Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhững cuộc đời trốn tránh của người trẻ tuổi châu Á

Những cuộc đời trốn tránh của người trẻ tuổi châu Á

Hội chứng hikikomori, chỉ người tự cô lập với thế giới bên ngoài, đang gia tăng nhanh chóng ở châu Á, khi ngày càng có nhiều người từ chối tiếp xúc xã hội và không rời nhà suốt 6 tháng.

Những căn hộ bé xíu vốn là đặc trưng của Hồng Kông càng làm tăng thêm bi kịch cho hikikomori ở lãnh thổ này

Charlie (không phải tên thật) mới 15 tuổi khi cuộc sống của cậu bị thu hẹp một cách không thể giải thích được và sinh hoạt chỉ còn gói gọn bên trong phạm vi chiếc giường tầng của căn hộ chung cư chật hẹp ở Hồng Kông. “Tôi từng cảm thấy vô cùng suy sụp, bối rối, mất phương hướng”, Đài CNN dẫn lời Charlie hiện 19 tuổi và vẫn nỗ lực học cách quay lại thế giới bên ngoài.

Charlie nằm trong số hàng triệu người mắc chứng hikikomori, thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những người cắt đứt quan hệ với xã hội, đôi khi vài tháng hoặc vài năm. Hiện chưa có số liệu chính thức về hikikomori trên toàn thế giới, nhưng tính riêng ở Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản, ước tính đã có hơn 1,5 triệu người.

Nỗi cô độc mang tên hikikomori

Charlie bắt đầu tách rời khỏi xã hội sau khi tranh cãi với giáo viên ở trường và nghe được một số bạn học chỉ trích mình. Cậu đặc biệt nhạy cảm trước lời bình luận của những người xung quanh nên chọn cách trốn tránh. Ban đầu, nam sinh vẫn đến trường ít nhất 1 đến 2 ngày/tuần. Thế nhưng, vào năm 2019, cậu hoàn toàn khóa chặt bản thân trong phạm vi chiếc giường hai tầng chia sẻ cùng người bà trong căn hộ nhỏ bé của gia đình mình.

Trong một thời gian dài, Charlie cố thủ ở trên giường, chỉ rời giường để đi vệ sinh hoặc trả lại chén đĩa sau bữa ăn. Như nhiều hikikomori khác, cậu ngủ cả ngày và chỉ thức dậy khi trời tối để dùng điện thoại. Cha mẹ thỉnh thoảng khuyên con trai đi học hoặc ra ngoài tiếp xúc xã hội. Thế nhưng trong đa số trường hợp, họ để mặc cậu tự xoay xở trong thế giới riêng.

Giáo sư Paul Wong của Đại học Hồng Kông ước tính có đến 50.000 hikikomori ở đặc khu hành chính Trung Quốc, đa số là học sinh cấp 2 và cấp 3. Chia sẻ với Đài CNN, Charlie cũng thừa nhận việc học đóng vai trò dẫn đến tình trạng hiện tại của cậu. Cậu không chịu nổi áp lực về điểm số và cách các giáo viên la rầy những học sinh yếu kém.

Ở Nhật Bản, nhiều hikikomori ở độ tuổi trưởng thành của nước này đã trốn tránh xã hội sau khi mất việc hoặc chật vật tìm cách nuôi sống gia đình, theo Giáo sư Teppei Sekimizu của Đại học Meiji Gakuin. Xu hướng trên phản ánh các vấn đề kinh tế rộng hơn ở Nhật Bản, chẳng hạn mức sống ngày càng đắt đỏ trong khi thu nhập trì trệ.

Còn tại Hàn Quốc, Viện Sức khỏe và các vấn đề xã hội nước này ước tính khoảng 350.000 người trong độ tuổi 19 – 39 ở xứ sở nhân sâm bị liệt vào nhóm hikikomori.

Vấn đề toàn cầu
Tại nhiều nơi ở châu Á, các chính phủ và những tổ chức đang tìm cách giúp đỡ những người hikikomori tái hòa nhập xã hội. Nhiệm vụ này ngày càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt với thách thức đến từ dân số già đi, lực lượng lao động giảm sút, mức sinh giảm và tình trạng tuổi trẻ chán nản.

Năm ngoái, chính quyền Seoul triển khai chương trình phụ cấp 650.000 won/tháng (hơn 12 triệu đồng/tháng) để khuyến khích công dân tuổi từ 9 – 24 mắc chứng tự cô lập với xã hội quay về hòa nhập cộng đồng. Chương trình còn cung cấp sự hỗ trợ giáo dục, giới thiệu việc làm và chăm sóc sức khỏe, theo tờ The Guardian.

Châu Á là nơi ghi nhận những trường hợp hikikomori đầu tiên và hiện tượng này được nghiên cứu ở Nhật Bản. Thế nhưng, những câu chuyện tương tự đang xuất hiện ở các khu vực khác của thế giới, bao gồm Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) cho rằng sự trỗi dậy của internet và giảm sự tương tác, gặp mặt trực tiếp có lẽ là nguyên nhân dẫn đến sự “lây lan” của hikikomori trên toàn cầu. Một nguyên nhân khác đến từ đại dịch Covid-19, khi những biện pháp cách ly được áp dụng đẩy nhiều người đến tình trạng bị cô lập.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới