Tuesday, July 2, 2024
Trang chủBiển nóngHàn Quốc chuyển từ "thận trọng" sang ủng hộ mạnh mẽ Philippines...

Hàn Quốc chuyển từ “thận trọng” sang ủng hộ mạnh mẽ Philippines trên vấn đề Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động hung hăng nguy hiểm nhằm vào tàu thuyền của Philippines ở Biển Đông như phun vòi rồng, chủ động đâm va, thậm chí gây thương tích cho thủy thủ trên tàu Philippines, Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật…liên tiêp lên án mạnh mẽ hành vi của Bắc Kinh. Là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực, Hàn Quốc cũng không thể đứng ngoài cuộc. Những động thái gần đây của chính quyền Seoul cho thấy Hàn Quốc đã đi theo “tiếng gọi” của đồng minh Mỹ can dự sâu hơn vào Biển Đông.

Ngày 7/3/2024, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk lên tiếng chỉ trích việc làm của Bắc Kinh, bày tỏ sự ủng hộ đối với Manila khi phát biểu rằng Seoul “quan ngại sâu sắc về tình hình nguy hiểm” và “việc sử dụng vòi rồng đối với các tàu Philippines ở Biển Đông”. Ông Lim Soo-suk nói: “Chúng tôi ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, cũng như tự do hàng hải và hàng không dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”. Ngoài ra, Đại sứ quán Hàn Quốc tại thủ đô Manila cũng đã bày tỏ quan ngại trên tài khoản mạng xã hội của cơ quan này.

Những bình luận nói trên của phía Hàn Quốc được đưa ra sau một cuộc đụng độ khác giữa Trung Quốc và Philippines vào hôm 5/3 gần Bãi Cỏ Mây, một điểm xung đột thường xuyên giữa Trung Quốc và Philippines trong năm qua. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng, đâm và làm hư hại một trong các tàu của Philippines, đồng thời làm bị thương 4 thuyền viên Philippines bằng vòi rồng. Các tàu của Philippines đang trên đường đến Bãi Cỏ Mây, tiếp tế cho binh sĩ đóng trên một con tàu bị mắc cạn trên bãi đá này vào năm 1999. Đây được xem là lần đầu tiên Hàn Quốc lên tiếng về một vụ việc gây hấn hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, trước đây Hàn Quốc thường giữ im lặng.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Seoul “hành xử thận trọng và có thái độ trung lập” trước các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. Ngày 12/3/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố  Hàn Quốc không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông nhưng những năm gần đây đã “bóng gió hoặc đổ lỗi rõ ràng cho Trung Quốc” về vấn đề này nhiều lần. Ông Uông Văn Bân nói: “Hàn Quốc đã thay đổi lập trường thận trọng và trung lập mà họ đã duy trì trong nhiều năm qua. Trung Quốc luôn đưa ra những phản hồi kịp thời và bày tỏ sự phản đối trước những lời chỉ trích của phía Hàn Quốc. Tôi một lần nữa hối thúc Hàn Quốc hãy cảnh giác, tránh đi theo xu hướng thổi phồng vấn đề và tránh tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho quan hệ Trung-Hàn”.

Sau đó chưa đầy 3 tuần, khi mà tàu hải cảnh Trung Quốc một lần nữa phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế của phía Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây hôm 23/3, Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc và cho biết con tàu của họ bị hư hỏng và một số thủy thủ bị thương. Trong khi đó, Bắc Kinh cảnh báo Manila phải hành xử thận trọng và tìm kiếm đối thoại, đồng thời nói rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang ở “ngã ba đường”.

Ngày 26/3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tiếp tục lên tiếng bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc nhiều lần sử dụng vòi rồng tấn công tàu Philippines, gây ra căng thẳng ở Biển Đông cũng như làm suy yếu trật tự hàng hải. Trong một cuộc họp báo, ông Lim Soo-suk – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc – nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự quan ngại về việc sử dụng vòi rồng gần đây và lặp đi lặp lại ở Biển Đông”. “Những hành động này làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng được tất cả các nước sử dụng, trong đó có Hàn Quốc, và làm suy yếu các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và trật tự hàng hải dựa trên luật lệ”. Ông Lim Soo-suk cũng nói rằng quyền tự do hàng hải và hàng không phải được tất cả các nước tôn trọng dựa trên luật pháp quốc tế.

Chỉ trong vòng chưa đến 20 ngày, chính quyền Seoul đã 2 lần lên tiếng phản đối những hành động hung hăng ở Biển Đông nhằm vào Philippines. Như vậy rõ ràng lời cảnh cáo của Bắc Kinh nhằm vào Seoul hôm 12/3 đã không có tác dụng (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Hàn Quốc không can thiệp vào vấn đề Biển Đông). Giới quan sát nhận định điều này thể hiện rõ sự thay đổi của Hàn Quốc trên vấn đề Biển Đông từ chỗ thận trọng, hầu như không bày tỏ ý kiến đến việc chỉ trích mạnh mẽ hành vi gây hấn ở Biển Đông. Đây là tín hiệu tích cực không chỉ đối với Philippines mà còn có lợi cho các nước ven Biển Đông khác trong cuộc đối đầu với sự hung hăng và bành trướng của Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, với tư cách đồng minh của Mỹ và đối tác quan trong của các nước ASEAN, Nhật Bản và Úc thường xuyên lên tiếng ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện do Philippines khởi xướng kiện Trung Quốc; đồng thời mạnh mẽ lên chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Thậm chí, cả hai nước nước này đã làm theo sự dẫn dắt của Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc trình bày quan điểm pháp lý, bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông (Úc gửi công hàm lên Liên hợp quốc tháng 7/2020; Nhật Bản gửi lên Liên hợp quốc tháng 01/2021). Tuy nhiên, cùng là đồng minh của Mỹ trong khu vực, nhưng Hàn Quốc giữ thái độ thận trọng, im lặng trên hồ sơ Biển Đông trong một thời gian dài vì e ngại việc bày tỏ quan điểm công khai sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc.

Kể từ khi ông Yoon Suk Yeol lên làm Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 5/2022, chính quyền Seoul thi hành chính sách cứng rắn hơn trong quan hệ với Bắc Kinh, thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ, tăng cường quan hệ với Nhật Bản, kể cả vệ thúc đẩy quan hệ 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn. Seoul cùng với Nhật Bản, Mỹ có nhận thức chung trên nhiều vấn đề: (i) cả 3 nước đều lo ngại về sự hiếu chiến của Triều Tiên và sự hung hăng của Trung Quốc; (ii) cả ba nước này đều phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm thông qua các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, quân sự hóa các thực thể được cải tạo và các biện pháp cưỡng chế; (iii) ba nước đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt, bao gồm Hội nghị cấp cao Đông Á và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; (iv) các nước này đều mong muốn củng cố trật tự kinh tế dựa trên luật lệ để tăng cường an ninh và thịnh vượng kinh tế trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới.

Giới quan sát nhận định cùng với những nỗ lực mở rộng liên minh an ninh với Washington, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol mong muốn đóng góp “tích cực” trong việc xây dựng khả năng răn đe ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cùng với đó là Seoul nỗ lực thúc đẩy quan hệ với ASEAN. Tháng 6/2023, trong buổi làm việc với Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đang ở thăm Hàn Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã đề xuất nâng cấp mối quan hệ hai ASEAN-Hàn Quốc lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” trong năm 2024 nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập mối quan hệ đối tác đối thoại giữa Hàn Quốc và ASEAN.

Có thể thấy những bước phát triển mới trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ, Nhật Bản và sự tăng cường quan hệ với ASEAN là lý do khiến Seoul thay đổi, chuyển từ sự “thận trọng” sang một thái độ rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn trên các vấn đề an ninh ở Biển Đông hay Eo biển Đài Loan. Và kết quả là chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol của Hàn Quốc đã lên tiếng công khai về căng thẳng ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan; phản đối các nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Đáng chú ý, trong thời gian dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Indonesia, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á hôm 07/9/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhấn mạnh bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Đông là không thể dung thứ được, kêu gọi một trật tự hàng hải dựa trên luật lệ. Đây là lần đầu tiên nguyên thủ Hàn Quốc thể hiện quan điểm mạnh mẽ nhất liên quan tới vấn đề Biển Đông. Quan điểm này của Hàn Quốc tiếp tục được thể hiện trong phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 07/3 và 26/3 như đã nêu ở trên.

Giới phân tích nhận định sự chuyển biến mạnh mẽ trong quan điểm của Seoul về vấn đề Biển Đông là do sự thúc giục từ phía Washington sau khi nguyên thủ 3 nước Mỹ-Nhật-Hàn tiến hành cuộc họp thượng đỉnh tại Trại David hôm 18/8/2024. Những động thái mới này không chỉ cho thấy Hàn Quốc sẽ can dự sâu hơn vào Biển Đông trong thời gian tới mà còn là dấu hiệu về khả năng Hàn Quốc sẽ cùng với Mỹ, Nhật Bản tăng cường sự phối hợp trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông trong khuôn khổ hợp tác chiến lược 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn. Điều này là có lợi cho các nước ven Biển Đông trong việc chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh, thể hiện trên 2 phương diện:

Thứ nhất, Hàn Quốc là một đối tác quan trọng của các nước ASEAN cả về kinh tế lẫn quốc phòng, nhất là các nước ven Biển Đông. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, nước đang có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông không ngừng leo thang, Hàn Quốc đang trở thành một nhà cung cấp vũ khí mới cho các nước Đông Nam Á do vũ khí được sản xuất ở Hàn Quốc vừa hiện đại, vừa rẻ hơn so với các thiết bị khác của phương Tây, mặt khác Seoul sẵn sàng chuyển giao công nghệ để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng cho các nước ở khu vực. Hiện Philippines và Indonesia trở thành những nước mua vũ khí hàng đầu từ Hàn Quốc, chiếm lần lượt 16% và 14% doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc. Năm 2023, Bộ Quốc phòng Malaysia đã ký thỏa thuận trị giá 2,28 tỷ USD mua 18 chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 từ Korea Aerospace Industries (KAI). Đây là điều thuận lợi để Hàn Quốc can dự sâu hơn vào các vấn đề an ninh ở Biển Đông.

Thứ hai, Hàn Quốc luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong các chính sách của mình. Tháng 10/2023, phát biểu về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin (ông là một nhà lập pháp kỳ cựu, từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Đối ngoại và Thống nhất) cho rằng hành trình hướng tới tự do, hòa bình và thịnh vượng của Hàn Quốc sẽ không thể thực hiện được nếu không có trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ông Park nhấn mạnh chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được công bố ngày 28/12/2022 nhằm hiện thực hóa tầm nhìn đưa Hàn Quốc trở thành “quốc gia quan trọng toàn cầu”, một quốc gia quan tâm tới các lợi ích của chính mình cũng như toàn cầu, đồng thời góp phần duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Duy trì nguyên trạng và thúc đẩy một trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông cũng là quan điểm được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định tại Hội nghị cấp cao Đông Á tháng 9/2023 và được thể hiện rõ trong 2 phát biểu vừa rồi của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Đây cũng chính là quan điểm của các nước ven Biển Đông và ASEAN. Ngoài ra, một số chuyên gia còn cho rằng sự chuyển biến quan điểm của Hàn Quốc còn mở ra khả năng có sự phối hợp giữa Hàn Quốc với các đồng minh khác của Mỹ như Úc, Nhật Bản, Philippines trên vấn đề Biển Đông, kể cả việc tuần tra chung ở Biển Đông. Điều này rõ ràng có lợi cho các nước ven Biển Đông trong việc ứng phó với các thách thức từ Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới