Thời gian vừa qua trên truyền thông rộ lên thông tin về việc Campuchia dự kiến khởi công xây dựng kênh đào Phù Nam (Funan Techo) vào cuối năm 2024 với chi phí ước tính khoảng 1,7 tỉ USD do Trung Quốc tài trợ.
Điều không hay là trong cuộc thảo luận xung quanh vấn đề này, bên cạnh những ý kiến quan tâm một cách chính đáng đến các vấn đề kỹ thuật và môi trường, còn có một số phát biểu không phù hợp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hữu nghị gắn bó giữa nhân dân hai nước. Đây là một điều hết sức đáng tiếc.
Kênh đào Phù Nam liên quan đến sông Mê Kông, một trong những con sông quốc tế dài nhất châu Á, chảy qua 6 quốc gia. Đã là sông quốc tế thì nó không chỉ liên quan đến một quốc gia, và những hoạt động của các quốc gia ven sông thường có ảnh hưởng xuyên biên giới. Chính vì vậy, nhiều hiệp định hoặc hiệp ước có mục đích bảo đảm cho các con sông quốc tế được sử dụng một cách hợp lý và công bằng, phù hợp với lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia trong lưu vực sông đã ra đời. Năm 1997, Liên Hợp Quốc cũng đã thông qua “Công ước về Luật Sử dụng các Nguồn nước Quốc tế cho các mục đích Phi giao thông thủy” (UNWC).
Đối với sông Mê Kông, năm 1995, bốn quốc gia hạ lưu (Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) đã ký Hiệp định về Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực Sông Mê Kông, thành lập nên Ủy hội sông Mê Kông (MRC). Từ cuối năm 2015, Trung Quốc cùng với 5 quốc gia Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam cũng đã thành lập khuôn khổ Hợp tác Lan Thương – Mê Kông (LMC)… Trên bình diện song phương, “Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy” cũng đã được ký kết năm 2009.
Ở đây tôi không muốn trình bày những vấn đề to lớn như chính trị, pháp lý quốc tế…, mà chỉ muốn nói về một đạo lý đơn giản của những người láng giềng cùng sống trong lưu vực của một con sông. Ở khía cạnh này, tôi còn nhớ câu chuyện mà nguyên Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm từng kể với tôi như sau:
“Vào những năm 1990, để phát triển kinh tế-xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng nhưng vẫn đang còn rất nghèo nàn lạc hậu, Bộ Chính trị đã chủ trương làm hai cây cầu bắc qua Sông Tiền và Sông Hậu. Qua khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia trong nước và quốc tế kết luận rằng đối với hai con sông thì chỉ cần xây một cây cầu có tĩnh không vừa đủ cho tàu bè từ biển theo sông Mê Kông chạy lên Cảng Phnom Penh là đáp ứng được nhu cầu vận tải thủy của Campuchia. Lý do là chi phí xây cầu có tĩnh không lớn, giúp tàu bè lớn đi lại được đắt hơn nhiều lần so với cầu bình thường. Trong bối cảnh những năm 1990 khi nền kinh tế Việt Nam còn rất nghèo nàn, phải tranh thủ viện trợ quốc tế để xây cầu, thì khó có thể làm được cả hai cây cầu cùng tĩnh không lớn như vậy, rất lãng phí và trên thực tế là không cần thiết.
Mặc dù hai cây cầu hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam, nhưng xuất phát từ mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Campuchia, trước khi quyết định, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho ông Nguyễn Mạnh Cầm gặp Thủ tướng Hun Sen trao đổi về vấn đề này. Ông Nguyễn Mạnh Cầm trình bày với ông Hun Sen những lý do kinh tế, kỹ thuật nói trên, mong phía Campuchia chia sẻ với những khó khăn của Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Campuchia cho biết tàu bè của bạn sẽ đi theo Sông Tiền hay Sông Hậu để Việt Nam xây cây cầu đó có tĩnh không phù hợp, đáp ứng yêu cầu của phía Campuchia. Ông Cầm đã nói với tôi rằng: “Sau khi nghe mình trình bày, anh Hun Sen đã trả lời ‘Tàu bè của chúng tôi sẽ đi lại cả trên Sông Tiền và Sông Hậu’. Thật sự là mình rất buồn và khi về báo cáo thì Bộ Chính trị đã phải thảo luận rất lâu để tìm giải pháp”.
Cuối cùng, như mọi người đều biết, vì lợi ích của quan hệ láng giềng hữu nghị, Chính phủ Việt Nam đã quyết định xây cả hai cây cầu đều có tĩnh không lớn, đủ cho tàu bè lớn đi lại được trên cả Sông Tiền và Sông Hậu. Người dân đồng bằng Nam Bộ đã phải chịu đựng khó khăn lâu hơn để có được cây cầu thứ hai. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam. Có thể hy sinh lợi ích bản thân được như vậy là do Việt Nam đã biết đặt mình vào vị trí của nước bạn, không muốn lợi dụng việc công trình xây dựng trên lãnh thổ của mình để làm ảnh hưởng đến quốc gia khác cùng chung sống trên một dòng sông. “Đạo lý và tình cảm của quan hệ láng giềng là như vậy!”, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tâm sự với tôi.
Với Lào, Việt Nam cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự, với việc ký kết “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc sử dụng cảng Vũng Áng” năm 2001. Thông qua thỏa thuận này, Việt Nam đã tạo điều kiện cho nước bạn sử dụng cảng Vũng Áng, nhờ vậy mà Lào từ một quốc gia không có biển đã trở thành một nước có đường ra biển. Đây là điều rất hiếm có trong thực tiễn quan hệ quốc tế.
Là thành viên một gia đình có nhiều tình cảm và gắn bó với đất nước, nhân dân Campuchia, tôi rất trăn trở khi phải chứng kiến những sự việc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ láng giềng hữu nghị không dễ gì mà có được này. Lịch sử thế giới đã dạy chúng ta rằng, giữa các quốc gia láng giềng thân thiện, bên cạnh sự gắn bó về địa lý, lịch sử và nhân chủng, vẫn luôn có thể tồn tại các bất đồng, các khác biệt về lợi ích… Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, điều quan trọng là các quốc gia láng giềng cần tôn trọng lợi ích của nhau, lắng nghe các ý kiến của nhau để cùng hóa giải các khác biệt, qua đó làm sâu đậm thêm “tình làng nghĩa xóm”, xây dựng quan hệ hòa bình, bền vững lâu dài.
Nhìn những tượng đài tưởng nhớ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng ở nhiều nơi trên đất nước Chùa tháp, chúng ta càng thấm thía rằng tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia ngày hôm nay có được là hết sức khó khăn, đã phải vượt qua bao thăng trầm, biến động trong quá khứ, thậm chí đã phải trả bằng máu bao người con ưu tú của cả hai dân tộc. Chính vì vậy, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Campuchia là một di sản vĩ đại, xuất phát từ tình cảm và sự hi sinh chung, xứng đáng được lãnh đạo và người dân hai nước trân trọng và không ngừng vun đắp.
Trong bối cảnh còn có những khác biệt trong việc đánh giá tác động của dự án kênh đào Phù Nam, tôi hi vọng hai nước sẽ tiếp tục làm việc với nhau trên tinh thần minh bạch, tôn trọng lợi ích chính đáng lẫn nhau, cùng với sự thấu hiểu, nhằm vun đắp “tình làng nghĩa xóm”, duy trì sự ổn định và phát triển lâu dài của quan hệ song phương, không để con kênh chia đôi bờ trong quan hệ hai nước.
T.P