Theo đánh giá của các chuyên gia, bức tranh doanh nghiệp tương đối ảm đạm, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn, tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp có xu hướng thấp đi, nội lực doanh nghiệp vẫn còn yếu.
Bức tranh ảm đạm
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 từ Tổng cục Thống kê lần đầu tiên sau 5 tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 98.800 doanh nghiệp vượt lên trên số lượng rút lui là 97.300 doanh nghiệp.
Như vậy, bình quân một tháng có 19.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động và mỗi một tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thấp hơn so với mức bình quân 19.800 doanh nghiệp gia nhập thị trường mỗi tháng.
Bình luận về bức tranh doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, hiện tại, bức tranh doanh nghiệp tương đối ảm đạm, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn, tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp có xu hướng thấp đi, nội lực doanh nghiệp vẫn còn yếu.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) khẳng định, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, đây là thực tế đáng suy ngẫm.
Theo ông Thông, tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch, các chính sách, quy định còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán, thủ tục hành chính rườm rà.
Từ đó, ông Thông kiến nghị có giải hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Đặc biệt, chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai.
Xác định rõ thể chế có vai trò bà đỡ
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thể chế cần xác định rõ Nhà nước có vai trò “bà đỡ”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho khu vực tư nhân. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay phải hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn những chính sách thu hút tinh hoa, nhân tài trong và ngoài nước:
“Công thức phát triển nguồn nhân lực không như những giai đoạn trước mà phải đặt trong bối cảnh mới. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… đều là những lĩnh vực mới, đòi hỏi con người với những kỹ năng mới, đặc biệt là phải có nhân tài, có tinh hoa”, ông Tuấn nói.
Bên cạnh việc tận dụng các cơ hội tích cực từ bên ngoài, Việt Nam cần xây dựng, phát triển thể chế phù hợp với tình hình mới. Trong đó, phân định vai trò của nhà nước, pháp luật hóa chủ trương chính sách và hoàn thiện hệ thống luật pháp. Qua đó, tạo nền tảng để thúc đẩy khu vực tư nhân.
T.P