Wednesday, June 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnKhông tham dự hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sỹ, TQ...

Không tham dự hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sỹ, TQ tính toán gì?

Trung Quốc có thể đang chờ thời điểm thích hợp để đóng vai trò lớn hơn trong việc tìm giải pháp cho xung đột Nga – Ukraine.

Trung Quốc khẳng định sẽ không tham dự hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sỹ đăng cai tổ chức vào ngày 15/6.


Trung Quốc xác nhận sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine do Thụy Sỹ tổ chức vào ngày 15/6, một quyết định khiến Ukraine và phương Tây thất vọng.

Dựa trên lập trường chính trị của Bắc Kinh và những mối quan hệ với Nga, châu Âu cũng như Mỹ và các đồng minh, Trung Quốc có thể đang chờ thời điểm thích hợp để đóng vai trò chủ nhà, tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế với sự tham gia của cả Nga và Ukraine.

Quyết định cứng rắn của Trung Quốc

Hôm 31/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, nước này sẽ không tham dự hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sỹ vào giữa tháng 6 vì hội nghị “không đáp ứng được kỳ vọng” của Bắc Kinh.

Theo người phát ngôn, phía Trung Quốc cho rằng để đạt hiệu quả, một hội nghị hòa bình quốc tế cần có ba yếu tố: sự công nhận của cả Nga và Ukraine, sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về mọi kế hoạch hòa bình.

Bà Mao khẳng định đây là những yếu tố công bằng, hợp pháp và không nhắm vào bên nào. Những điều này đã được ghi lại trong Bản ghi nhớ Chung giữa Trung Quốc và Brazil về giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine vừa được công bố, đồng thời phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Bà nói thêm rằng dựa trên thông tin Trung Quốc thu thập được từ các bên khác nhau và các sắp xếp được công bố cho hội nghị thượng đỉnh, dường như ba yếu tố trên sẽ không được đáp ứng. Do “khoảng cách rõ ràng giữa cách sắp xếp của hội nghị và lập trường của Trung Quốc cũng như kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế”, Trung Quốc sẽ khó tham dự hội nghị. Trung Quốc cũng đã thông báo cho các bên liên quan về những cân nhắc và quan ngại của mình.

Đến nay, hơn 70 quốc gia đã tuyên bố tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine do Thụy Sỹ đăng cai.

Trước đó, Thụy Sỹ và Ukraine từng hy vọng Trung Quốc sẽ tham dự cuộc họp. Một số nhà phân tích cho rằng, với dự kiến ​​có sự tham gia rộng rãi tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình, Trung Quốc có thể kiêng cử phái đoàn cấp cao góp mặt để tránh sự cô lập quốc tế cũng như không làm mất thiện cảm với Nga.

Tuy nhiên, phản ứng của Trung Quốc rất rõ ràng – họ sẽ không tham dự cuộc họp.

Trong Bản ghi nhớ Chung giữa Trung Quốc và Brazil đã thể hiện rõ quan điểm của Bắc Kinh về việc không tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine. Văn kiện nêu rõ rằng cả hai nước đều ủng hộ một hội nghị hòa bình quốc tế được tổ chức vào thời điểm thích hợp được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên cũng như thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình.

Việc Nga không được mời tham gia đàm phán hòa bình Ukraine rõ ràng không phù hợp với những yếu tố mà Trung Quốc và Brazil đề xuất. Điều này khiến Trung Quốc có lý do để không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Thụy Sỹ đăng cai.

Về mặt khách quan, hội nghị hòa bình quốc tế không thể tạo điều kiện thuận lợi cho hòa bình nếu không có sự tham gia của một bên tham chiến. Nhiều khả năng nó sẽ biến thành một đại hội đoàn kết với Ukraine và lên án Nga.

Lợi ích chiến lược và kinh tế của quan hệ Trung – Nga

Đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, Trung Quốc luôn khẳng định vị thế trung lập và là nước ủng hộ hòa bình. Nhưng trong mắt phương Tây, Trung Quốc không chỉ thiên vị Nga mà còn đưa ra những hỗ trợ đáng kể để Moskva có thể duy trì cuộc xung đột.

Nếu không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế do Thụy Sỹ đăng cai, Trung Quốc có thể phải đối mặt với áp lực lớn hơn từ Mỹ và các đồng minh.

Trong khoảng thời gian Trung Quốc xác nhận sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng hơn 100 thực thể Trung Quốc đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt vì “lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga và hỗ trợ năng lực quân sự của nước này”. Ông khẳng định thêm rằng Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các biện pháp bổ sung nếu cần thiết.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo mới đây tuyên bố trong chuyến thăm châu Âu rằng việc Trung Quốc bán hàng hóa lưỡng dụng cho Nga “gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia châu Âu”.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc có thể kinh doanh ở các nền kinh tế phương Tây hoặc trang bị cho “cỗ máy chiến tranh” của Nga những hàng hóa lưỡng dụng, nhưng nước này không thể tiếp tục làm cả hai việc đó. Ông Adeyemo cũng cho biết Mỹ sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không làm thay đổi quyết định của Trung Quốc cũng như không làm thay đổi mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc vào tháng 5, Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về một loạt hợp tác quan trọng, bao gồm việc mở rộng xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc, hợp tác phát triển đảo Bolshoy Ussuriysky (Trung Quốc gọi là đảo Hắc Hạt Tử), tham vấn với Triều Tiên để cho phép các tàu Trung Quốc đi vào Biển Nhật Bản (hay biển Đông Hải theo cách gọi của Triều Tiên) qua sông Đồ Môn, cũng như mở ra Tuyến đường biển phía Bắc – tất cả đều là những điều kiện hết sức thuận lợi đối với Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh không ngừng gây áp lực với Trung Quốc và Nga, mối quan hệ cộng sinh về mặt chiến lược và kinh tế giữa hai quốc gia khó có thể thay đổi về cơ bản vì xung đột Nga – Ukraine.

Trung Quốc xoay sở ra sao?

Nếu Nga mất đi sự hỗ trợ từ Trung Quốc, tình hình kinh tế trong nước sẽ trở nên tồi tệ hơn đáng kể. Điều này không chỉ khiến việc tiếp tục chiến sự đặc biệt trở nên khó khăn hơn mà còn có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn kinh tế và chính trị nghiêm trọng.

Tương tự, nếu Trung Quốc không có Nga, Bắc Kinh sẽ mất đi lá chắn chiến lược trước NATO, cũng như mất nguồn cung giá rẻ và chất lượng mặt hàng năng lượng, khoáng sản và các tài nguyên khác. Khi đó, Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với tình trạng cô lập chiến lược gia tăng mà còn chịu tác động kinh tế đáng kể.

Trung Quốc sẽ không bao giờ chọn ủng hộ một kế hoạch hòa bình gây bất lợi cho Nga chỉ vì áp lực từ phương Tây. Điều này không chỉ làm rạn nứt quan hệ với Nga mà còn không có gì đảm bảo sẽ dẫn đến sự “nương tay” từ Mỹ và các đồng minh.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang nỗ lực giảm thiểu tác động tiềm ẩn phát sinh từ việc nước này vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình.

Hiện tại, bên cạnh Mỹ nhiều lần bày tỏ ý định trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ công nghiệp quốc phòng Nga, rất ít đồng minh châu Âu và châu Á của Mỹ bày tỏ ý định làm theo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Pháp cùng các nước châu Âu khác vào tháng 5. Cuối tháng đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo ba bên tại Seoul, trong khi các lãnh đạo quốc phòng của Trung Quốc và Mỹ gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Tất cả đều cho thấy Trung Quốc có nhiều không gian để xoay chuyển trong việc xử lý các vấn đề như quan hệ với châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Đối với cuộc chiến Nga – Ukraine, Trung Quốc có kế hoạch hòa giải riêng. Trọng tâm chính là thúc giục các bên xung đột nhanh chóng khởi động lại đối thoại và liên lạc, cùng nhau hợp tác để giảm leo thang tình hình.

Văn kiện chung về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine do Trung Quốc và Brazil công bố là bằng chứng cho thấy quan điểm của Trung Quốc được một số nước đang phát triển ủng hộ.

Có lẽ một khi hai bên đạt đến mức không thể tiếp tục chiến đấu nữa, Trung Quốc có thể đóng vai trò chủ nhà tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế để Nga và Ukraine tham gia.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới