Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCampuchia “đấu thầu”

Campuchia “đấu thầu”

Thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc, Campuchia đang thể hiện một tư duy mới nhằm thu hút các nguồn lực phục vụ tham vọng phát triển mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng.

Thủ đô Phnom Penh của Campuchia thay đổi từng ngày

Các nhà quan sát chính trị không lạ gì quan hệ mật thiết giữa Phnom Penh và Bắc Kinh. Một mối quan hệ khăng khít, gắn bó từ thời Hoàng thân Norodom Sihanouk (1922 – 2012) làm quốc trưởng, kéo dài mãi về sau này trong thời của thủ tướng Hun Sen.

Khi ông Hun Manet thay cha làm thủ tướng, một số người từng lo lắng rằng, tân thủ tướng – một người được đào tạo bài bản nhiều năm ở phương Tây – sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ngay sau đó, họ đã thở phào khi bố con ông Hun Sen nhiều lần cam kết, khẳng định chính phủ mới sẽ nhất quán về quan điểm, đường lối đối ngoại thân Trung Quốc.

Thực tiễn cho thấy, cả hai, người tiền nhiệm và đương nhiệm không nói suông để trấn an Bắc Kinh. Họ nói thật, làm thật. Bằng chứng mới nhất, ngày 29-5, Chính phủ Campuchia đã chính thức đổi tên đường vành đai 3, dài tới dài tới 53km, do Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải của Trung Quốc xây dựng, vừa hoàn thành, ở Phnom Penh thành “đại lộ Tập Cận Bình” để vinh danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc.

Sự tôn vinh đặc biệt của Phnom Penh dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc có tính biểu tượng rất cao, khẳng định Campuchia trước sau coi Trung Quốc là ân nhân, 20 mươi năm qua đã giúp Campuchia từ một quốc gia nghèo có được những thay đổi lớn lao như hiện nay.

Chỉ cần nêu vài con số, đủ chứng minh thực tế đó. Năm 2022, đầu tư của Trung Quốc chiếm đến 53,4% tổng vốn đầu tư 4,35 tỷ USD mà quốc gia Đông Nam Á này phê duyệt. Thời gian đại dịch COVID-19, trong cơn khủng hoảng vaccine, Campuchia là quốc gia được Trung Quốc ưu tiên hỗ trợ vaccine sớm nhất với số lượng lớn.

Năm 2023, Campuchia đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 2023), không có “người anh” Bắc Kinh hào phóng, Phnom Penh tất chẳng thể có được những công trình thể thao hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn một sự kiện thể thao tầm khu vực. Riêng sân vận động nằm trong tổ hợp Thể thao Quốc gia tại thủ đô Phnom Penh, vốn đầu tư đã là 160 triệu USD.

Hiện nay, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư giúp Campuchia xây dựng các dự án có ý nghĩa trọng điểm, như: quân cảng Ream ở nằm trên bờ biển Vịnh Thái Lan thuộc tỉnh Sihanoukville (một dự án đã và đang gây hoài nghi nhiều trong dư luận về tính chính danh của nó); sân bay quốc tế Siem Riep – Angkor trị giá khoảng 1 tỉ USD. Thời điểm này, bất chấp những eo xèo của dư luận, nhất là phản ứng của Việt Nam, việc khởi công xây dựng dự án kênh đào Phù Nam Techo, trị giá 1,7 tỷ USD dường như đã sẵn sàng, chỉ còn là ngày một ngày hai, cũng do Trung Quốc đầu tư và xây dựng.

Ngoài những số liệu trên, sinh động hơn nữa là câu nói của ông Hun Sen trong một phát biểu Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á tổ chức trực tuyến ngày 20/5/2021. Trên cương vị thủ tướng, ông Hun Sen đã đáp lại những chỉ trích Phnom Penh quá phụ thuộc vào Bắc Kinh, bằng câu nói “thẳng tưng”: “Không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai? Không hỏi Trung Quốc thì hỏi ai?”.

Tuy nhiên, đừng vội nghĩ, thậm chí, “lo thay” cho Phnom Penh sẽ gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do việc coi Bắc Kinh là “hòn đá tảng” trong quan hệ với Bắc Kinh. Bằng chứng là, trước một bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, đồng thời với tranh thủ viện trợ của Bắc Kinh, ông Manet và các cộng sự cũng trẻ trung, “tây học” như ông đang thể hiện thứ tư duy có tính “kỹ trị” hơn nhiều so với thời cha chú. Họ hiểu rằng, cần phải thu hút đa dạng hơn các nguồn viện trợ, thay vì chỉ nghĩ tới Bắc Kinh.

Tư duy, quan điểm đó đang được được các nhà lãnh đạo Campuchia áp dụng cho kế hoạch tổng thể gồm 174 dự án hạ tầng gồm đường cao tốc, đường sắt cao tốc, cầu cống, trường học, bệnh viện…, nhằm đưa nước này trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, nước thu nhập cao vào năm 2050.

Tuy nhiên, cần những 36 tỷ USD cho kế hoạch tham vọng đó. Với một nền kinh tế quy mô GDP khoảng 30 tỷ USD (năm 2023), 36 tỷ USD là con số khổng lồ, khó trông cậy vào một đối tác, chưa kể, vì thế mà phải chịu ép giá.

Có lẽ cái khó đã khiến Phnom Penh “khôn” hơn để nghĩ tới việc tranh thủ lợi thế của mình trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị khốc liệt giữa các cường quốc. Nói cách khác, các cường quốc, muốn “có” được Campuchia, thì phải dốc hầu bao, đổ tiền vào xử sở này thôi.

Thế nên, vừa qua, bên lề Diễn đàn Tương lai châu Á, Phó thủ tướng Sun Chanthol đã đánh tiếng rằng: “ngoài việc phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia này cần phải đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn đầu tư”.

Ông Sun Chanthol đủ khôn để không khiến Bắc Kinh mếch lòng, giận dỗi, vì vẫn cam kết trung thành với “người anh” của mình. Nhưng từ câu nói trên của ông, các nhà quan sát vẫn “đọc” được một thông điệp khác, rằng: Campuchia sẵn sàng “trải thảm đỏ” để đón các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng khác, như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…chẳng hạn.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới