Trên bờ biển phía Tây lộng gió ở tỉnh Niigata (Nhật Bản), nhà máy hạt nhân lớn nhất thế giới đã “ngủ yên” suốt nhiều năm qua đang chờ được “đánh thức”.
Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa (KK), một khu phức hợp rộng 4,2 triệu m2 bên bờ biển, từng là viên ngọc quý trong chiến lược của Nhật Bản nhằm nâng cao năng lượng nguyên tử lên 50% tổng năng lượng của đất nước vào năm 2030. Bên trong, một chứng nhận đóng khung từ Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận sản lượng tiềm năng của cơ sở là 8,2 gigawatt, lớn nhất toàn cầu.
Hiện tại, sản lượng đó, vốn đủ để cung cấp năng lượng cho hơn 13 triệu hộ gia đình, là bằng 0. Bảy lò phản ứng tại KK đã bị đóng cửa sau thảm kịch sóng thần và sự cố tan chảy năm 2011 tại nhà máy Fukushima Dai-Ichi ở miền đông Nhật Bản, khiến chính phủ phải suy nghĩ lại việc phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên, quyết định đó tỏ ra tốn kém. Nhật Bản, quốc gia nghèo tài nguyên, đã chi nhiều tiền hơn để nhập khẩu than, khí tự nhiên hóa lỏng và các nguồn năng lượng khác – khoảng 27.000 tỷ yên (172 tỷ USD) vào 2023 – hơn cả giá trị xuất khẩu ô tô.
Các hộ gia đình và doanh nghiệp Nhật Bản đã được yêu cầu tiết kiệm điện trong các khung giờ cao điểm. Và việc phụ thuộc dai dẳng vào nhiên liệu hóa thạch của nước này có nguy cơ khiến những lời hứa giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trở nên ngoài tầm với.
Giờ đây, khi Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế bằng cách thu hút các nhà sản xuất chip như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan TSMC và các trung tâm dữ liệu AI ngốn nhiều năng lượng, một cuộc tranh luận đang nóng lên về việc liệu KK và chủ sở hữu của nó, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) – nhà điều hành liên quan đến thảm họa Fukushima – có xứng đáng được trao cơ hội thứ hai hay không.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dự báo rằng công suất sản xuất điện từ các nhà máy hạt nhân có thể tăng 24% vào năm 2030 và 140% vào năm 2050 so với mức năm 2022.
BloombergNEF cho biết trong báo cáo vào tháng 4 năm nay rằng ít nhất 15 quốc gia đang xây dựng các lò phản ứng mới, dẫn đầu là Trung Quốc với 24 lò phản ứng đang phát triển. Ấn Độ muốn tăng gấp 3 năng lực hạt nhân của mình vào đầu những năm 2030. Ngay cả gã khổng lồ dầu mỏ Ả Rập Xê-út cũng đang đàm phán với Mỹ về việc xây dựng chương trình hạt nhân dân sự.
Tuy nhiên, không đâu có cơ sở vật chất như KK.
“Nhật Bản là có thể tin tưởng vào Kashiwazaki Kariwa một lần nữa”, Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc IAEA, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3 tại Tokyo. “Nhiều quốc gia ước có được năng lực như vậy”.
“Giấc ngủ” khó đánh thức
Tuy nhiên, việc khởi động lại các lò phản ứng đã ngừng hoạt động cũng như xây dựng các lò phản ứng mới, dường như đang gặp khó khăn về mặt chính trị. Các nhà máy hạt nhân có thể cung cấp năng lượng không phát thải carbon một cách liên tục, nhưng các cơ sở mới thường mất hơn một thập kỷ để xây dựng và có thể tạo ra chất thải phóng xạ nguy hiểm trong hàng nghìn năm.
Vào năm 2017, hai lò phản ứng ngừng hoạt động tại KK đã được cơ quan quản lý hạt nhân quốc gia phê duyệt để hoạt động trở lại, nhưng cả công ty vận hành và chính phủ đều chưa ấn định ngày cụ thể vì họ vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Hội đồng khu vực của tỉnh Niigata, nơi đặt trụ sở của KK, dự kiến họp vào tháng tới để xem xét việc có ủng hộ khởi động lại nhà máy hay không.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông đã nêu bật những rủi ro khi phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu – nguồn cung 70% sản lượng điện của Nhật Bản, trong khi 21 lò phản ứng hạt nhân trên khắp nước này vẫn chưa được sử dụng.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Nhật Bản cần một cách thức mới để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế trị giá 4,1 nghìn tỷ USD của mình. Nhiều lò phản ứng đã được khởi động trở lại từ năm 2011 nhưng không có bất kỳ lò nào của KK dưới sự quản lý của TEPCO.
Niềm tin vào TEPCO bị suy giảm vào năm 2007 khi một trận động đất mạnh 6,8 độ richter làm hư hại KK, khiến chất phóng xạ bị rò rỉ và dẫn đến một cuộc điều tra của IAEA. Công ty đã phản ứng bằng cách gia cố các tòa nhà lò phản ứng, cùng với các biện pháp khác.
Thảm họa Fukushima 4 năm sau đó giáng một đòn mạnh hơn. Công ty đã không thể làm mát các lò phản ứng của cơ sở sau khi bị ngừng hoạt động do động đất và sóng thần, gây ra rò rỉ phóng xạ. Hơn 150.000 người phải di dời và một số khu vực vẫn không thể tiếp cận được. Vụ việc này được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986, với tổng chi phí khắc phục lên tới khoảng 23.000 tỷ yên (171,62 tỷ USD).
Sau đó vào năm 2021, cơ quan quản lý hạt nhân tạm thời cấm TEPCO vận hành KK sau những lỗ hổng an ninh, bao gồm cả trường hợp một nhân viên sử dụng thẻ nhân viên khác để vào phòng điều khiển trung tâm. Chính quyền đã dỡ bỏ lệnh cấm đó vào tháng 12/2023.
Công ty cho biết họ đã giải quyết các vấn đề về an toàn và liệt kê 8 cách để biến KK thành “nhà máy điện hạt nhân an toàn nhất thế giới”. Bao gồm việc xây dựng các bức tường biển và rào chắn lũ cao 15 mét, xây dựng một hồ chứa để chứa 20.000 lít nước – tương đương với 30 bể bơi Olympic – để giúp làm mát lò phản ứng trong trường hợp khẩn cấp.
Mặc dù vậy, những lo ngại về an toàn lại nổi lên vào đầu năm nay khi một trận động đất mạnh 7,6 độ richter tấn công Bán đảo Noto gần đó vào ngày đầu năm mới. Mặc dù KK chỉ bị ảnh hưởng tối thiểu, các quan chức địa phương cho biết sự kiện này đã gióng lên hồi chuông báo động.
“Sau trận động đất ngày 1/1, chúng tôi nhận thấy việc di tản có thể khó khăn như thế nào”, ông Ryugo Tsuchida, thành viên hội đồng Niigata, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông cho rằng năng lượng hạt nhân “không có chỗ đứng” ở một quốc gia có nhiều hoạt động địa chất như vậy.
Trong khi đó, ông Masahiro Sakurai, Thị trưởng thành phố Niigata Masahiro Sakurai, người sẽ phải đưa ra quyết định chính thức có nên ủng hộ việc khởi động lại nhà máy hay không, bày tỏ sự đắn đo.
Ông nói: “Tôi chưa bao giờ ủng hộ việc tích cực thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân, nhưng tôi cho rằng chúng ta nên chấp nhận việc sử dụng nó cho đến khi các giải pháp thay thế khác có tác động tích cực hơn tới cuộc sống của người dân, như điện gió ngoài khơi”.
Ông Sakurai ủng hộ việc hai trong số bảy lò phản ứng của KK hoạt động trở lại nhưng kêu gọi TEPCO cân nhắc việc ngừng hoạt động các lò phản ứng còn lại, vì những lo ngại rủi ro khi có quá nhiều lò phản ứng ở một địa điểm.
Các vụ kiện và làn sóng phản đối của người dân cũng có thể làm chậm, thậm chí ngăn cản việc đánh thức một lò phản ứng hạt nhân.
Takaaki Sasaguchi, chủ sở hữu nhà máy rượu sake 125 năm tuổi nằm ở ngoại ô thành phố lớn nhất Niigata, từng là thị trưởng thị trấn nhỏ Maki, nơi Tohoku Electric dự định xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Ông Sasaguchi đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý công khai và bác bỏ đề xuất này một cách áp đảo. Tohoku đã hủy bỏ dự án vào năm 2003.
Sasaguchi cho biết cư dân tỉnh Niigata nên có quyền bỏ phiếu như nhau về việc khởi động lại KK.
Người đàn ông 76 tuổi này nói: “Nếu nhà máy hoạt động trở lại, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả người dân Niigata. Do đó, một mình thống đốc không thể đưa ra quyết định về một vấn đề quan trọng như vậy, và cả hội đồng tỉnh cũng vậy”.
Động lực “thức tỉnh”
Các nhà đầu tư dường như đã sẵn sàng cho sự thức tỉnh của năng lượng hạt nhân. Hôm 28/5, Cổ phiếu Tohoku Electric đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2013 nhờ triển vọng lò phản ứng Onagawa số 2 hoạt động trở lại, trong khi Công ty Điện lực Kyushu huy động được 30 tỷ yên (190 triệu USD) trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ đối với trái phiếu môi trường đầu tiên của quốc gia liên kết với việc tài trợ cho các dự án năng lượng hạt nhân.
Bộ Thương mại Nhật Bản, đơn vị giám sát chính sách năng lượng của đất nước, hồi tháng 3 đã cử một quan chức cấp cao trao đổi với Thống đốc Niigata Hanazumi về việc khởi động lại nhà máy, và Tepco đã nạp nhiên liệu hạt nhân vào tổ máy số 7 của KK.
Phân tích các lần khởi động lại lò phản ứng trước đây ở Nhật Bản, BloombergNEF dự báo TEPCO có thể nối lại hoạt động tại lò phản ứng số 7 của KK vào tháng 10 năm nay. Hiện tại, vẫn chưa có thời gian chính thức.
Câu chuyện về KK nêu bật sự cân bằng mong manh mà nhiều quốc gia phải đối mặt, cố gắng xoay xở giữa những lo ngại về an toàn và sức khỏe với nhu cầu năng lượng quốc gia cùng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Nếu một sự cố nghiêm trọng khác như Fukushima xảy ra có thể giáng một đòn nặng nề vào các nỗ lực tăng cường năng lượng hạt nhân vào mạng lưới điện và đẩy lùi các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Thị trưởng Sakurai thừa nhận cả ưu nhược điểm khi thấy một số lò phản ứng của KK được khởi động lại.
“Tất nhiên là có những lo ngại về bức xạ từ các sự cố tiềm ẩn”, vị quan chức 62 tuổi này cho biết. “Nhưng cũng có những mối đe dọa thực sự từ biến đổi khí hậu – từ cái chết do say nắng cho đến lũ lụt hay cháy rừng, và năng lượng hạt nhân là cần thiết để chống lại điều này”.
T.P