Friday, July 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐối thoại Shangri-La và những cái kết mở

Đối thoại Shangri-La và những cái kết mở

Đối thoại Shangri-La (SLD) năm 2024 khai mạc tại Singapore hôm 31/5 và vừa kết thúc hôm qua, 2/6. Giống như các lần tổ chức trước đây, Hội nghị đặc biệt quan trọng này đề cập rất nhiều vấn đề hệ trọng trong khu vực, nhưng chủ yếu vẫn là nêu lên, ý kiến còn khác nhau và rất nhiều những câu hỏi chưa lời đáp.

Đúng như ý kiến của đại diện nước chủ nhà, cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu và trả lời bằng sự nỗ lực chung, sự tin cậy và tôn trọng luật pháp quốc tế. Người Trung Quốc thường nói “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái mình không muốn thì đừng đem đến cho người khác). Người Việt Nam thì nói mộc mạc hơn: “lòng vả cũng như lòng sung”. Đối thoại vậy thôi, thật ra các bên đều hiểu vấn đề, hiểu nhau quá rồi, nhưng vì vị trí địa chính trị, vì sức ép của nước lớn, vì lợi ích dân tộc cho nên không dễ có những câu trả lời hoàn toàn khách quan, trung thực.

Các vấn đề nóng được bàn thảo trong các phiên họp là: tình hình Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, quan hệ Mỹ – Trung Quốc, xung đột Nga – Ukraine, khủng hoảng Dải Gaza, tình hình Eo biển Đài Loan… Đương nhiên, mỗi vấn đề lại chia ra nhiều nhánh nhỏ với rất nhiều nội dung, hàm chứa nhiều mâu thuẫn. Và cuối cùng mục tiêu Đối thoại đạt được là một kết luận mang tính kinh điển: Các quốc gia châu Á quyết tâm không để tình trạng xung đột và khủng hoảng nhân đạo tại châu Âu và Trung Đông xảy ra trong khu vực.

Nó trở nên “kinh điển” là ở chỗ, SLD được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore. Đối thoại Shangri-La là nơi để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trải qua 20 lần tổ chức, SLD được đánh giá ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò của mình như là một trong những diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh khu vực và quốc tế. Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách an ninh của các quốc gia khu vực, đồng thời thúc đẩy việc hình thành các cơ chế hợp tác an ninh đa phương mới vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng chung ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Hầu hết các ngài Bộ trưởng Quốc phòng đến dự đều nói “như sách”. Nhưng năm nay, tình hình trở nên căng thẳng hơn nhiều, nhất là cuộc chiến Israel-Hamas chưa có lối thoát, đàm phán hoàn toàn bế tắc; cuộc xung đột Nga-Ukrane kéo dài 2 năm 4 tháng vẫn tiếp tục sa lầy; Biển Đông nói chung, Eo biển Đài Loan nói riêng, luôn chực chờ nguy cơ bùng nổ chiến tranh nóng.

Trong hoàn cảnh càng có nhiều sự quan tâm tới những diễn biến địa chính trị và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương, việc thảo luận trực tiếp giữa các nhân tố chủ chốt trong khu vực càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hội nghị năm nay có khoảng 600 đại biểu từ gần 50 quốc gia đến dự, với tổng cộng 7 phiên họp toàn thể và 6 phiên họp đặc biệt. Ngay trong ngày đầu 31/5, đã 3 phiên họp đặc biệt, xoay quanh các chủ đề: “Sự răn đe và trấn an ở châu Á – Thái Bình Dương”; “Hợp tác quốc phòng và an ninh các nước nhỏ”; “Myanmar – Các cơ hội ngoại giao trong bối cảnh tầm nhìn khác nhau về hòa bình”.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Trong phát biểu khai mạc đã khẳng định vị trí pháp lý và địa chính trị của Philippines đối với biển Đông, cũng như tầm quan trọng của tuyến đường thủy này đối với thương mại toàn cầu.

Ông nói: “Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 tạo nền tảng vững chắc cho việc giải quyết và quản lý tranh chấp một cách hòa bình. Chính sách của chúng tôi ở Biển Đông được xây dựng dựa trên hai nền tảng này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN và Trung Quốc để hướng tới một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất, được gắn chặt với UNCLOS”.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân lần lượt phát biểu trong các ngày 1 và 2/6. Ông Austin tập trung phân tích kỹ vai trò các liên minh trong khu vực. Rằng, Washington đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc trong vài năm qua, liên quan đến việc củng cố các liên minh, tăng cường vị thế lực lượng và đầu tư vào những năng lực cần thiết. Các thỏa thuận như dự án quốc phòng AUKUS (giữa Mỹ, Anh, Úc) là dấu hiệu cụ thể về tiến triển đạt được tại khu vực.

Một sự kiện đáng chú ý là cuộc gặp giữa Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trong ngày 2/6, với chủ đề, tăng cường hợp tác an ninh ba bên để đối phó “mối đe dọa” từ Triều Tiên.

Không nói nhiều về tình hình Biển Đông hay bán đảo Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trong bộ quân phục của một Đô đốc Hải quân đã không tiếc lời khi nhắc đến “những kẻ li khai ở Đài Loan”. Ông Đổng đe dọa, hòn đảo này sẽ không bao giờ có được độc lập. Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) cầm quyền tại hòn đảo “ngày càng lún sâu vào con đường li khai và quyết tâm tẩy trắng việc mình là một phần của Trung Quốc”.

Kéo Washington vào cuộc, ông Đổng “lườm nguýt”: “Chúng tôi không cho phép bất kỳ quốc gia hay thế lực nào gây ra chiến tranh và hỗn loạn ở đây”.

Ngay tức thì, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, ông Dương Niệm Tổ, phản pháo: “ Bắc Kinh tuyên bố sẽ theo đuổi sự ‘thống nhất’ bằng cách chinh phục nhân tâm người dân Đài Loan, nhưng hành động của họ chưa đi đôi với lời nói. Bắc Kinh đang ‘dùng một cây gậy lớn’ (ý nói dùng vũ lực và đe dọa) và có thái độ đối đầu và mâu thuẫn”.

Cũng gọi là có tham gia bàn thảo về vấn đề Đài Loan, nhưng đại diện Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc chỉ nói nước đôi. Rằng, duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu cho an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế, theo tuyên bố chung. Rằng, chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông.

Họ đã cố tình không nhắc đến Trung Quốc.

“Mập mờ chiến lược” như thế thật là khó cho nước chủ nhà! Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, trả lời báo chí Shangri-La năm 2024: “Đối thoại đã có một quyết tâm mạnh mẽ hoặc sự phòng ngừa trước về việc xung đột không nên xảy ra ở châu Á vì điều này sẽ thật sự gây bất ổn. Đã có những bài học kinh nghiệm về cái giá phải trả của xung đột, dù chính đáng hay không”.

Đã có “quyết tâm”, có sự “phòng ngừa”, có “bài học kinh nhiệm”, thấy rõ “cái giá phải trả”… Đúng là “những cái kết mở”.

Con đường tiếp cận chân lý, con đường hòa bình trong khu vực còn quá nhiều chông gai.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới