Friday, September 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam đã có đối sách chống lại tác chiến UAV?

Việt Nam đã có đối sách chống lại tác chiến UAV?

UAV là thứ bắt đầu cho kỷ nguyên tự động hóa, cho công việc hủy diệt lẫn nhau của nhân loại. Kể từ đầu thế kỷ 21 cho tới nay, chúng đang chứng minh được đây là một loại vũ khí hỗ trợ bộ binh vô cùng hiệu quả và đáng gờm; từ chinh phạt đến hỗ trợ hỏa lực, chỉ thị mục tiêu và quan trọng nhất là chúng không biết sợ hãi.

Vậy nhưng, quy luật của chiến tranh nhân loại thì luôn phát triển theo mô hình mâu và thuẫn. Sự ra đời của UAV đã dẫn tới sự ra đời của các loại vũ khí khắc chế ngự và phương pháp chống lại chúng. Từ các cường quốc cho tới những quốc gia không có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, tất cả đều có đối sách cho mình. Vậy còn Việt Nam thì sao? Chúng ta đã có bài toán chống UAV cho mình chưa?

Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu rằng UAV hoạt động như thế nào? từ đó mới có phương pháp để khắc chế chúng. Hiểu đơn giản UAV là tên chỉ chung cho các loại máy bay hoạt động mà không có sự xuất hiện của con người ở buồng lái, hoạt động một cách tự lập và chúng thường được điều khiển từ xa bởi trung tâm hay máy điều khiển cầm tay.

Những UAV đầu tiên được phát triển và hoàn thiện là vào những năm 1950 và lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc chiến tại Việt Nam nhằm do thám và cung cấp thông tin tình báo về lực lượng phòng không Bắc Việt cho quân đội Mỹ. Tuy nhiên, do là thế hệ đầu nên chúng còn khá nhiều hạn chế. Chúng được lập trình bay và hạ cánh ở một vị trí an toàn nhất định, sau đó thì sẽ có người tới thu chúng về và trích xuất dữ liệu. Đó là buổi bình minh của UAV.

Trải qua nhiều năm và nhiều bước đột phá về công nghệ, UAV giờ đây đang trở thành một thứ vũ khí phổ biến với tần suất sử dụng đặc biệt trên chiến trường. Từ Ukraine đến Trung Đông, Châu Phi và thậm chí là ngay tại Myanmar, phe phiến quân nổi dậy và những băng đảng buôn bán chất cấm cũng sử dụng UAV hay drone để tập kích các đơn vị quân đội chính quy. Tuy nhiên, dù phát triển và hiện đại là vậy, nhưng đã hơn 70 năm trôi qua, chúng vẫn giữ nguyên một phương thức điều khiển và hoạt động. Các UAV hoặc drone hiện nay được điều khiển bằng con người ở dưới mặt đất với bộ điều khiển cầm tay hoặc trạm điều khiển cỡ lớn đặt cố định. Nếu UAV bay vượt quá tầm của tín hiệu điều khiển thì nó sẽ rơi xuống đất hoặc trong trường hợp bị chế áp điện tử, các phương tiện này sẽ bị mất điều khiển và rơi hoặc bay treo cho tới khi hết pin.

Về bản chất thì đó là quá trình truyền tín hiệu từ mặt đất lên bầu trời. Các trạm điều khiển có thể có công suất mạnh hơn với tần số khó đoán hơn. Thế nhưng, tất cả đều phải phát sóng tín hiệu và đây chính là điểm mấu chốt để các kỹ sư phát triển vũ khí khắc chế lại UAV.

Dựa vào những gì đã diễn ra trên chiến trường, có hai cách để chống lại UAV: chế áp cứng và chế áp mềm. Còn về hệ thống chống UAV thì nó có bốn loại đó là dùng tên lửa, radar, UAV và laser. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Nga và Mỹ là có hệ thống laser chống UAV và vẫn còn đang trong thời gian thử nghiệm nên radar và tên lửa vẫn là phương án phổ biến nhất.

Nói qua một chút, chế áp cứng là sử dụng các biện pháp hành động nhằm cản trở, gây khó khăn và tiến hành phá hủy một phần hoặc là phá hủy hoàn toàn phương tiện điện tử của đối phương bằng hỏa lực, ví dụ như là dùng tên lửa, chống bức xạ , dùng pháo hoặc là cho quân đội đột nhập phá hủy. Còn chế áp mềm là sử dụng năng lượng điện từ trường được phát xạ hoặc phản xạ hay là sao chép lại đánh lừa điện tử để ngăn cản, gây khó khăn hoặc là loại trừ hoặc là làm giảm hiệu quả hoạt động của các phương tiện điện tử đối phương, ví dụ như là gây nhiễu hoặc là tạo mục tiêu giả… Nói thì dễ thế nhưng chiến trường nó khốc liệt hơn thế rất nhiều và có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra.

Chế áp cứng, chỉ nói về vũ khí, chứ không đề cập tới việc là cử đặc công đánh phá. Hãy bắt đầu với vũ khí cầm tay của bộ binh. Nếu các bạn theo dõi cuộc chiến, thì sẽ thấy trong thời gian đầu, khi chưa nhận được sự viện trợ dồi dào của NATO về tên lửa vác vai, Ukraine đã sử dụng cả súng trường bộ binh để tấn công UAV của Nga. Về lý thuyết, điều này có thể làm được. Thế nhưng, hiệu quả thì khá thấp và dễ bị đối phương phản công.

Sẽ có nhiều người bảo là ngày xưa, lưới lửa phòng không của Việt Nam có dùng cả súng máy để hạ tiêm kích thì dùng súng trường hạ UAV là điều bình thường thôi. Vậy nhưng, nói như vậy là hiểu sai về lưới lửa phòng không năm xưa. Các đơn vị phòng không của Việt Nam thời đó, chủ yếu là phục kích và đón lõng những vị trí và đường bay mà máy bay Mỹ dễ đi qua. Mặt khác, trong thời chiến, Việt Nam có một lực lượng radar cảnh giới có quy mô khá là hùng hậu. Vậy nên, có thể phát hiện được máy bay của Mỹ từ hàng chục, thậm chí là từ hàng trăm km để các đơn vị có thời gian chuẩn bị, chứ không phải là kiểu dương súng bắn bừa đâu. Vậy nên, dùng tên lửa phòng không vác vai được xem là cách chế áp cứng các UAV hiệu quả nhất.

Về lực lượng này, Việt Nam có một lực lượng khá là hùng hậu, từ cá nhân đến tổ hợp tự hành. Quay trở lại với năm 1972, lần đầu tiên, A72 hay là STRELA-2 được Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng trong Chiến dịch Xuân Hè. Trong lần đầu tiên ra mắt, nó đã gieo sầu cho lực lượng không quân Mỹ và Trực thăng của Việt Nam Cộng hòa. Theo tập “Quân Sử Không quân Việt Nam Cộng hòa”, trang 176 có đoạn xác nhận, chỉ riêng hai trận là Kontum và A Lộc, không lực Việt Nam Cộng hòa đã mất tới 70% lực lượng tham chiến, trong đó có 63 chiếc UH-1 bị rơi và 391 chiếc khác bị trúng đạn, hư hại nặng, chủ yếu là do tên lửa vác vai STRELA-2 hay còn gọi là A72.

Thậm chí, ngay cả hiện tại, vào năm 2022, Ukraine đã dùng chính STRELA -2 bắn hạ hai trực thăng MI-24 của Nga. Trong chế áp cứng đây là loại vũ khí rẻ tiền và hiệu quả nhất mà hai bên có thể sử dụng. Giá của một UAV trinh sát loại rẻ nhất như là Orlan-10 của Nga cũng có giá từ 80 tới 120 nghìn đô. Còn những loại to lớn, điều khiển bằng trạm điều khiển như là Bayraktar TB2 từng làm mưa làm gió trong đầu cuộc chiến thì có giá tới 2 triệu đô một chiếc. Trong khi đó, tính theo giá lạm phát hiện này, một quả STRELA-2 cũng chỉ có giá là chưa tới 10.000 đô.

Nếu các bạn cho rằng STRELA2 đã cũ, thì Việt Nam cũng có hàng mới luôn. Việt Nam hiện nay đang sử dụng tổ hợp 9K-38 IGLA, tên lửa phòng không vác vai kế thừa STRELA-2. Thế nhưng, phiên bản của Việt Nam trước đây vẫn còn khá nhiều điều chưa được tiết lộ, khi mà IGLA có tới 8 phiên bản khác nhau, lần lượt ra đời từ năm 1983 cho tới nay.

Gần đây, trong số ra đầu năm 2024 của tạp chí “Khoa học Giáo dục Phòng không Không quân”, mới tiết lộ rằng tổ hợp Việt Nam sử dụng là IGLA-1M. Và điều đặc biệt nhất, chúng được gọi là A87, là vì chúng được Việt Nam nhập khẩu dây chuyền sản xuất từ Ukraine. Đó là Ukraine, chứ không phải là Nga. Phiên bản của Ukraine được nâng cấp mạnh về khả năng chống nhiễu, bám bắt mục tiêu, tầm bắn được nâng từ 5 – 5,5 km và độ cao tác xạ vẫn đảm bảo ở mốc 3,5 km.

Trong cuộc chiến với quân Nga, Ukraine đã sử dụng IGLA-1M để bắn hạ KA52 thậm chí là bắn luôn cả tên lửa hành trình Caliber. Trước Nga, Mỹ và phương Tây cũng đã nhiều lần nếm mùi khổ sở của IGLA-1M tại chiến trường Trung Đông. Từ Mirage 2000 của Pháp, F16, SC130 của Mỹ và AV8 của Anh đều đã nhiều lần tan tác tại Trung Đông, đặc biệt là do lực lượng Taliban tại Afghanistan thực hiện. Với giá thành được đánh giá là khá rẻ trên mặt bằng chung, khi giá của chúng chỉ rơi vào khoảng 60.000 đô trên một tổ hợp đã bao gồm cả đạn. Các tổ chiến đấu thường chỉ cần từ hai tới ba người, cơ động phục kích.

Tất nhiên, nói thì dễ nhưng khi ra chiến trường thì lại phụ thuộc vào kỹ năng của người sử dụng. Lúc mà STRELA-2 mới ra đời, Liên Xô cũng từng xem nó là một thất bại. Thế mà vào tay quân đội Việt Nam, không ai ngờ nó lại hiệu quả như vậy. Hay nói đúng hơn, đó là “thắng bại tại kỹ năng”.

Ngoài các loại tên lửa vác vai, Việt Nam cũng có cả phiên bản tự hành 9K35 Strela-10M. Chưa rõ ràng số lượng Việt Nam có là bao nhiêu, tổ hợp này được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 1984-1988.

Nếu các bạn thắc mắc rằng tại sao toàn thấy tên lửa vác vai ra đời từ những năm 70-80 vậy thì Stinger, một loại khét tiếng của Mỹ, cũng ra đời từ năm 1978 và phiên bản nâng cấp mới đây của nó cũng đã ra đời từ năm 1991. Cho tới nay, Hoa Kỳ đã nghiên cứu ra được loại nào tốt hơn chúng đâu? Tại Ukraine hay Trung Đông, chúng vẫn cứ nổ ầm ầm thế thôi.

Ngoài 9K35, Việt Nam cũng tích hợp cả Igla-1M lên pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4M. Theo đó, tổ hợp này được nâng cấp hệ thống điều khiển và hai khối giá phóng Strela-23 mang bốn ống đạn phòng không vác vai kiểu Igla. Hiện nay chưa rõ số lượng Việt Nam có là bao nhiêu. Như vậy thì ta có thể thấy rằng trong trang bị cá nhân cho người lính chống UAV, Việt Nam có khá nhiều phương án và làm chủ khả năng sản xuất tự lực trong nước từ cách đây ít nhất 25 năm.

Còn trong trường hợp UAV tấn công tự sát và bạn thì không muốn tiết lộ vị trí cho đối phương, thì chế áp mềm sẽ là giải pháp hữu hiệu. Hiểu đơn giản, đó là việc sử dụng các tổ hợp radar hoặc vũ khí chống UAV chuyên dụng để chặn tín hiệu của chúng. UAV được điều khiển ở dưới đất qua bộ điều khiển cầm tay hoặc là trạm điều khiển cỡ lớn. Bản chất của nó là quá trình truyền tín hiệu từ mặt đất lên thiết bị, vẫn là từ thời Chiến tranh Việt Nam, vậy nên việc gây nhiễu, chiếm quyền điều khiển là hoàn toàn khả thi. Nếu không muốn nói để chống UAV tự sát thì đây là cách hiệu quả và rẻ tiền nhất đã được chứng minh.

Lưu ý ở đây, sẽ không nói tới lồng sắt được bọc trên xe tăng để phòng thủ bị động mà nói tới cách chủ động để làm tê liệt chúng. Đây gọi là tác chiến điện tử, cũng giống như chế áp cứng bằng tên lửa, chế áp mềm cũng cần có thiết bị đầy đủ từ cá nhân bộ binh đến tổ hợp tự hành. Các bạn chỉ cần hiểu rằng Việt Nam đã đề phòng đến trường hợp này từ rất sớm, năm 1992, Việt Nam đã thành lập một đơn vị tác chiến điện tử. Trước khi gặp cuộc chiến tranh Nga và Ukraina nổ ra, Việt Nam đã nghiên cứu rất kỹ các cuộc chiến trong các chiến dịch tự do bền vững của Mỹ về cách mà họ sử dụng UAV, từ đó vạch ra hướng phát triển và tự lực quốc phòng.

Hiện nay, từ tên lửa phòng không vác vai cho tới các tổ hợp chế áp điện tử của Việt Nam, chúng ta đều đi trên con đường tự chủ và câu chuyện 100% Made in Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Từ năm 2010 – 2021, cán bộ nhân viên của đơn vị đã nghiên cứu, sản xuất, nhập khoa kỹ thuật của ngành được hơn 300 chủng loại vật tư, cơ bản là đáp ứng được yêu cầu bảo đảm kỹ thuật trang bị khí tài cho tác chiến điện tử, tiết kiệm đáng kể kinh phí sửa chữa, phục hồi và đưa vào sử dụng hầu hết các chủng loại khí tài tác chiến điện tử thế hệ cũ và từng bước làm chủ khả năng khắc phục hỏng hóc và sửa chữa trang thiết bị khí tài tác chiến điện tử thế hệ mới. Đặc biệt là Viettel, các thiết bị của họ trải dài từ bảo vệ điện tử đến trinh sát, chế áp điện tử.

Trước tần suất sử dụng UAV lên tới hàng nghìn, hàng trăm chiếc một ngày như tại Ukraina chẳng hạn. Chính vì vậy, các vũ khí chống UAV cầm tay trang bị cá nhân cho bộ binh cũng được phát triển. Đặc điểm của các loại vũ khí này đó là nó nhỏ gọn, cơ động, rẻ tiền và dễ sử dụng.

Cần lưu ý rằng phần lớn các loại UAV drone hiện nay được điều khiển bằng con người ở mặt đất với bộ điều khiển cầm tay hoặc trạm điều khiển cỡ lớn đặt cố định. Nếu UAV bay vượt quá tầm của tín hiệu điều khiển, nó sẽ rơi xuống đất, hoặc là trong trường hợp bị chế áp điện tử, thì các phương tiện này sẽ bị mất điều khiển và rơi hoặc bay treo cho đến khi hết pin. Để những người lính không trở thành nạn nhân của drone hay UAV cỡ nhỏ, quân đội các nước đã đưa vào trang bị súng chống UAV cầm tay.

Súng chống UAV cầm tay là một thiết bị cầm tay tương đối nhỏ. Nó phát ra tín hiệu làm xáo trộn tín hiệu điều hướng và chỉ huy của máy bay không người lái đối phương, thường buộc UAV bị nhắm mục tiêu phải hạ cánh. Vũ khí này về cơ bản hoạt động giống như súng trường. Nhưng thay vì bắn đạn, chúng sẽ phóng ra các xung điện tử. Loại súng này yêu cầu người sử dụng phải có tầm nhìn tới mục tiêu. Chắc hẳn là các bạn hay dùng TikTok hoặc là Facebook sẽ không khó để thấy được lực lượng chức năng sử dụng các loại vũ khí này để vô hiệu hóa drone, khiến chúng bị bay treo và người điều khiển bị mất quyền kiểm soát.

Ví dụ như là loại CA-188GL được Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu chế tạo, được thử nghiệm và đưa vào trang bị từ năm 2021. Điểm nổi bật của thiết bị chế áp Flycam CA-18GL so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài chính là tính năng giả lập vùng cấm bay nhân tạo bằng cách giả tín hiệu GPS nhằm đánh lừa thiết bị định vị và dẫn đường trên Flycam. Với tính năng vượt trội này, thiết bị chế áp Flycam CA-18GL có thể tạo ra vùng cấm bay nhân tạo để bảo vệ các mục tiêu. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã ứng dụng công nghệ vô tuyến cấu hình mềm, có thể cập nhật và thay đổi bằng phần mềm của hệ thống. Vì vậy, việc làm chủ công nghệ và mã nguồn của thiết bị chế áp Flycam CA-18GL sẽ được cập nhật liên tục để đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ mới, hay khi các công nghệ sản xuất Flycam có thay đổi.

Tuy nhiên, đó thì mới chỉ là trang bị cá nhân. Còn trong trường hợp muốn phong tỏa một khu vực rộng lớn cần bảo vệ như là tòa nhà hay một khu căn cứ, chúng ta phải cần một thứ to lớn hơn một chút, đó chính là động lực để cho ra đời GN-481. Chúng được thiết kế để chép điện tử, gây nhiễu các máy thu vô tuyến điện. Chúng có khả năng gây nhiễu hệ thống định vị vệ tinh, với sóng di động 2G, 3G, 4G, gây nhiễu sóng Wi-Fi. Khí tài này có kích thước khá nhỏ, chỉ nặng 25kg, cho nên có thể bố trí trên các tòa nhà mục tiêu cần bảo vệ.

Đây là những thông tin công khai một số khí tài được Quân đội cho phép công khai. Còn những thứ còn lại chỉ có cái tên rất khó tìm ra tham số của chúng, bởi các nhà sản xuất tổ hợp tác chiến điện tử thường mô tả khá sơ sài hoặc không nói gì về chúng, nhằm đảm bảo tính bí mật từ A – Z cho các khách hàng đặt mua các tổ hợp như vậy.

Như vậy, ta có thể thấy rằng từ lâu, Việt Nam đã xem UAV là một mối đe dọa nguy hiểm và luôn đi tắt đón đầu để tìm cách vừa phát triển UAV, vừa phát triển lực lượng chống lại chúng. Còn một số người bảo là giờ người ta dùng vệ tinh trinh sát rồi mà Việt Nam vẫn còn dùng rada. Xin hỏi, người ta là ai khi mới chỉ có Nga, Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên và Ấn Độ là phát triển được vệ tinh gián điệp? Nếu so Việt Nam với mấy ông ấy thì còn hơn 150 ông khác thì sao? Kiêu ngạo là một sai lầm. Nhưng tự ti, thiếu quyết đoán còn là một sai lầm lớn hơn.

Không hiểu tại sao một số người nhìn vào các nước khác như là Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản phát triển một khẩu súng trường thôi thì khen nấy khen để. Còn Việt Nam, từ cái nhỏ nhất là súng bộ binh cho tới to lớn như tên lửa, phải vạch lá tìm sâu, phải tìm bằng được cái để chê mới vừa lòng. Thậm chí, Việt Nam còn đang cố gắng làm chủ linh kiện ở trong nước, còn nước họ chỉ nhập về rồi lắp ráp, vậy mà vẫn chê, thật là không thể hiểu nổi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới