Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTừ rạn nứt đến hố sâu ngăn cách

Từ rạn nứt đến hố sâu ngăn cách

Quan hệ hai miền Triều Tiên đã có thời kỳ nồng ấm, tưởng như đất nước đã thống nhất. Đó là dấu mốc với việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018, mối quan hệ đã có một bước đột phá ngoại giao lớn và trở nên thân thiện hơn đáng kể. Thế nhưng, có những mâu thuẫn không thể hóa giải và tình hình lại xấu đi nghiêm trọng.

Từ năm 2023 đến sáu tháng đầu năm nay, tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên cực nóng. Đặc biệt, khi quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ càng gắn bó thì sự rạn nứt trong quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc càng trầm trọng.

Tình hình trở nên tồi tệ khi từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Nhưỡng thẳng thừng tuyên bố Seoul là “kẻ thù chính”. Bắc Triều đã đóng cửa nhiều cơ quan phụ trách việc hàn gắn quan hệ giữa hai nước và đe dọa phát động chiến tranh nếu “chỉ 0,001 milimet” lãnh thổ bị xâm phạm. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố: “Bình Nhưỡng không ngần ngại ‘chấm dứt’ Seoul nếu bị tấn công”.

Ông Kim gọi Seoul là “quốc gia kẻ thù trước tiên và nguy hiểm nhất, là kẻ thù không đội trời chung không thể thay đổi” của Triều Tiên!

Cho đến đầu tháng 6 vừa qua, giọt nước tràn li khi Triều Tiên bất ngờ dùng “bom bóng bay” tấn công môi trường Hàn Quốc. Lập tức Mỹ tỏ thái độ rõ ràng, cho rằng Bình Nhưỡng đã “đi quá giới hạn”. Chẳng là gần đây, kể từ ngày 28-5, Triều Tiên đã phóng khoảng 1.000 quả bóng bay mang theo rác và chất bẩn vào Hàn Quốc, cùng các hình thức khiêu khích khác.

Những chùm bóng bay khổng lồ thả phân, tàn thuốc, vải vụn và pin đã qua sử dụng rơi xuống bất kể nơi đâu. Seuol chỉ trích, động thái này là hành động không thể chấp nhận được. Vì lẽ đó, Hàn Quốc đã đáp trả bằng cách đình chỉ thỏa thuận quân sự được hai bên ký kết vào năm 2018.
Sau khi “xé” thỏa thuận, căng thẳng hai miền lên đến đỉnh điểm. Việc Triều Tiên “khiêu khích bằng bom bẩn” đã khiến Washington nóng gáy. Lầu Năm Góc lập tức triển khai tập trận cùng quân đội Hàn Quốc. Cuộc tập trận nhằm thể hiện cam kết an ninh của Mỹ đối với Hàn Quốc và tăng cường thế trận phòng thủ chung giữa các đồng minh.

Hôm 5/6, Mỹ đã điều động một máy bay ném bom tầm xa B-1B bay qua bán đảo Triều Tiên và tiến hành “tập trận ném bom chính xác”. Ngoài máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B còn có sự tham gia của các máy bay chiến đấu tiên tiến khác của Mỹ và Hàn Quốc. Đó là các máy bay chiến đấu F-15K và các máy bay chiến đấu tàng hình F-35, F-16.

B-1B đã thả những quả bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) chứa bom xuyên mặt đất có biệt danh là “phá boong-ke”. Đội hình còn có máy bay chiến đấu của Hàn Quốc hộ tống, nhằm trình diễn khả năng tấn công chính xác của loại bom này.

Xin nói thêm về siêu bom JDAM. Đây là loại bom thông minh có bộ điều khiển quỹ đạo gắn ở phần đuôi. Bộ điều khiển quỹ đạo sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) làm tăng độ chính xác cho bom, và có thể sử¬ dụng được trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết.

Con “ngoáo ộp” JDAM khiến quân đội Triều Tiên vô cùng kinh hãi, bởi vì họ có mạng lưới các đường hầm và công trình quân sự dưới lòng đất rất kiên cố, phức tạp, nhưng JDAM lại coi các boong-ke đó chả là gì. Loại bom có “mắt thần” này sử dụng hệ thống dẫn đường để biến các quả bom rơi tự do không điều khiển thành vũ khí sát thương chính xác.

Vì sao Triều Tiên lại hung hăng đến thế. Năm 2023, Bình Nhưỡng tuyên bố, họ sẽ không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận quân sự. Họ không hề ngần ngại khi vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc. Mới đây Triều Tiên đã phóng một tên lửa nhằm đưa vệ tinh do thám thứ hai lên quỹ đạo. Thế nhưng tên lửa đã phát nổ ngay sau khi cất cánh, để lại dấu tích “vụ nổ rực lửa.

Gần ba năm qua, Triều Tiên cũng đã gia tăng tốc độ thử nghiệm tên lửa đạn đạo, nhằm xây dựng một kho vũ khí hạt nhân lớn hơn. Mục đích của họ nhằm tăng sức đàm phán với Mỹ trong tương lai về việc phi hạt nhân hóa. Đến nay các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa đã dừng lại 5 năm và không biết khi nào mới được nối lại.

Không thể chấp nhận sự vượt rào của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc đã và đang phối hợp với Mỹ tăng cường tập trận, với tình huống giả định sát với thực địa. Thủy quân lục chiến Hàn Quốc có kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật có sử dụng pháo tự hành K-9 trên một hòn đảo xa ở bờ biển phía Tây, nơi đó sát với một khu vực tranh chấp với Triều Tiên. Nơi đó lực lượng pháo binh và tàu chiến của Hàn Quốc và Triều Tiên đã từng xảy ra những cuộc đụng độ, tuy chưa đến mức thương vong lớn.

Bàn về nguyên nhân sâu sa dẫn đến quan hệ liên Triều thời gian qua gặp nhiều bão táp, điều dễ thấy là, các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên rơi vào khủng hoảng, bế tắc kéo dài. Theo các nhà bình luận, rạn nứt trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã trở thành những hố sâu ngăn cách và ngày càng khó tìm được tiếng nói chung cho đàm phán hòa bình. Mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, xây dựng một thể chế hòa bình, lẽ nào trở thành một “ước mơ cuối chân trời”?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới