Monday, November 18, 2024
Trang chủQuân sựTQ đẩy các nước châu Á vào cuộc đua nâng cấp hải...

TQ đẩy các nước châu Á vào cuộc đua nâng cấp hải quân

Năng lực đóng tàu mạnh mẽ của Trung Quốc đang gây áp lực lên các quốc gia châu Á khác trong việc tăng cường năng lực hải quân của họ.

Tàu sân bay tự đóng của Trung Quốc – Phúc Kiến, trong cuộc thử nghiệm đầu tiên trên biển vào đầu tháng 5.


Theo SCMP, các nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng cường năng lực hải quân để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc hiện đang vận hành hai tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông. Nước này mới đây đã tiến hành chạy thử nghiệm trên biển tàu sân bay thứ 3 – Phúc Kiến.

Con tàu do Trung Quốc tự đóng này có độ choán nước hơn 80.000 tấn, lớn hơn những chiếc do Ấn Độ hoặc Nhật Bản đang vận hành. Ngoài ra, tàu Phúc Kiến còn được trang bị hệ thống phóng điện từ có thể triển khai máy bay chiến đấu thường xuyên hơn.

Đến cuối năm 2035, Trung Quốc đặt mục tiêu có 6 tàu sân bay – trở thành lực lượng hải quân biển xanh lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, quốc gia hiện có hạm đội tàu sân bay gồm 11 chiếc.

Cựu sĩ quan hải quân Ấn Độ C. Uday Bhaskar cho biết năng lực đóng tàu mạnh mẽ của Trung Quốc đang gây áp lực lên các quốc gia châu Á trong việc xây dựng sức mạnh hải quân.

“Trung Quốc đang khiến một số quốc gia châu Á lo lắng, trong đó có Ấn Độ”, ông Bhaskar nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tháng trước cho biết Ấn Độ sẽ sớm bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba. Các nhà phân tích cho rằng tàu sân bay thứ ba là cần thiết để hải quân Ấn Độ có thể sánh ngang với năng lực của Trung Quốc.

Nhật Bản vào tháng 4 cũng công bố các bản nâng cấp cho tàu sân bay đầu tiên Kaga, được đưa vào sử dụng vào năm 2017 với tư cách là tàu sân bay trực thăng. Tàu hiện đã được nâng cấp để mang theo máy bay chiến đấu tàng hình F-35B Lightning II của Lockheed Martin.

Theo kế hoạch, Kaga sẽ trải qua đợt nâng cấp thứ hai đối với thân tàu vào năm 2026 – 2027 để tăng khả năng hỗ trợ vận chuyển các máy bay chiến đấu cánh cố định.

Tàu chị em Izumo của Kaga, được đưa vào hoạt động vào năm 2015, cũng sẽ được nâng cấp sửa đổi để có thể chở máy bay chiến đấu cánh cố định nếu cần. Quá trình nâng cấp dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Sau khi nâng cấp, cả Izumo và Kaga đều có thể chở 12 máy bay chiến đấu và 16 máy bay trực thăng.

Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch chế tạo tàu sân bay đầu tiên vận hành các máy bay phản lực F-35B với khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, trong kế hoạch quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn và dự án tàu sân bay không được đưa vào bản dự thảo quốc phòng trung hạn 2024 – 2028. Mặc dù vậy, dự án vẫn được đề cập đến như một kế hoạch tương lai dựa trên những nghiên cứu đang diễn ra, dự kiến có kết quả vào đầu năm sau.

Alexander Hynd, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học New South Wales ở Sydney (Australia), nhận định: “Bất chấp những tiến bộ trong hệ thống phòng thủ chống hạm và phòng không, tàu sân bay vẫn là một trong những biểu tượng đương đại lớn nhất của sức mạnh quân sự và khả năng thể hiện sức mạnh đó”.

Walter Ladwig, giảng viên quan hệ quốc tế cấp cao tại King’s College London, cho biết giá trị mang tính biểu tượng của tàu sân bay có thể củng cố ảnh hưởng khu vực và toàn cầu của một quốc gia.

Ông nói: “Nếu các quốc gia cảm thấy bị đe dọa nghiêm trọng, sẽ có sự mở rộng mạnh mẽ các chương trình mua tàu ngầm trên khắp châu Á”.

Tuy nhiên, theo ông Ladwig, việc theo đuổi tàu sân bay dường như được thúc đẩy nhiều hơn bởi mong muốn về uy tín và sự gắn kết với vị thế cường quốc hơn là lợi ích quân sự thuần túy.

“Mỹ là cường quốc hải quân hàng đầu thế giới. Và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cạnh tranh với Mỹ phản ánh mong muốn được coi là ngang hàng trên trường toàn cầu, nâng cao vị thế quốc tế của họ”, ông Ladwig cho hay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới