Tại những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, tình trạng đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines đang ngày càng gia tăng. Manila đã cáo buộc tàu Trung Quốc liên tục quấy rối tàu thuyền Philippines bằng vòi rồng và nhiều biện pháp khác như cố tình va chạm, thâm chí gây thương tích cho thủy thủ trên tàu công vụ của Philippines.
Việc Trung Quốc trở nên ngày càng hiếu chiến không chỉ là vấn đề của riêng Philippines và các nước ven Biển Đông mà còn liên quan tới lợi ích của nhiều nước trong và ngoài khu vực bởi Biển Đông là tuyến đường hàng hải huyết mạch thương mại trọng yếu mà lượng lớn nhiên liệu và hàng hóa đi qua mỗi ngày, bất kỳ sự gián đoạn nào có thể gây ra tác hại khôn lường cho nền kinh tế toàn cầu.
Những gì Philippines trải qua có thể là manh mối quan trọng để đối phó với chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh. Căng thẳng bắt đầu bùng phát từ nửa cuối năm 2023. Chính quyền Manila cho biết, trong tháng 8/2023, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã tấn công một tàu Philippines bằng vòi rồng khi con tàu này đang tiến về Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông. Philippines hiện đang kiểm soát hiệu quả bãi đá ngầm này và là Bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là bãi cạn Ayungin). Vào cuối tháng 10/2023, một tàu thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã va chạm với một tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines khi các tàu Trung Quốc đang cố gắng cản trở việc di chuyển của tàu Philippines.
Một số tàu Trung Quốc trước đây đã nhiều lần tìm cách ngăn chặn tàu Philippines tại vùng biển tranh chấp, song đây rõ ràng là lần đầu tiên sự việc như vậy leo thang thành va chạm. Các vụ việc tàu Hải cảnh và nhiều tàu dân quân biển Trung Quốc quấy rối tàu Philippines bằng vòi rồng, thậm chí là đâm va cũng xảy ra lần lượt trong tháng 11, tháng 12/2023 và tháng 3/2024 (hai lần trong tháng 3/2024). Đã có trường hợp tàu Philippines bị hư hại và thủy thủ trên tàu bị thương.
Tại sao căng thẳng lại ngày càng leo thang đến vậy? Nhiều chuyên gia cho rằng đó là do Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., người nhậm chức hồi tháng 6/2022, đã đảo ngược chính sách ngả theo Trung Quốc của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte và áp dụng lập trường thân Mỹ. Thoạt nhìn, đánh giá của các chuyên gia này có vẻ có lý, nguyên nhân căng thẳng dường như nằm ở Marcos, khi việc ông thay đổi chính sách đã khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, một cái nhìn sâu hơn vào vấn đề lại cho thấy điều ngược lại. Trên thực tế, căng thẳng ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines đã gia tăng trước khi Tổng thống Marcos lên nắm quyền.
Theo giới chức và chuyên gia an ninh Philippines, các tàu Hải Cảnh và dân quân biển Trung Quốc đã thường xuyên đi vào vùng biển tranh chấp này trong giai đoạn ông Duterte nắm quyền, cố gắng mở rộng quyền kiểm soát hiệu quả bằng cách đe dọa và khiêu khích các tàu thuyền Philippines. Tuy nhiên, chính quyền của ông Duterte đã che giấu hầu hết những sự việc này và chỉ tiết lộ một số ít. Chính quyền Manila dưới thời ông Duterte rõ ràng không muốn chọc tức Bắc Kinh hay thừa nhận những thất bại trong chính sách hòa giải, xích lại gần với Trung Quốc.
Trên thực tế, nửa năm sau khi nhậm chức, Tổng thống Marcos Jr. cũng đã có chuyến thăm tới Bắc Kinh tìm cách trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc về những biện pháp hòa bình giải quyết những bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông hồi đầu tháng 1/2023 và ông đã nhận được những lời hứa đầy thiện chí của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thậm chí hai bên đã nhất trí về việc lập đường dây nóng để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trên biển. Tuy nhiên, ngay sau chuyến thăm không được bao lâu tàu Hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc đã có những hành động hung hăng gây hấn với các tàu của Philippines
Sau những vụ việc đó, Tổng thống Marcos hẳn đã nhận ra rằng chiến lược xoa dịu Trung Quốc đã và sẽ không bao giờ có hiệu quả. Trong động thái báo hiệu sự thay đổi chính sách, ông Marcos đã có chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5/2023 và gặp Tổng thống Joe Biden. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, hai nước cũng nhất trí mở rộng số lượng căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines từ 5 lên 9.
Ông Marcos cũng tiến hành các bước tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản và Australia. Tổng thống Marcos cũng lần lượt thăm Nhật và Australia và đón nguyên thủ 2 nước này tới thăm Manila để trao đổi về tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh trên biển. Tháng 8/2023, Philippines đã cùng Mỹ, Nhật Bản và Australia tham gia các cuộc tập trân quân sự bốn bên. Đầu tháng 4 này, Marcos tới Washington một lần nữa để gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Biden.
Kinh nghiệm của Philippines có thể mang đến những hiểu biết giá trị cho nhiều nước khác. Nói một cách đơn giản, bài học rút ra là chiến lược nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ và chủ quyền khác sẽ không bao giờ có hiệu quả. Trung Quốc tin vào logic của quyền lực và mục tiêu xuyên suốt là thống trị và độc chiếm Biển Đông. Do vậy, cách duy nhất để xây dựng quan hệ ổn định với Bắc Kinh là tăng cường năng lực phòng thủ và khả năng bảo vệ lãnh hải, duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế trong khu vực.
Ông Renato Cruz De Castro, giáo sư thuộc Đại học De La Salle ở Philippines và là chuyên gia về các vấn đề hàng hải, cho biết: “cho dù bạn áp dụng chính sách xoa dịu hay bày tỏ thái độ thách thức, phản ứng bạn nhận được từ Trung Quốc về cơ bản sẽ giống nhau. Điều cần thiết là phải duy trì các nguyên tắc và tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng gia tăng áp lực lên các quốc gia ven Biển Đông khác như Việt Nam, Malaysia, thậm chí cả Indonesia – nước được coi là không liên quan tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên những quốc gia này đều tìm cách đối phó với tàu của Trung Quốc trong các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Những tháng đầu năm 2024 này tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng biển khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam và còn đi vào vùng biển của Malaysia. Quan chức cấp cao tại một viện nghiên cứu ở Đông Nam Á cho biết: “Tàu Trung Quốc đã gia tăng tần suất đi vào vùng biển tranh chấp, cho dù các quốc gia ven biển chưa công khai điều đó”.
Nhật Bản lại có kinh nghiệm cay đắng của riêng mình. Chính phủ của cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama, thành lập vào tháng 9/2009, đã áp dụng cách tiếp cận hòa giải đối với Trung Quốc, ủng hộ ý tưởng về “Cộng đồng Đông Á”, một nhóm khu vực bao gồm cả Trung Quốc, lấy cảm hứng từ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, lập trường của Trung Quốc không hề dịu đi chút nào. Vào tháng 9/2010, dưới thời chính phủ kế nhiệm Naoto Kan, các vụ va chạm giữa tàu tuần tra Nhật Bản và tàu đánh cá Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã gây ra tranh chấp ngoại giao, khiến Bắc Kinh tiến hành trả đũa. Làn sóng biểu tình chống Nhật lan rộng khắp Trung Quốc.
Quan hệ Nhật Bản–Trung Quốc chỉ phần nào ổn định sau khi cố Thủ tướng Shinzo Abe khôi phục khả năng ngăn chặn Trung Quốc bằng cách xây dựng lại liên minh khá gượng ép với Mỹ. Giới chuyên gia đặt câu hỏi phải chăng chính quyền của Tổng thống Philippines Marcos Jr. đang rút ra bài học từ Nhật Bản và đang học theo cách làm của cố Thủ tướng Shinzo Abe? Sau khi đánh giá lại cái được, cái mất trên vấn đề Biển Đông trong chính sách xoa dịu, gần gũi Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm Duterte, Tổng thống Marcos Jr. nhận ra rằng không thể trông chờ và “thiện chí” của Bắc Kinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Với nhận thức đó, Manila dưới thời của Tổng thống Marcos Jr. đã chủ động tìm cách củng cố liên minh với Mỹ bằng việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới của Philippines và kết quả là chính quyền Manila đã nhận được sự cam kết từ Washington về việc kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951 trong trường hợp Philippines bị tấn công vũ lực ở Biển Đông, kể cả ở cấp cao nhất như việc Washington nhiều lần khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật sẽ được kích hoạt trong trường hợp quần đảo Senkaku bị tấn công bằng vũ lực.
Một điểm nhấn khác trong chính sách của chính quyền Tổng thống Philippines Marcos là bên cạnh việc củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, Manila tích cực và chủ động thúc đẩy quan hệ quốc phòng và an ninh với các nước khác như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Canada, Pháp, Đức. Không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương với các nước này, Philippines còn coi trọng việc hợp tác đa phương nhằm tạo lợi ích đan xen của các nước này ở Biển Đông. Mới đây, vào ngày 01/3/2024, một hội nghị thảo luận về quan hệ an ninh và kinh tế giữa Philippines, Ấn Độ và Nhật Bản đã được tổ chức tại Manila dưới sự bảo trợ của Quỹ Nhật Bản và Viện Stratbase ADR. Phái đoàn Philippines bày tỏ kỳ vọng về hợp tác lớn hơn với Ấn Độ và Nhật Bản, bao gồm cả việc chuyển giao thiết bị quốc phòng. Các chuyên gia cho rằng đây là cách để Manila thúc đẩy đa phương hóa tranh chấp Biển Đông nhằm khắc phục hạn chế về tiềm lực kinh tế, quốc phòng của mình.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định cho đến nay cách làm của Philippines chưa phát huy hiệu quả, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục nóng lên bởi xét về tiềm lực kinh tế và quân sự Indonesia quá yếu, không thể so sánh với Nhật Bản, hơn thế nữa quan hệ đồng minh giữa Mỹ-Philippines đã từng trải qua nhiều quá nhiều thách thức, việc xây dựng lại mối quan hệ đồng minh này cũng cần có thời gian. Mặt khác, để ứng phó với chiến thuật “vùng xám” với việc chủ yếu sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển của Bắc Kinh cũng phải điều chỉnh để có thể áp dụng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines. Ngoài ra, giới chuyên gia cảnh báo trong trường hợp ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới, Mỹ có thể trở nên hướng nội hơn và giảm bớt sự can dự vào các vấn đề Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương. Để chuẩn bị cho những rủi ro như vậy, các nước châu Á cần nhanh chóng tăng cường quan hệ an ninh không chỉ với Mỹ mà còn với các quốc gia có cùng quan điểm trong khu vực. Các nước châu Á mong muốn nhất là có thể chung sống ổn định với Trung Quốc, song mục tiêu này không thể đạt được chỉ bằng việc xoa dịu hay nhún nhường với Bắc Kinh. Điều quan trọng là các nước phải tăng cường hợp tác, đảm bảo rằng cán cân sức mạnh trên biển sẽ không bao giờ nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.