Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnBức ảnh 'Người đàn ông chặn xe tăng' tiến vào Quảng trường...

Bức ảnh ‘Người đàn ông chặn xe tăng’ tiến vào Quảng trường Thiên An Môn được chụp như thế nào

“Tank Man” (tạm dịch là: Người đàn ông chặn xe tăng) là bức ảnh mang tính biểu tượng của sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Trong ảnh là một thanh niên gầy gò mặc áo sơ mi trắng, đứng một mình trên phố Trường An ở Bắc Kinh và đang chặn đường tiến của một nhóm xe tăng của quân đội Trung Quốc. Nhân kỷ niệm 35 năm Sự kiện ngày 4/6/1989, CNN của Mỹ đã tiết lộ quá trình mạo hiểm của một nhiếp ảnh gia để chụp được bức ảnh này.

Bức ảnh chụp một công dân Hong Kong trong buổi tưởng niệm sự kiện “Thiên An Môn 1989” dưới ánh nến ở Công viên Victoria, Hong Kong vào ngày 4/6/2020. Tấm áp phích mà người này đang cầm là hình người đàn ông vô danh nổi tiếng, được gọi là Người đàn ông chặn xe tăng (Tank Man), đang một mình chặn đoàn xe tăng của quân đội Trung Quốc trên đường Trường An ở Bắc Kinh vào năm 1989.

CNN đã đăng một bài báo vào ngày 4/6 và kể lại quá trình nhiếp ảnh gia Jeff Widener của hãng tin Associated Press (AP) lúc bấy giờ cho ra đời bức ảnh “Tank Man”.

Vào tháng 6 năm ngoái, ông Mike Chinoy, Trưởng văn phòng đầu tiên của CNN ở Bắc Kinh, đã xuất bản cuốn “Assignment China: An Oral History of American Journalists in the People’s Republic” (tạm dịch là: “Nhiệm vụ ở Trung Quốc: Một lịch sử truyền miệng của các nhà báo Mỹ ở nước Cộng hòa Nhân dân”). CNN đã trích dẫn chi tiết từ cuốn sách này, trong đó chính nhiếp ảnh gia Jeff Widener đã kể về quá trình chụp bức ảnh “Tank Man”.

Ngày 15/4/1989, đông đảo người dân và sinh viên Trung Quốc đã tổ chức biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để tưởng nhớ ông Hồ Diệu Bang, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, và yêu cầu chính quyền cải cách chính trị cũng như trừng phạt các quan chức tham nhũng. Làn sóng kháng nghị này đã nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và kéo dài gần hai tháng.

Tuy nhiên, những cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên và người dân Trung Quốc đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp dã man. Từ tối ngày 3/6 đến sáng sớm ngày 4/6 năm 1989, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội, cảnh sát và cảnh sát vũ trang dùng vũ lực để trấn áp những người biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn, những chiếc xe tăng đã nghiến qua vô số sinh viên tay không tấc sắt, quân đội đã xả súng vào người dân và gây thương vong nặng nề. Sự việc này đã gây chấn động quốc tế.

Trước đó 7 ngày được chuyển tới Bắc Kinh
Khi đó, chính quyền Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ việc lan truyền những thông tin này ra thế giới bên ngoài, họ ngăn cản các phương tiện truyền thông lớn của nước ngoài quay phim, chụp ảnh hoặc đưa tin ở Bắc Kinh. Một tuần trước sự kiện Thiên An Môn, ông Widener được chuyển từ văn phòng của AP ở Bangkok đến Bắc Kinh.

Vào ngày 4/6 tại địa điểm biểu tình, ông Widener đã bị một hòn đá đập vào đầu và ngã xuống. Nhưng ngày hôm sau, ông Widener vẫn nhận nhiệm vụ do ông Lưu Hương Thành (Liu Heung Shing), biên tập viên ảnh của hãng thông tấn AP tại Bắc Kinh, giao cho và đến phố Trường An để chụp ảnh về cuộc đàn áp của quân đội Trung Quốc.

Mang theo thiết bị, lẻn vào Khách sạn Bắc Kinh
Ông Widener kể lại rằng, ông Lưu Hương Thành đã cử ông đến “Khách sạn Bắc Kinh” trên phố Đông Trường An để chụp ảnh quân đội Trung Quốc. Khách sạn này có góc nhìn từ trên cao xuống Quảng trường Thiên An Môn, nhưng khi đó quân đội Trung Quốc đã kiểm soát khách sạn này nên ông Widener phải bí mật lẻn vào.

Vì bị quân đội kiểm soát, có một số nhà báo nước ngoài đã bị tịch thu thiết bị chụp ảnh. Vậy nên, ngày hôm đó, ông Widener đã giấu thiết bị chụp ảnh vào trong áo khoác, với ống kính 400 mm ở một bên túi áo và ống kính chuyển đổi tầm xa ở trong túi áo còn lại, phim chụp ảnh được giấu trong quần lót và thân máy được giấu ở túi sau.

“Sau khi thu xếp xong, tôi lên đường. Tôi đạp xe đến Khách sạn Bắc Kinh, dọc đường đi chỉ thấy đống đổ nát và xe cộ cháy đen… Đột nhiên, có 4 chiếc xe tăng tiến về phía tôi, và những người lính đang cầm súng máy hạng nặng. Tôi vừa đạp xe vừa nghĩ: Thật không thể tin được mình lại đang làm công việc này ở đây!”, ông Widener nói.

Sau khi đến Khách sạn Bắc Kinh, ông Widener nhìn vào sảnh khách sạn tối tăm và thấy một sinh viên đại học người nước ngoài. Vì vậy, ông đến gần anh này và thì thầm, “Tôi đến từ hãng tin AP. Bạn có thể đưa tôi vào phòng của bạn được không?”.

Sau khi hiểu được ý định của ông Widener, du học sinh đó đã bí mật đưa ông vào phòng mình trên tầng sáu của Khách sạn Bắc Kinh. Ông Widener cho biết, sinh viên đại học đó tên là Kirk Martsen, khi ấy đang là một sinh viên trao đổi từ Mỹ sang Trung Quốc.

Ông Widener đặt máy ảnh trên ban công bên ngoài phòng khách sạn và bắt đầu chụp. Ông cũng nhìn thấy một số phóng viên nước ngoài khác đã lẻn vào được khách sạn. Thỉnh thoảng, ông Widener nghe thấy tiếng chuông trên phố Trường An, đó là tiếng chuông báo hiệu xe vận chuyển thi thể hoặc người bị thương, đồng thời ông cũng nhìn thấy xe tăng ra vào Quảng trường Thiên An Môn.

Đột nhiên, các phóng viên nước ngoài xôn xao, thì ra có một thanh niên Trung Quốc gầy gò mặc áo sơ mi trắng xuất hiện trên phố Trường An, trong tay đang cầm chiếc túi mua sắm. Anh này đứng một mình trước đoàn xe tăng và vẫy chiếc túi nhằm ngăn đoàn xe tiến về phía trước.

Những người lính trên xe tăng bắn về phía người đàn ông này nhưng người đàn ông vẫn bất động. Xe tăng buộc phải dừng lại và cố gắng đi vòng qua người đàn ông nhưng người đàn ông này cũng di chuyển theo xe tăng và chặn đường tiến của đoàn xe tăng. Anh này thậm chí còn trèo lên chiếc xe tăng dẫn đầu và nói chuyện với những người lính ở bên trong.

Ông Widener, người chứng kiến ​​​​quá trình này, đã bấm nút chụp. “Một tấm, hai tấm, ba tấm… rồi có người tiến tới tóm lấy người đàn ông đó chạy đi”, ông kể lại.

Sinh viên nước ngoài giúp gửi âm bản
Sau khi chụp được bức ảnh “Tank Man”, ông Widener đã gọi điện thoại cho ông Lưu Hương Thành. Ông Lưu nói rằng hãy nhờ sinh viên nước ngoài giúp gửi âm bản về văn phòng của AP, còn ông Widener hãy tiếp tục ở lại khách sạn và chụp ảnh.

Về sau, ông Lưu Hương Thành kể lại rằng, khoảng 45 phút sau cuộc gọi với ông Widener, một sinh viên Mỹ mang ba lô đã xuất hiện trong văn phòng với một phong bì có in chữ Associated Press. Họ ngay lập tức bắt đầu tráng phim và gửi ảnh đi.

Khi đó, có không ít phương tiện truyền thông đã chụp được bức ảnh “Tank Man”, nhưng bức ảnh do ông Widener chụp lại được sử dụng rộng rãi và đăng trên trang nhất của các phương tiện truyền thông chính thống lớn trên thế giới. Bức ảnh này cũng được đề cử giải Pulitzer (giải thưởng danh giá nhất về báo chí ở Mỹ). Đến sáng ngày hôm sau (6/6/1989), ông Widener mới biết được rằng bức ảnh này đã gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới.

Ông Widener nói rằng, cho đến hôm nay, vẫn không ai biết “Tank Man” là ai, cũng không ai biết tung tích của anh này, nhưng anh là biểu tượng mạnh mẽ nhất của “cá nhân chống lại cường quyền của nhà nước”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới