Trên thực tế, việc đa dạng hóa nền kinh tế của Campuchia không hề đơn giản. Bởi về ngắn hạn, rõ ràng Trung Quốc vẫn là lựa chọn khó thay thế.
Hôm 28-5, tờ Khmer Times đưa tin Chính phủ Campuchia đã chính thức đặt tên cho đường vành đai 3 ở thủ đô Phnom Penh là đại lộ Tập Cận Bình như một cách vinh danh đóng góp của Chủ tịch Trung Quốc trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương.
Phát biểu tại lễ đặt tên cho con đường, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhấn mạnh với sự quan tâm và thúc đẩy của Chủ tịch Tập và các lãnh đạo Campuchia, quan hệ hai nước đã đạt tới mức cao nhất từ trước tới nay, theo Tân Hoa xã.
“Không thể tách rời” Trung Quốc
Trên mạng xã hội X, ông Hun Manet viết thêm: “Mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc có lịch sử lâu đời và đã phát triển tới một mức độ không thể tách rời. Mối quan hệ này xứng đáng với những giá trị về sự tin cậy lẫn nhau, đặc biệt là tin cậy chính trị”.
Đại lộ Tập Cận Bình dài 48km, có chi phí 273 triệu USD, do Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải thi công với nguồn vốn ưu đãi từ Chính phủ Trung Quốc cũng như đóng góp từ Chính phủ Campuchia.
Công trình này phản ánh mức đầu tư lớn của Trung Quốc vào Campuchia, đặc biệt về cơ sở hạ tầng – vốn là một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Đến nay, những khoản đầu tư hàng tỉ USD từ Trung Quốc đã rót vào nhiều dự án hạ tầng quan trọng của Campuchia như đặc khu kinh tế Sihanoukville, kênh đào Phù Nam, sân bay quốc tế Techo và gần đây có thêm sân bay quốc tế Siem Reap – Angkor.
Campuchia và Trung Quốc từng đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỉ USD. Tuy nhiên, kể cả trong thời gian khó khăn vì đại dịch COVID-19, hai nước đã chứng kiến thương mại hai chiều đạt 11,1 tỉ USD vào năm 2021, tức vượt chỉ tiêu trước cả hai năm theo kế hoạch.
Trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia với 1,2 tỉ USD, chiếm 5,5% tổng xuất khẩu của nước này. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường chiếm tới 34,1% tổng nhập khẩu của Campuchia.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Campuchia sang Trung Quốc gồm gạo, chuối, xoài, sắn, hải sản và quần áo. Trong khi đó, nước này chủ yếu nhập nguyên liệu thô cho ngành may mặc, máy móc, xe cộ, thực phẩm, đồ điện tử, thuốc… từ Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc hiện sở hữu 90% số nhà máy quần áo của Campuchia. Trong khi đó, ngành may mặc chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia.
Dữ liệu hải quan Campuchia cho biết tổng thương mại hai chiều Campuchia – Trung Quốc năm 2023 tiếp tục tăng, đạt 12,2 tỉ USD.
Không dễ đa dạng hóa nền kinh tế
Quan hệ kinh tế giữa Campuchia và Trung Quốc càng trở nên chặt chẽ sau khi hai bên ký thỏa thuận thương mại tự do (CCFTA) có hiệu lực từ tháng 1-2022. Thỏa thuận này giúp xóa và giảm thuế quan tới 90% với hàng Trung Quốc xuất sang Campuchia và 97,5% với hàng Campuchia xuất sang Trung Quốc.
Ngoài những số liệu tích cực, quan hệ kinh tế Campuchia – Trung Quốc cũng được đánh giá giúp Campuchia hội nhập sâu hơn vào thương mại khu vực, đơn cử là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời nâng cao vị trí chiến lược của Campuchia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy vậy, điều này cũng đi kèm một số lưu ý từ phía Campuchia, từ chuyện “bẫy nợ” theo cách nói của phương Tây, cho tới thực tế là không nước nào muốn thấy kinh tế của mình quá lệ thuộc vào một nước khác.
Và kể cả khi không có yếu tố Trung Quốc, Chính phủ Campuchia cũng nhìn thấy nguy cơ từ việc kinh tế nước này có “độ mở” lớn, tức đồng nghĩa khả năng dễ bị tổn thương từ những cú sốc bên ngoài.
Giới lãnh đạo Campuchia đã theo đuổi chiến lược ngoại giao kinh tế để tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế.
Hôm 29-5, Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol khẳng định Campuchia hy vọng đầu tư gia tăng từ Nhật Bản có thể giúp nền kinh tế nước này bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn thấy một công ty Nhật Bản có nhà máy dành cho (các ngành công nghiệp) điện tử, điện hoặc ô tô. Nó sẽ giúp Campuchia đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050”, ông nói với báo Nikkei.
Tuy nhiên, ông Sun Chanthol vẫn thừa nhận Trung Quốc đã giúp đỡ Campuchia rất nhiều. “Chúng tôi không bao giờ từ chối sự hỗ trợ từ Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia phương Tây nào… Bạn không thể trách chúng tôi (vì chỉ lệ thuộc vào Trung Quốc)”, ông nói.
Trên thực tế, việc đa dạng hóa nền kinh tế của Campuchia không hề đơn giản.
Theo Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), hiện nay áp lực thương mại lên Campuchia rất lớn do bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giảm hoặc đình chỉ một số ưu đãi trong Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP).
Đây là đòn đau cho một nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Campuchia, đặc biệt giữa lúc nước này phải đối diện hậu quả của đại dịch COVID-19 cũng như khó khăn trong việc cải cách, bắt nhịp với chuỗi cung ứng.
Về ngắn hạn, rõ ràng Trung Quốc vẫn là lựa chọn khó thay thế.