên mạng xã hội X rằng Kyiv đã nhận được thêm một hệ thống phòng không Iris-T từ Berlin vào ngày 24.5, theo The Kyiv Independent. Berlin trước đây đã cung cấp hệ thống phòng không Iris-T cho Ukraine, bao gồm 3 hệ thống Iris-T SLM, có tầm bắn 40 km và một hệ thống Iris-T SLS, có tầm bắn 12 km.
Tuy nhiên, Ukraine đã từ chối nhận thêm một số xe tăng tác chiến Leopard 1A5 lỗi thời từ Đan Mạch và Đức do có nhiều khiếm khuyết, theo Đài truyền hình DR ngày 24.5 dẫn tài liệu từ Bộ Quốc phòng Đan Mạch. Các bộ trưởng quốc phòng Đan Mạch, Đức và Hà Lan hứa sẽ gửi cho Kyiv ít nhất 100 chiếc Leopard 1A5 được tân trang, nhưng tính đến tháng 9.2023, chỉ có 20 chiếc được chuyển đến Ukraine. Sau khi kiểm tra, Ukraine phát hiện 18 trong số 20 xe tăng nhận được có khiếm khuyết nhỏ hoặc trục trặc, và một số chiếc có pháo không khai hỏa được. Đến tối qua chưa có thông tin về phản ứng của Ukraine.
Moscow lại cáo buộc Washington
Phản ứng về gói viện trợ quân sự mới của Mỹ dành cho Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cáo buộc Washington không quan tâm đến việc theo đuổi hòa bình ở châu Âu và chỉ kéo dài sự đau khổ của chính quyền Ukraine do Tổng thống Zelensky lãnh đạo, theo Đài RT. Ông Antonov còn nói Mỹ công bố gói viện trợ mới “vào đúng ngày giới lãnh đạo Nga xác nhận một cách rõ ràng và dứt khoát rằng họ sẵn sàng đàm phán”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24.5 nhắc lại rằng Moscow sẵn sàng quay lại bàn đàm phán với điều kiện các cuộc đàm phán dựa trên tình hình thực địa hiện nay.
“Nhưng đàm phán với ai? Chúng tôi nhận thấy tính chính danh của người đứng đầu nhà nước Ukraine hiện nay đã hết”, ông Putin lưu ý. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã hết hạn vào ngày 20.5 và không có cuộc bầu cử nào dự kiến diễn ra vì Ukraine vẫn đang trong tình trạng xung đột và áp dụng thiết quân luật được đưa ra ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk trong tuần này nói bất kỳ ai đặt vấn đề về tính chính danh của Tổng thống Zelensky đều là “kẻ thù của Ukraine” và phát tán thông tin sai lệch, theo Reuters.
T.P