Tàu thăm dò Chang’e-6 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống vùng tối của mặt trăng vào sáng 2.6 để thu thập mẫu vật.
Tân Hoa xã đưa tin tàu Chang’e-6 (Thường Nga-6) đã hạ cánh xuống vùng tối không nhìn thấy của mặt trăng để thu thập mẫu vật trong nhiệm vụ được Cơ quan Không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tại vùng hiếm khi được khám phá này.
Được hỗ trợ bởi vệ tinh truyền tín hiệu Queqiao-2 (Thước Kiều-2), tàu Chang’e-6 đã hạ cánh thành công tại khu vực đã định gọi là lòng chảo Apollo thuộc lòng chảo Cực Nam-Aitken.
Tàu Chang’e-6 được phóng lên vào ngày 3.5 và đã trải qua nhiều giai đoạn trước khi bộ phận hạ cánh tách khỏi bộ phận bay quanh quỹ đạo vào ngày 30.5.
Lòng chảo Apollo là khu vực là một lòng chảo hình thành do va chạm với các vật thể ngoài không gian, được cho là nơi khám phá có tiềm năng giá trị khoa học. Việc chọn địa điểm này còn do yếu tố địa hình và điều kiện liên lạc.
Tàu thăm dò sẽ thu thập mẫu vật gồm đất và đá mặt trăng và thực hiện một số thử nghiệm khác tại khu vực hạ cánh. Để thu thập, tàu sẽ dùng 2 cách gồm khoan xuống bề mặt và dùng cánh tay robot để lấy mẫu vật trực tiếp. Quá trình này nên diễn ra không quá 2 ngày.
Sau đó, tàu phải cất cánh trở lại để quay về trái đất. Nửa kia của mặt trăng đôi khi được gọi là vùng tối của mặt trăng nhưng không thực sự luôn tối như thường nghĩ, mà là do đó là phần mà trái đất không bao giờ nhìn thấy do quỹ đạo quay. Các nhà khoa học cho rằng vùng này có tiềm năng nghiên cứu hứa hẹn vì những lòng chảo ở đó ít bị những dòng dung nham cổ xưa che phủ. Mẫu vật từ vùng này có thể hé lộ manh mối về cách mặt trăng được hình thành.
Trung Quốc dự tính đưa con người lên mặt trăng đến năm 2030 và xây dựng căn cứ trên đó. Mỹ cũng có kế hoạch đưa phi hành gia trở lại mặt trăng đến năm 2026.
T.P