Tòa án Trung Quốc đã tuyên án tử hình với cựu tổng giám đốc một công ty quản lý tài sản nhà nước vì nhận hối lộ hơn 3.800 tỷ đồng.
Ngày 28/5, Tòa án nhân dân thành phố Thiên Tân (Đông Bắc Trung Quốc) đã tuyên án tử hình hiếm hoi đối với cựu quan chức cấp cao của một trong bốn công ty quản lý tài sản nhà nước hàng đầu của nước này.
Quan chức bị tuyên tử hình là Bạch Thiên Huy, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Hoa Dung (CHIH), bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để hỗ trợ người khác mua lại và tài trợ cho các dự án để đổi lấy số tiền khổng lồ 1,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3.864 tỷ đồng).
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, phán quyết của tòa án còn tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân của ông Bạch và tước bỏ quyền lợi chính trị trọn đời.
Tòa án cho biết, mặc dù ông Bạch đã tự nguyện cung cấp thông tin quan trọng để phá các vụ án khác cũng như tố giác nhiều hành vi phạm tội của các cá nhân khác, “có biểu hiện lập công lớn”, tuy nhiên số tiền hối lộ mà ông này đã nhận là “vô cùng lớn”, hành vi phạm tội của ông Bạch là “đặc biệt nguy hiểm, gây tổn thất nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước và nhân dân”.
Báo cáo về phán quyết của Tòa án Nhân dân thành phố Thiên Tân do CCTV đăng tải không cho biết ông Bạch đã bào chữa như thế nào cũng như liệu ông này có kháng cáo bản án hay không.
Trong khi nhiều quan chức “ngã ngựa” trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền hơn một thập kỷ trước, án tử hình không hưởng án treo vẫn hiếm khi được tuyên trong các vụ tham nhũng.
CHIH là một chi nhánh nước ngoài của Công ty quản lý tài sản nhà nước Hoa Dung (CHAM), đã được CITIC Group tiếp quản và đổi tên thành Công ty quản lý tài sản nhà nước CITIC vào tháng 1 năm nay.
Bạch Thiên Huy là quan chức thứ hai của công ty nhà nước Hoa Dung nhận án tử hình vì tội tham nhũng. Vào tháng 1/2021, cùng một tòa án đã kết án tử hình với ông Lại Tiểu Dân, cựu chủ tịch CHAM – đồng thời là sếp cũ của của ông Bạch.
Ông Lại bị kết tội nhận hối lộ 1,79 tỷ nhân dân tệ (247 triệu USD), biển thủ tài sản công trị giá hơn 25,13 triệu nhân dân tệ (3,46 triệu USD) và tội đa thê.
Bốn quan chức điều hành cấp cao khác của Hoa Dung, bao gồm bà Uông Bình Hoa, cựu Chủ tịch Công ty TNHH Bất động sản Hoa Dung, và ông Tần Lĩnh, cựu Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Huarong, đang chờ xét xử.
Ông Quách Kim Đồng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Hoa Dung, và ông Triệu Tử Xuân, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Hoa Dung, cũng dự kiến hầu tòa với cáo buộc tham nhũng trong thời gian tới.
Theo thống kê của SCMP, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) đã bắt giữ hơn 30 quan chức quản lý nhà nước, lãnh đạo ngân hàng và giám đốc điều hành tài chính cấp cao của Trung Quốc kể từ tháng 1/2024.
Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của CCDI vào tháng 1, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo về “các vấn đề nổi cộm” như “rối loạn tài chính và tham nhũng lặp đi lặp lại, và năng lực giám sát và quản trị tài chính yếu kém”.
Ông Tập nhấn mạnh “tuyệt đối không có lòng thương xót” trong việc giải quyết tận gốc vấn đề tham nhũng và gian lận “nghiêm trọng và phức tạp”.
Cũng trong tháng 1, ông Tập đã vạch ra lộ trình để Trung Quốc trở thành siêu cường tài chính với trọng tâm là nền kinh tế thực, đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ cấp thiết hơn trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro tài chính.
T.P