Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển ĐôngNa Uy-Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu quốc...

Na Uy-Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu quốc gia ngành nuôi biển

Hướng đến mục đích phát triển bền vững ngành công nghiệp nuôi biển ở Việt Nam, Bộ NN&PTNT phối hợp Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức cuộc họp chia sẻ kinh nghiệm phát triển thương hiệu Quốc gia cho nuôi biển Việt Nam.

Na Uy chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu quốc gia ngành nuôi biển Việt Nam

Trong xu thế giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản để cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển, nuôi biển ở Việt Nam được xác định là hướng đi quan trọng để gia tăng sản lượng và giá trị cho ngành thủy sản, tạo ra không gian kinh tế mới, nguồn sinh kế mới nhằm phát triển kinh tế biển, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Việt Nam đang triển khai Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển một cách đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển.

Chia sẻ về định hướng, kế hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia nuôi biển Việt Nam, các tham luận tại cuộc họp cùng nhau cập nhật thực trạng sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng như chia sẻ những kinh nghiệm của Na Uy trong việc phát triển thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp cá hồi.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy đã ký kết “Ý định thư” về tăng cường hợp tác song phương trong ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Đến nay, 2 bên đã tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp trong lĩnh vực nuôi biển công nghiệp và thương mại thủy sản.

Những chính sách, chiến lược, định hướng phát triển ngành thủy sản Việt Nam nhằm phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp nuôi biển, trong đó, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia trong giai đoạn tới là nội dung quan trọng để thúc đẩy ngành nuôi biển của Việt Nam.

Cảm ơn sự hỗ trợ của Na uy đối với Việt Nam thời gian qua trong việc xây dựng khung pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực cho ngành thủy sản nói chung, ngành nuôi biển nói riêng, ông Trần Đình Luân mong muốn, trong giai đoạn mới, Na Uy tiếp tục hỗ trợ xây dựng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm tiền đề xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản, cũng như hỗ trợ cho phát triển nuôi biển bền vững với sự tham gia của các thành phần kinh tế.

“Những công nghệ và bài học kinh nghiệm phát triển thủy sản của Na Uy, trong đó chủng loại cá hồi có thể giúp Việt Nam xây dựng, khai thác tiềm năng và phát triển ngành công nghiệp nuôi biển trong thời gian tới. Đây cũng là điều kiện để giảm tình trạng khai thác ven bờ, tăng quá trình bảo tồn nguồn lợi thủy sản, giúp cho đại dương sạch hơn. Na Uy là một trong những quốc gia đi đầu về bảo vệ đại dương, bảo vệ đa dạng sinh học, với sự giúp đỡ này, hai bên sẽ cùng chung tay để hiện thực hóa mục tiêu chung về phát triển sinh kế ngư dân, khai thác tốt tiềm năng và bảo vệ trái đất tốt hơn”, ông Luân bày tỏ.

Đánh giá cao sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững và hiệu quả kinh tế, bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam chia sẻ, là những quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới, Na Uy và Việt Nam hiểu rõ việc xây dựng thương hiệu mạnh của quốc gia mạnh, cùng với các yếu tố khác, như chất lượng, giá trị dinh dưỡng, các thông lệ nuôi trồng và đánh bắt bền vững… đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu của các sản phẩm thủy hải sản.

“Na Uy xây dựng ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản với giá trị cốt lõi là phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Các mục tiêu của Việt Nam bao gồm giảm việc đánh bắt, tăng cường các hoạt động về nuôi trồng thủy sản trong Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đang có nhiều lợi thế tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khai thác tiềm năng tài nguyên biển một cách có trách nhiệm và bền vững. Na Uy sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình Việt Nam xây dựng một thương hiệu quốc gia mạnh cho nuôi biển, cùng các các sản phẩm thủy sản của Việt Nam”, bà Mette Moglestue khẳng định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới