Friday, January 24, 2025
Trang chủQuân sựChuyên gia Mỹ thừa nhận sức mạnh tác chiến điện tử của...

Chuyên gia Mỹ thừa nhận sức mạnh tác chiến điện tử của Nga là số 1 thế giới

Tất cả những vũ khí có độ chính xác cao được phương Tây viện trợ cho Ukraine, đều kém hiệu quả khi đối mặt với tác chiến điện tử Nga trên chiến trường.

Xe từ hệ thống tác chiến điện tử Palantin của Nga.


Ngày càng có nhiều báo cáo từ các nguồn phương Tây, nhấn mạnh về khả năng tác chiến điện tử (EW) tiên tiến của Nga đang làm thay đổi tình hình trên chiến trường Ukraine.

Chuyên gia David T. Pyne, cựu thành viên thuộc Lực lượng Đặc nhiệm EMP và là cựu sĩ quan Bộ Quốc phòng Mỹ, đã có những chia sẻ cung cấp một cái nhìn sâu sắc hơn về khả năng tác chiến điện tử của Nga.

Những đánh giá từ chuyên gia của Lầu Năm Góc

David T. Pyne cho biết, “Nga đang sở hữu những hệ thống tác chiến điện tử có năng lực nhất trên thế giới, với các thiết bị gây nhiễu tần số vô tuyến và GPS có tầm bắn xa nhất và mạnh nhất so với bất kỳ quốc gia nào”. David T. Pyne cho biết thêm rằng, ông rất ấn tượng bởi tốc độ mà các thiết bị gây nhiễu tầm xa của Nga đã đạt được, chúng có khả năng thích ứng nhanh chóng trong việc gây nhiễu các hệ thống vũ khí mới mà Mỹ và NATO đưa vào cuộc xung đột.

David T. Pyne cũng nhận định, các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã được chứng minh là có hiệu quả cao, với thành tích khiến 90% hệ thống tên lửa và máy bay không người lái dẫn đường do Mỹ cung cấp cho Ukraine bắn trượt mục tiêu, trong đó có cả những hệ thống tiên tiến như HIMARS.

Vị chuyên gia này tiết lộ thêm, các thiết bị gây nhiễu GPS của Nga sẽ ngày càng chứng tỏ hiệu quả trước các hệ thống phòng không Ukraine do Mỹ cung cấp, bao gồm cả tên lửa Patriot và Hawk. Lợi thế này cho phép quân đội Nga tăng cường ưu thế trên không trước Ukraine, điều này rất quan trọng, bởi với ưu thế tuyệt đối trên không, đã góp phần đáng kể vào những bước tiến lớn của lực lượng Nga trong các trận đánh quan trọng diễn ra gần đây.

Các báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga kể từ sau khi Liên Xô tan rã đã liên tục nhấn mạnh về tầm quan trọng của chiến tranh điện tử. Những vũ khí điện tử được xem như một phương tiện bất đối xứng để chống lại các lực lượng quân sự thông thường, nhằm bù đắp cho sự mất cân bằng của quân đội Nga với NATO trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, trên chiến trường Ukraine, quân đội Nga không sử dụng ưu thế chiến tranh điện tử một cách riêng rẽ, mà có sự phối hợp chặt chẽ với các hoạt động quân sự thông thường để gây sức ép lên Lực lượng vũ trang Ukraine. Điều này khiến các chuyên gia phương Tây suy đoán rằng, Nga đang cố gắng bảo vệ công nghệ tác chiến điện tử của mình để tránh chúng bị phương Tây nghiên cứu và hóa giải.

Khó khăn cho Ukraine

Đánh giá của Pyne được đưa ra sau khi tờ Washington Post đăng một ấn phẩm, trong đó dẫn lời các quan chức Ukraine nhấn mạnh rằng Mỹ đã ngừng hoàn toàn việc cung cấp đạn pháo dẫn đường Excalibur trong sáu tháng qua, kể từ khi các hệ thống tác chiến điện tử của Nga khiến chúng không còn hiệu quả.

Họ kết luận rằng “để chống lại các hệ thống tác chiến điện tử của Nga, công nghệ Excalibur trong các phiên bản hiện tại đã đã không còn đủ khả năng”.

Về hệ thống HIMARS, một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine cũng tỏ ra rất thất vọng khi nói về sự hiệu quả ncủa hệ thống tên lửa này. HIMARS ngày càng không thể hiện được nhiều vai trò trên chiến trường, “mọi thứ đã kết thúc kể từ khi người Nga triển khai tác chiến điện tử, vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh và HIMARS trở nên hoàn toàn vô dụng”, quan chức này chia sẻ.

Bản báo cáo của Washington Post được trích dẫn từ các nguồn tin của Mỹ, Anh và Ukraine đưa ra trước đó, họ phải thừa nhận rằng HIMARS đã trở nên “ngày càng kém hiệu quả” do khả năng tác chiến điện tử của Nga.

Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga cũng đã làm gián đoạn nghiêm trọng khả năng phối hợp, thu thập thông tin tình báo và tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của quân đội Ukraine, nổi bật nhất là tác chiến điện tử Nga làm gián đoạn khả năng kết nối internet từ hệ thống Starlink do Lầu Năm Góc cung cấp.

Phát biểu với tờ New York Times, các quan chức, binh lính và chuyên gia tác chiến điện tử Ukraine đã báo cáo rằng, việc làm tê liệt Starlink được coi là nhân tố chính thúc đẩy những bước tiến gần đây của Quân đội Nga.

Một phó chỉ huy tiểu đoàn máy bay không người lái thuộc Lữ đoàn tấn công số 92 của Ukraine nhận xét: “Chúng ta đang thua trong cuộc chiến tác chiến điện tử. Hệ thống Starlink đã ngừng hoạt động khiến việc liên lạc giữa các đơn vị trở nên siêu chậm”. Một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái khác cho biết, việc mất kết nối Starlink “khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn” và “tốn thời gian”.

Tờ New York Times kết luận rằng, “nếu lực lượng Nga tiếp tục ngăn chặn thành công tín hiệu của Starlink, điều này có thể đánh dấu một sự thay đổi về chiến thuật trong cuộc xung đột, cho thấy tính dễ bị tổn thương của Ukraine và sự phụ thuộc của nước này vào dịch vụ do công ty của ông Musk cung cấp”. Điều này cũng đặt ra những câu hỏi lớn về độ tin cậy của Starlink trước những đối thủ tinh vi về mặt kỹ thuật như quân đội Nga.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới