Hàn Quốc đã phản ứng mạnh mẽ việc CHDCND Triều Tiên thả hàng trăm khinh khí cầu lớn chứa rác thải bay qua khu vực giới tuyến quân sự tạm thời xâm nhập vào lãnh thổ Hàn Quốc.
Cho dù Bình Nhưỡng tuyên bố chấm dứt cái gọi là “cuộc chiến tranh khinh khí cầu” này, nhưng Seoul vẫn quyết chí đáp trả quyết liệt. Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc đã khuyến nghị chính phủ hủy hoàn toàn Thỏa thuận quân sự bao quát mà hai bên đã ký kết vào dịp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi năm 2018. Nội dung cốt lõi của thỏa thuận này là hai bên cam kết chấm dứt hoàn toàn mọi hành động thù địch nhau. Trên thực tế, thỏa thuận này đã không còn được hai bên tuân thủ khi Hàn Quốc hồi tháng 11.2023 viện dẫn việc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám để ngừng thực hiện những nội dung nhất định trong thỏa thuận. Sau đó, Triều Tiên tuyên bố ngừng thực hiện thỏa thuận.
Điều khiến Bình Nhưỡng không thể không rất bực bội là việc Seoul dự định khôi phục hoạt động của hệ thống âm thanh khổng lồ ở khu vực giới tuyến quân sự làm công cụ tuyên truyền mà sản phẩm tuyên truyền với không chỉ phát thông tin mà còn cả nhạc K-pop vốn bị cấm ở Triều Tiên. Sau cuộc chiến tranh khinh khí cầu là cuộc chiến tranh tâm lý và tuyên truyền.
Tất cả diễn biến trên báo hiệu chiều hướng căng thẳng và đối đầu gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa và sự thay đổi tổng thống ở Hàn Quốc – người kế nhiệm ông Moon Jae-in ở Hàn Quốc là ông Yoon Suk-Yeol thực thi chính sách đối ngoại cứng rắn đối với Triều Tiên. Và việc ông Yoon hòa giải với Nhật Bản, tăng cường liên minh với Mỹ và thúc đẩy liên kết ba bên với Mỹ và Nhật Bản đã làm cho những bước lùi trong mối quan hệ giữa hai miền trên bán đảo như vừa rồi trở thành điều không thể tránh khỏi.
T.P