Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Bộ Tứ Kim Cương lại đối đầu với TQ? -...

Vì sao Bộ Tứ Kim Cương lại đối đầu với TQ? – Kỳ 3: Vai trò của Hoa Kỳ

Còn Hoa Kỳ, quốc gia mạnh nhất và được ngầm coi là thủ lĩnh của nhóm Bộ Tứ thì sao?

Lãnh đạo các nước Bộ Tứ.

Hiện tại, kiểm soát Trung Quốc và ngăn chặn ‘con sư tử’ này trở thành bá chủ trong khu vực là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington. Để đạt được mục đích này, Hoa Kỳ sẽ cần đến Bộ Tứ như một công cụ có giá trị và đắc lực. Nhờ có nó mà trong trường hợp một cuộc đối đầu trực tiếp nổ ra với đại lục, người Mỹ vẫn có khả năng điều phối các nguồn lực của mình cho những điểm nóng khác trên thế giới, trong khi Bắc Kinh phải tập trung toàn bộ lực lượng ở Tây Thái Bình Dương.

Từ lâu, Washington đã dành sự quan tâm đặc biệt và tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dù đây là vấn đề hiếm hoi được lưỡng đảng đồng thuận, nhưng họ chưa bao giờ làm được những gì mong muốn. Vai trò “anh cả” của NATO và những đợt bùng phát bạo lực ở Trung Đông chỉ là hai trong nhiều ví dụ về những điều khiến sự chú ý của Hoa Kỳ bị phân tán và phải dàn trải nguồn lực của mình một cách mỏng manh.

Giờ đây nhờ có nhóm Bộ Tứ, Washington sẽ vừa có thể chú trọng nhiều hơn vào khu vực chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vừa xây dựng lực lượng và các mối quan hệ để hỗ trợ kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh. Thông qua hợp tác an ninh của Bộ Tứ, Hoa Kỳ đang dần cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Bên cạnh đó, Bộ Tứ cũng cho phép các đối tác của Mỹ hợp tác nhanh chóng để đe dọa hoạt động vận tải và thương mại đường biển của Trung Quốc. Ví dụ, Ấn Độ có thể dễ dàng đe dọa chặn đường vận chuyển hàng hải của Trung Quốc ở eo biển Malacca Nhật Bản có thể làm điều tương tự với eo biển Miyako. Do hiện nay đại lục đang phụ thuộc quá nhiều vào thực phẩm và nhiên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nên đây sẽ là biện pháp quan trọng làm đòn bẩy địa chiến lược để nắn gân buộc Bắc Kinh phải thay đổi cách xử sự của mình. Ngoài ra, các đối tác của Hoa Kỳ trong nhóm Bộ Tứ đều trấn giữ những vị trí chiến lược ở phía đông, tây và nam của chuỗi đảo thứ nhất, qua đó giúp tăng cường khả năng của Washington trong việc kiềm tỏa Trung Quốc trong khu vực.

Vì những lý do này, Trung Quốc một lần nữa lên án Đối thoại Tứ giác An ninh. Mặc dù vậy, các nước trong nhóm lại ít quan tâm hơn đến sự phản đối của Bắc Kinh trong nước đi thứ hai của họ.

Sau cuộc bầu cử tổng thống đầy hỗn loạn ở Mỹ năm 2020, người kế nhiệm ông Donald Trump là ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đã tiếp tục thi hành các chính sách liên quan đến Trung Quốc của người tiền nhiệm, bao gồm cả Bộ Tứ. Tuy nhiên, ông Biden đã sớm cho thấy ý định mở rộng Bộ Tứ ra ngoài ý tưởng về một liên minh chống Trung Quốc. Dưới thời ông Biden, tầm quan trọng của mối quan hệ đa phương này được đặc biệt nhấn mạnh trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, thể hiện là việc nhóm Bộ Tứ thực sự đã phát triển vượt trên mối quan hệ đối tác quân sự hoặc an ninh thuần túy, mà thêm vào đó là cả trong các lĩnh vực kinh tế và ngoại giao.

Ví dụ; hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Bộ Tứ diễn ra vào tháng 3/2021 đã vạch ra kế hoạch chống lại đại dịch COVID-19 bằng cách phân phối 1 tỷ liều vắc xin cho các nước thu nhập thấp và trung bình ở Đông Nam Á vào cuối năm 2022. Hoa Kỳ sẽ tài trợ tiền, Nhật Bản và Ấn Độ chịu trách nhiệm sản xuất, Australia đảm nhận việc phân phối, đều được xem là khởi đầu cho các mục tiêu lớn hơn của Bộ Tứ nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu khác như tội phạm không gian mạng, khủng bố và biến đổi khí hậu.

Đến đây, mọi người có thể sẽ thắc mắc rằng những điều này có liên quan gì đến việc chống lại Trung Quốc? Câu trả lời là có, thậm chí là cực kỳ liên quan. Bên cạnh nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô quân đội, trong nhiều năm, Bắc Kinh đã tìm cách mở rộng sức ảnh hưởng của mình thông qua các biện pháp kinh tế và ngoại giao, điển hình là Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, một trong những sáng kiến chiến lược quan trọng nhất của ông Tập Cận Bình. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các vấn đề cơ sở hạ tầng cũng nằm trong chương trình nghị sự của nhóm Bộ Tứ. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/2021, các nhà lãnh đạo đã thông báo rằng cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao sẽ là ưu tiên của mối quan hệ đối tác. Đến tháng 5/2022, nhóm điều phối cơ sở hạ tầng của Bộ Tứ đã được công bố và sẽ tập trung vào giao thông kết nối kỹ thuật số, năng lượng sạch và khả năng phục hồi khí hậu. Ngoài ra, một tuyên bố từ Nhà Trắng cho biết những người đứng đầu cơ quan tài trợ phát triển của các quốc gia thuộc Bộ Tứ đã gặp nhau tại Tokyo để thảo luận về những khoản tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Động thái được đánh giá như một phát súng nhắm vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Tuyên bố này cũng nêu rõ các cơ quan này sẽ hợp tác cùng nhau và với khu vực tư nhân để hỗ trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Bên cạnh đó, thông cáo báo chí tương tự của Nhà Trắng cũng cung cấp thông tin rằng không gian vũ trụ và các công nghệ mới sẽ tiếp tục là một trong các trọng tâm của Bộ Tứ. Từ đa dạng hóa nhà cung cấp 5G, quan sát không gian, chia sẻ dữ liệu vệ tinh, cho đến ứng phó và cứu trợ thiên tai ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đặc biệt với việc Trung Quốc thử nghiệm thiết bị bay siêu vượt âm HGV, mối quan tâm an ninh của Bộ Tứ được cho là sẽ mở rộng ra không gian vũ trụ. Thêm vào đó, Bộ Tứ cũng hoạt động nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa người dân của các quốc gia thành viên. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2021, các nhà lãnh đạo đã công bố sẽ cấp học bổng cho 100 sinh viên mỗi năm, 25 sinh viên từ mỗi nước, để theo học lấy chứng chỉ sau đại học tại các trường đại học lưu trú ở Hoa Kỳ với sự hợp tác của tư nhân.

Một động thái quan trọng khác của nhóm đối thoại tứ giác an ninh là, mặc dù hiện nay chỉ có bốn thành viên, nhưng đã có những cuộc thảo luận về việc mở rộng các cuộc họp bốn bên, hay còn gọi là “Bộ Tứ mở rộng”, với sự tham gia của Hàn Quốc, New Zealand, thậm chí là cả Việt Nam.

Tuy nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Trong số các nước tham gia Bộ Tứ mở rộng, Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc chính thức gia nhập tổ chức này, mặc dù điều này vẫn chưa xảy ra. Lý do là bởi từ lâu mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo luôn trong tình trạng căng thẳng vì các nguyên nhân lịch sử, kinh tế và an ninh. Vì vậy, Washington có vẻ lo lắng rằng căng thẳng giữa hai bên sẽ làm suy yếu sự gắn kết của Bộ Tứ nếu Hàn Quốc chính thức tham gia. Cũng có những người cho rằng, chưa nói đến mâu thuẫn, nội việc kết nạp thêm thành viên bên cạnh các quốc gia chủ chốt sẽ gây ra tình huống kiểu “nhiều thầy thối ma”. Trong khi đó, cấu trúc nhóm hiện tại đang cho phép các thành viên liên lạc cũng như đưa ra quyết định nhanh chóng và cả bốn nước dường như đều muốn giữ nguyên như vậy.

Mặc dù vậy, Bộ Tứ không thể tiếp tục quá cô lập, bởi lẽ các quốc gia có cùng chí hướng khác, bao gồm các nước châu Âu, đang mở rộng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sự hiện diện của họ trong khu vực. Do đó, nếu bốn thành viên Bộ Tứ không tham gia phối hợp, những nỗ lực của hai bên có thể bị trùng lặp hoặc chồng chéo, dẫn đến suy giảm mức độ hiệu quả. Hơn nữa, để xây dựng một giải pháp thay thế tích cực cho tầm nhìn của Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Bộ Tứ sẽ cần phát triển danh tiếng trong việc thực hiện cam kết của mình. Mặc dù vậy, cho đến nay có vẻ như họ đang không làm điều đó thực sự tốt.

Đến ngày 22/9, Bộ Tứ đã không đạt được mục tiêu và rời bỏ cam kết vắc- xin. Thay vào đó, chính sách của nhóm sẽ chuyển sang chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp trong tương lai, như củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu và xây dựng biện pháp ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

Không chỉ có vậy, giữa bốn thành viên cũng đã có lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Không giống như ba nước còn lại, Ấn Độ tỏ thái độ khá mơ hồ trước sự kiện Nga xâm lược Ukraine. Đồng thời, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng bị lên án do hành động đàn áp người Hồi giáo ở Kashmir và những chính sách tương tự có thể làm xấu đi hình ảnh của Bộ Tứ, nhất là khi nhóm cam kết trở thành một tổ chức thúc đẩy giá trị tự do.

Thế nhưng, tất cả những điều kể trên chỉ là thứ yếu so với một mối bận tâm hàng đầu của Bộ Tứ, cũng chính là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong quan hệ quốc tế: đó là an ninh. Trong trường hợp này, là ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Không giống như đối với Bộ Tứ 1.0, lần này những cảnh báo an ninh dành cho cả bốn thành viên đã rất rõ ràng.

Trung Quốc, dưới thời ông Tập Cận Bình, đã tự đặt mình vào trung tâm của nhiều chuỗi cung ứng quan trọng của thế giới, xây dựng các lực lượng vũ trang mạnh mẽ, gây hấn với các nước láng giềng, mở rộng sức ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia có dự án cơ sở hạ tầng ‘Vành đai và Con đường’ và trở nên ngày một bá quyền hơn.

Ngày nay, ngăn chặn Trung Quốc trở nên hùng mạnh chính là vấn đề sống còn đối với Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và cần thiết nếu Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục yên vị tại ngai vàng trên đỉnh thế giới. Bộ Tứ này có thể không phải là NATO Châu Á, nhưng sự xuất hiện của nó đã khiến nhiều chuyên gia kết luận rằng, đang có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Như NATO đã tỏ ra là một pháo đài quan trọng trong việc kiềm chế Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay, Bộ Tứ và những người ủng hộ nó đang và sẽ tìm cách làm điều tương tự. Theo các bạn Bộ Tứ Kim Cương có đủ khả năng để trở thành kết giới kiềm tỏa sự bành trướng của Bắc Kinh? Muốn thực hiện mục tiêu đó, họ cần phải làm gì? Tương lai của nó sẽ ra sao và sẽ định hình cán cân quyền.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới