Tuesday, January 14, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVũ khí hóa nguồn nước: “gậy ông đập lưng ông”

Vũ khí hóa nguồn nước: “gậy ông đập lưng ông”

Địa lý trao cho Trung Quốc một ưu đãi tuyệt vời, là nằm ở thượng nguồn của dòng chảy các con sông lớn có hạ lưu rộng lớn. Tuy nhiên, những ưu đãi của tạo hóa không làm chính quyền Bắc Kinh hài lòng và tập trung phát triển nội lực. Họ đã từng bước theo đuổi cái gọi là tầm cỡ quốc tế, kiểu như xây đập thủy điện lớn nhất thế giới, hệ thống đập thủy điện nhiều nhất thế giới…

Ước mơ chế ngự được thiên nhiên luôn ám ảnh tâm trí giới lãnh đạo Trung Quốc

Nhưng điều đó không đơn thuần chỉ là cách để người Trung Quốc vươn ra thế giới, mà thâm sâu hơn, nguồn nước đang được Bắc Kinh biến thành công cụ để áp đặt quyền lực mềm, thao túng các quốc gia nằm ở vùng hạ lưu Việt Nam lại nằm trong số các quốc gia đó.

Chúng ta sẽ tìm hiểu xem một khi vũ khí hóa nguồn nước Trung Quốc được gì và mất gì?

Hệ thống đập thủy điện khổng lồ đang bức tử hai con sông

Đầu tiên là sông Hồng. Tên này đặt theo loại đất đỏ bị cuốn trôi từ nguồn ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, xuống hạ lưu. Các nhánh chính của nó: sông Đà, sông Lô và sông Thao cũng bắt nguồn từ Trung Quốc, tất cả đều hợp lưu với sông Hồng ngay phía bắc thủ đô Hà Nội của Việt Nam, chảy vào Vịnh Bắc bộ. Hạ lưu của con sông này tạo thành vùng Đồng bằng sông Hồng, một trong hai vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Tính đến năm 2021, có hơn 60 đập và hồ chứa được Trung Quốc xây dựng trong lưu vực sông Hồng, 41 đập thủy điện, 2 đập đa mục đích và 25 đập thủy lợi. Hệ thống đập này được bố trí theo mạng lưới bậc thang.’

Đối với Sông MeKong, vốn được coi là huyết mạch thủy sinh rộng lớn xuyên qua châu Á, bắt nguồn từ những dòng sông băng cao ở trên Cao Nguyên Tây Tạng. Dòng sông biến chảy về phía Nam qua các khe núi đá thung lũng dốc và những khu rừng ngập nước rộng lớn đến Biển Đông. Ảnh hưởng của nó là vô cùng lớn, trải dài tới 4350 km. Sông Mekong chảy qua một lưu vực trải dài hàng trăm nhánh sông và tại sáu quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Nhưng Trung Quốc đã xây dựng hệ thống đập khổng lồ trên khu vực mà con sông này chảy ra Việt Nam.

Cho đến nay, hơn 160 đập thủy điện đang hoạt động trên sông và các dòng nhánh của nó, trong đó có 13 đập trên dòng chính của sông và hàng trăm đập khác đã được quy hoạch hoặc đang xây dựng. Với hệ thống đập khổng lồ và chằng chịt được bố trí ở lưu vực sông chảy qua Trung Quốc, toàn bộ các quốc gia ở khu vực hạ lưu đã đối mặt với hàng loạt những khó khăn.

Ví dụ: một cốc nước đục đầy phù sa, nếu chúng ta trải qua từng giai đoạn trầm lắng, sau đó lại gạt nó sang một cốc khác và thao tác cứ liên tục lặp lại như vậy, chúng ta sẽ thu được một cốc nước trong vắt. Đây là một ví dụ mô tả cho thấy hệ thống đập thủy điện của Trung Quốc được bài trí theo mạng lưới bậc thang, là cách gạn trong dòng nước vốn mang theo phù sa và dinh dưỡng cho thủy sinh và đất đai trồng trọt phục vụ cho nông nghiệp. Kết quả của quá trình này là nước bị làm nghèo đi theo đúng nghĩa những quốc gia ở vùng hạ lưu sẽ đối diện với nghèo đói do nông nghiệp bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, thủy sản cũng phụ thuộc vào nguồn nước.

Chưa kể đến việc Trung Quốc kiểm soát nguồn nước sẽ khiến hạ lưu đối diện hoặc là hạn hán hoặc là lũ lụt nghiêm trọng khi bên trên đầu nguồn xả lũ. Vấn đề nằm ở chỗ, Trung Quốc từng chia sẻ dữ liệu hàng ngày từ 15 trạm khí tượng thủy văn dọc sông Đà, sông Lô và sông Thao cho phía Việt Nam. Nhưng sau đó, năm 1979 có chiến tranh Trung – Việt và mọi mọi thứ dừng lại.

Những năm 1980, Trung Quốc lần đầu tiên đẩy mạnh chương trình xây dựng đập thủy điện sau một thập kỷ căng thẳng và thù địch với Việt Nam. Đáng nói là họ vẫn không chia sẻ dữ liệu về dòng chảy và lượng mưa của sông mặc dù hai nước khôi phục quan hệ chính thức vào năm 1991.

Việt Nam và Trung Quốc đã cố gắng đàm phán những cách tốt hơn để hợp tác giải quyết những rủi ro và tài nguyên của dòng sông. Năm 2009, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ chia sẻ giữ dữ liệu mùa lũ. Trung Quốc chia sẻ dữ liệu dòng chảy từ năm trạm khí tượng thủy văn dọc sông Đà và sông Thao, đổi lại Việt Nam chia sẻ dữ liệu từ ba trạm Bằng Giang, Lạng Sơn và Văn Mịch. Tuy nhiên, thỏa thuận đã hết hiệu lực.

Chính vì không có sự chia sẻ dữ liệu nguồn nước nên đầu nguồn có thể tùy tiện xả lũ hoặc chặn dòng chảy. Điều này gây thiệt hại lớn về kinh tế và con người. Cho nên, sẽ không quá khi chúng ta nói Trung Quốc đang bức tử hai con sông lớn, vốn là nguồn sống của hàng triệu người, chỉ vì mục đích chính trị của riêng mình.

Nói như vậy để thấy Trung Quốc xây dựng hệ thống đập khổng lồ không đơn thuần là dùng để sản xuất điện và lại bán điện cho các nước ở hạ lưu mà nó còn là một đòn bẩy để nước này ràng buộc và khuất phục các nước ở hạ nguồn. Nhìn cách mà Trung Quốc đã làm với Ấn Độ là hiểu rõ nhất. Trong cuộc đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, thung lũng Galwan ở Đông Ladakh trở thành điểm nóng. Trung Quốc đã chặn dòng sông Galwan chảy vào lãnh thổ Ấn Độ. Cho nên, nếu các nước ở hạ lưu không khuất phục Trung Quốc, họ sẽ tắt vòi nguồn nước. Từ đó đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, cụ thể là sản xuất điện của chính quốc gia đó.

Một quốc gia không thể mạnh khi an ninh lương thực không đảm bảo. Nền kinh tế hay sản xuất công nghiệp không thể phát triển khi mà an ninh năng lượng bị kiểm soát và tính vẹn toàn của lãnh thổ sẽ bị tấn công bất kỳ khi nào khi an ninh biên giới luôn bị một quốc gia lớn mạnh về quân sự đe dọa.

Nhìn chung, Bắc Kinh đã đưa ra một chính sách ngoại giao tàn nhẫn. Ngoài việc họ giành chiến thắng trong cuộc chiến địa chính trị, thể hiện quyền lực của mình trong khu vực, chính sách ngoại giao liên quan vũ khí hóa nguồn nước này lại đem đến cho Trung Quốc ba sơ hở lớn mà người ta nói là “gậy ông đập lưng ông”.

Sơ hở thứ nhất đó là hệ thống đập dày đặc sẽ đặt các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vào thế đội trên đầu những nồi nước đang sôi.

Đầu tiên, chi phí xây dựng đập. Theo nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Oxford, điều tra 245 đập lớn được xây dựng từ năm 1934, kết quả cho thấy thành tích ảm đạm của các siêu dự án như vậy với mức vượt chi phí trung bình trên 90%. Các đập lớn có mức vượt chi phí cao nhất trong số tất cả các loại tài sản cơ sở hạ tầng. Kết quả này là trước khi tính đến các tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường con người mà không bao gồm các tác động của lạm phát và trả nợ. Trung Quốc lại rất thích những công trình mang tính thế kỷ và bước ngoặt nhằm tạo ra danh tiếng cho mình. Họ không tiếc tay đầu tư vào những con đập lớn thứ nhất, lớn thứ nhì thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc là ngân sách quốc gia thâm hụt do đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống đập này quá lớn.

Mâu thuẫn nằm ở chỗ, người ta tuyên bố rằng xây dựng đập là để chống hạn hán và lũ lụt, thế nhưng thực tế lại đi ngược lại với tuyên bố này. Theo một nghiên cứu trên tạp chí nước, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng đáng kể tần suất lũ lụt và hạn hán trên các con sông nơi mà các dự án thủy điện đang vận hành trên khắp thế giới. Nó sẽ làm tăng rủi ro cả về sự an toàn lẫn khả năng sản xuất điện của những con đập này. Bằng cách sử dụng công cụ lọc rủi ro nước của WWF, nghiên cứu cho thấy 61% đập thủy điện hiện tại và dự kiến sẽ nằm ở các lưu vực sông có nguy cơ khan hiếm nước, lũ lụt hoặc cả hai, từ cao đến cực kỳ cao vào năm 2050. Chính những con đập này cũng làm nghèo cộng đồng dân cư sinh sống ở lưu vực sông này vì rủi ro sạt lở, nghèo nguồn nước.

Chúng ta có thể hình dung đơn giản như thế này: khi một con đập được xây dựng, bên trên nó sẽ là một hồ chứa nước. Nó cũng có tác dụng làm lắng trầm tích. Khi mùa mưa đến, khối lượng trầm tích này sẽ gia tăng sức ép lên thành của hồ, đồng thời làm gia tăng tình trạng sạt lở. Điều này sẽ dẫn tới việc vỡ đập, vỡ hồ chứa. Để tránh tình trạng vỡ đập người ta sẽ thực hiện xả lũ. Xả lũ đều gây ngập lụt nghiêm trọng cho khu dân cư sinh sống quanh đó. Bởi vậy, hệ thống đập càng nhiều, càng lớn chẳng khác gì họ đang đội một nồi nước sôi trên đầu, không cẩn thận chính họ sẽ bị bỏng. Đập Tam Hiệp cũng là một trong những điểm yếu chết người mà chính quyền Bắc Kinh mặc dù bên ngoài là tự hào nhưng bên trong lúc nào cũng lo ngay ngáy.

Sơ hở thứ hai, tham vọng chính trị sẽ kích hoạt thù hận ở Tây Tạng nơi đầu nguồn của các con sông. Như chúng ta đã biết, ngay cả khi thế giới đang nóng lên và đối diện với vấn nạn mang tên khô hạn, Trung Quốc vẫn có thể chiếm thế thượng phong bởi vì quốc gia này nằm trên đầu nguồn của 10 con sông lớn ở Châu Á, tổng cộng trải qua 11 quốc gia và cung cấp nước cho 1,6 tỷ người. Khởi nguồn của tất cả những con sông này lại bắt nguồn từ dòng sông băng ở Tây Tạng. Do đó, Trung Quốc muốn thống trị được Châu Á phải kiểm soát được hoàn toàn nguồn nước. Muốn làm được vậy họ phải chiếm hoàn toàn được Tây Tạng.

Tây Tạng vốn không khuất phục Trung Quốc, khi lòng thù hận bị đẩy lên đỉnh điểm họ sẽ bắt tay với Ấn Độ để chống lại Bắc Kinh. Đây sẽ là cơn ác mộng của ông Tập Cận Bình. Mặc dù siêu cường của Tập Cận Bình có thể cắt đứt phần lớn khả năng tiếp cận nguồn nước của Đông Nam Á nếu muốn, nhưng cách Trung Quốc quản lý vàng lỏng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến số phận của chính họ mà còn ảnh hưởng đến số phận của hàng trăm triệu công dân trên khắp lục địa. Đây sẽ là rủi ro chính trị cho ông Tập trên trường quốc tế khi tiếng chửi mắng ông ấy và cáo buộc tội ác nhiều hơn đóng góp xây dựng đối với khu vực.

Sơ hở thứ ba, đó là tình cảm chống lại Trung Quốc trong khu vực tăng cao. Đối thủ có thể lợi dụng điều này để ra đòn. Khi Mỹ tiếp tục xoay trục sang Châu Á. Đông Nam Á là chìa khóa để chống lại sự tăng trưởng của Trung Quốc, từ thời Tổng thống Obama, Mỹ đã xây dựng chính sách ngoại giao cho sự xoay trục này. Các quốc gia Đông Nam Á có nhiều bất bình với nước láng giềng rộng lớn phía Bắc về việc xây dựng các đập trên sông Mekong. Bằng cách tận dụng những sơ hở do chính sách ngoại giao tàn nhẫn của Trung Quốc tạo ra, Mỹ có thể có được một số đồng minh trong khu vực sẵn sàng hợp tác vì thái độ thù địch của họ đối với Trung Quốc. Điều này có thể mang lại cho Mỹ một lượng lớn đòn bẩy đối với đối thủ cạnh tranh đang lên của họ, cho phép họ chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thật không may, vì Trung Quốc nắm quyền kiểm soát mạnh mẽ trên sông Mekong, nên các quốc gia dọc bờ sông này khó có thể liên kết với Mỹ vì lo ngại hậu quả. Hơn nữa, các quốc gia dọc sông Mekong gây áp lực lẫn nhau để tránh trở nên quá thân thiện với Mỹ, vì sợ rằng nếu một quốc gia liên kết với cường quốc phương Tây, nguồn nước sẽ bị cắt cho tất cả.

Chiến lược hiệu quả của Trung Quốc cùng với chính sách ngoại giao kém cỏi của Mỹ suốt 8 năm thời ông Obama đã khiến việc giành được các đồng minh mới ở Đông Nam Á trở nên khó khăn hơn đối với Mỹ và tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy như một cường quốc bá chủ khu vực.

Nếu muốn chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc và giành được chỗ đứng trong khu vực, Mỹ phải giúp khôi phục dòng chảy của sông Mekong ở mức phù hợp. Để thực hiện được điều này, Tổng thống Biden đã có một số lựa chọn.

Đầu tiên, ông nên thúc đẩy Ủy hội sông Mekong Quốc tế tái khẳng định tính hợp pháp của mình với tư cách là tổ chức quản lý việc sử dụng chung sông Mekong và trực tiếp kêu gọi Trung Quốc gia nhập tổ chức này. Khi này, ông Biden mới có khả năng làm suy yếu tính hợp pháp và năng lực của Hợp tác sông Lan Thương – Mekong, đồng thời mở rộng thiện trí với các quốc gia Đông Nam Á. Điều này hy vọng sẽ làm tăng sự hội nhập của Trung Quốc với các tổ chức quốc tế đã được thiết lập và loại bỏ nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát dòng chảy của con sông về mặt ngoại giao.

Thứ hai, ông Biden nên thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á bằng cách đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn và thể hiện hành động trong các vấn đề của khu vực thông qua các dự án cơ sở hạ tầng hoặc giáo dục nhằm mang lại lợi ích cho người dân trong khu vực. Ông Biden có thể xây dựng mối quan hệ tốt hơn với người dân và các quốc gia dọc theo hạ lưu sông Mekong, đồng thời giảm sự phụ thuộc của họ và nguồn sống của dòng sông.

Bởi vì rất nhiều người dân sống dọc sông Mekong nghèo cho nên họ phải dựa vào nó để đánh cá và trồng trọt. Bằng cách mở rộng các cơ hội kinh tế dọc con sông, ông Biden có thể giảm bớt sự phụ thuộc đó, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia đó.

Cuối cùng, ông Biden nên đảm bảo với các quốc gia dọc theo hạ lưu sông Mekong rằng, nếu Trung Quốc quyết định cắt dòng nước, Mỹ sẽ sẵn sàng sát cánh bên cạnh tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng, gửi viện trợ khi cần thiết cho những quốc gia bị ảnh hưởng. Mặc dù một hoạt động như vậy sẽ tốn kém, nhưng nó sẽ khiến Trung Quốc bị lừa và làm suy yếu đáng kể khả năng kiểm soát các nước láng giềng phía Nam của nước này.

Một chính sách công hỗ trợ các quốc gia này, giống như Kế hoạch Maran thời hiện đại, sẽ tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và các đối tác tiềm năng ở phía Đông. Mặc dù Trung Quốc có thể không bao giờ cắt dòng nước, nhưng việc thực hiện các kế hoạch như vậy sẽ làm giảm thêm động lực của các hành động hung hăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng phía Nam.

Việc Trung Quốc vũ khí hóa nguồn nước là cực kỳ nguy hiểm và cho thấy Trung Quốc sẽ phát huy ảnh hưởng của mình trên phạm vi quốc tế đến mức nào. Ông Biden có hai lựa chọn cốt lõi: ngồi yên và nhìn các đồng minh tiềm năng không chịu nổi áp lực của Trung Quốc hoặc là hành động để đảm bảo một tương lai an toàn hơn, không chỉ cho Đông Nam Á mà còn cả thế giới, bằng cách hỗ trợ các chế độ sẵn sàng chống lại Trung Quốc bằng các khoản trợ cấp và đầu tư nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của các quốc gia hạ nguồn sông Mekong.

Biden sẽ có thể củng cố vị thế của họ, đồng thời xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với họ. Hơn nữa, đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế các quốc gia này, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng và giáo dục, cũng sẽ mang lại lợi ích cho họ cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Biden phải đưa ra một số quyết định khó khăn khi đối mặt với Trung Quốc ở Đông Nam Á, đặc biệt là trên sông Mekong. Ông phải quyết định liệu Mỹ có chống lại việc Trung Quốc vũ khí hóa nguồn nước để giúp duy trì sự an toàn của sông Mekong và người dân ở đây hay không và bằng cách nào. Vấn đề nằm ở chỗ, ông Biden đã làm gì và liệu ông ấy có thể làm được điều đó trong nhiệm kỳ?

Nếu nhìn lại toàn bộ quá trình làm Tổng thống của ông ấy, người ta chưa hề thấy một nước Mỹ có vai trò lãnh đạo toàn cầu ở đâu, cũng chưa thấy lời cam kết mạnh mẽ của Mỹ nào đến với các đồng minh. Ngược lại, ông Biden vẫn còn mải mê với cuộc chiến ở Ukraine, cuộc chiến cấm vận kinh tế chống Nga, cuộc chiến ở Trung Đông.

Do đó mới nói khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, ông Biden vội vã quay lại với chiến lược kiềm chế Trung Quốc của mình nhằm lấy lại được lòng tin của cử tri Mỹ là điều đã muộn màng. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ trở thành bá chủ. Có thể Trung Quốc rất mạnh mẽ ở bên ngoài, nhưng điều đáng sợ nhất không phải từ kẻ thù ngoại bang mà nó lại nằm trong chính nội địa Trung Quốc: một Tây Tạng giáp Ấn Độ không chịu khuất phục, một Tân Cương sôi sục đầy căm phẫn nhưng lại gần cộng đồng Hồi giáo. Nó chính là nguy cơ trong chính sách đối nội của Bắc Kinh, nhưng nó cũng là quả bom nổ chậm cho chính sách ngoại giao tàn nhẫn của họ trong khu vực.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới