Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPhác họa nhanh về lực lượng chấp pháp biển Việt Nam

Phác họa nhanh về lực lượng chấp pháp biển Việt Nam

Không tàu to cũng chẳng súng lớn, họ không mang trong mình sức mạnh hủy diệt như những hạm đội hải quân hùng mạnh. Thế nhưng, sự hiện diện của họ là lời khẳng định đanh thép cho chủ quyền đất nước và là câu trả lời cho bất kỳ hành động nào xâm phạm tới chủ quyền của đất nước.

Lực lượng chấp pháp Việt Nam trên Biển Đông kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo.

Chúng tôi, đang nói tới lực lượng chấp pháp trên biển – lực lượng quan trọng với bất kỳ một quốc gia nào có lợi ích sống còn trên biển. Việt Nam đương nhiên cũng không phải ngoại lệ. Không những vậy, lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam còn là đòn đánh vừa thấm nhưng cũng vừa thâm trước một đối thủ luôn khoác cái áo “hữu nghị, hợp tác”.

Lấy độc trị độc

Trước khi đến Việt Nam, hãy nói về Philippines. Ngày 8/4/2012, Philippines phát hiện một số tàu cá của Trung Quốc tại Bãi Cạn Scarborough cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Philippines đã làm một hành động “dại dột”. Đó là điều tàu hải quân vào khu vực tranh chấp, chỉ chờ có như vậy Trung Quốc đã mở cờ trong bụng, lập tức điều các tàu chấp pháp và hải quân cỡ lớn của họ áp sát và bao vây ngược nhóm tàu của Philippines.

Philippines không những không đòi được đảo mà còn bị đánh một đòn mạnh vào kinh tế. Trung Quốc đã hủy các chuyến du lịch và kiểm soát chặt chẽ với mặt hàng xuất khẩu, nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Philippines. Để rồi, chính Manila đã phải bác bỏ chiến thắng của mình, chấp nhận mất đảo vào tay của Trung Quốc. Còn đồng minh thân thiết là Mỹ thì chẳng làm gì, ngoài việc lên tiếng quan ngại, dù khi đó họ thậm chí còn có ba căn cứ quân sự tại đây cũng như hiệp ước phòng thủ chung giấy trắng mực đen.

Đây được gọi là chiến thuật vùng xám, một nước đi có thể xem là vừa hiệu quả vừa thâm độc của Trung Quốc, biến cái không phải của mình thành cái tranh chấp, rồi biến thành cái của mình mà không cần phải gây chiến. Hiểu đơn giản, một cuộc cướp đảo hiện đại của Trung Quốc sẽ diễn ra như sau. Về lực lượng, sẽ có ba thành phần chính, đó là tàu cá và dân quân biển đi đầu, cảnh sát biển và kiểm ngư đi đằng sau và cuối cùng sẽ là lực lượng hải quân.

Quy trình sẽ diễn ra như sau: các tàu cá và dân quân biển sẽ tiến vào những vùng đang tranh chấp, khiêu khích… phải làm thế nào để dụ được lực lượng Hải Quân của đối phương lao ra. Ngay lập tức, các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển cũng sẽ lao tới, vừa để cứu các tàu cá, đồng thời cũng lu loa lên rằng các anh đang làm leo thang tình hình căng thẳng. Ngay sau đó thì lực lượng hải quân sẽ xuất hiện, bảo vệ toàn bộ khu vực tranh chấp, tới đây đảo sẽ chính thức về tay của Trung Quốc. Đây chính là điều họ đã làm để cướp bãi cạn Scarborough của Philippines. Cũng cần phải nhắc thêm trong phi vụ này, đó là Hoa Kỳ đã có một hành vi thầy dùi, cống luôn bãi cạn này cho Trung Quốc.

Theo đó, đầu tháng 6/2012, Philippines và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận sau sự trung gian hòa giải của Mỹ, khi cả hai bên đều quyết định cùng rút tàu của mình ra khỏi vùng tranh chấp. Thế nhưng, ngay sau đó, Trung Quốc lập tức lật lọng, cho tàu trở lại vùng tranh chấp và lần này thì họ giăng dây làm chỗ đồn trú lâu dài luôn.

Đó là một bài học mà Philippines để lại cho tất cả các quốc gia khác đang có tranh chấp, đó là phải giữ được cái đầu lạnh. Thế rồi, chỉ hai năm sau ngày mùng 2/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đi theo đó là các tàu hải cảnh, tàu cá vũ trang hộ tống và đi sau cùng là các tàu hải quân chỉ chờ Việt Nam đưa tàu chiến vào như Philippines. Thế nhưng, Việt Nam khác với Philippines đã đưa các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư chứ không phải tàu hải quân ra ngăn chặn không cho Trung Quốc thăm dò dầu khí.

Các tàu của Việt Nam có kích thước nhỏ lại liên tục bị các tàu hải cảnh phía Trung Quốc to hơn xịt vòi rồng, thậm chí là đâm húc. Thế nhưng, các tàu Việt Nam lợi dụng sức cơ động cao liên tục vọt lên né tránh và chống trả quyết liệt. Đỉnh điểm là khi một tàu TT 400 của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc lao thẳng vào mũi. Thế nhưng, hàng “Made in China” lại là tàu bị gãy toác ở mũi và chết máy ngay tại chỗ, còn tàu Việt Nam thì vẫn chiến tiếp.

Cùng với đó, Việt Nam đã lùi một bước để tiến hai bước khi quay chụp lại hình ảnh tàu Trung Quốc đâm húc và đưa ra cho toàn thế giới thấy, kết hợp với đấu tranh ngoại giao gây sức ép và buộc Trung Quốc phải rút về nước. Sau đó, Trung Quốc đã đành phải rút đi. Tuy nhiên, lần đụng độ đó mới chỉ là khởi đầu cho hàng loạt các vụ về sau. Chính vì vậy, kể từ năm 2014 trở đi, các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đã có một cuộc cải tổ và lọc máu trang bị cực kỳ mạnh. Đây chính là cách lấy độc trị độc của Việt Nam.

Lột xác đội hình

Đầu tiên trong các lực lượng chấp pháp biển của Việt Nam, kiểm ngư và cảnh sát biển được xem là xương sống. Kể từ năm 2018 thì có thêm một lực lượng nữa được gọi là dân quân biển. Cuộc đụng độ năm 2014 đã để lại cho Việt Nam nhiều bài học quý giá từ kinh nghiệm đụng độ đến kinh nghiệm đóng các lớp tàu tiếp theo cho lực lượng này. Nếu ta nhìn vào tốc độ đóng tàu cho ba lực lượng này của Việt Nam có thể thấy rằng hiện nay không một quốc gia Đông Nam Á nào có lực lượng và tiềm lực hùng hậu như Việt Nam từ chất lượng tới số lượng.

Hãy bắt đầu với cảnh sát biển. Từ vốn liếng ban đầu là bốn tàu phóng lôi hạ cấp được hải quân chuyển giao cho tới trước năm 2014, các tàu cảnh sát biển chỉ có lượng giãn nước từ 100 tới 400 tấn với số lượng ít ỏi chỉ khoảng 20 chiếc. Tính đến năm 2019, lực lượng này đã lên tới hơn 60 tàu các loại trong đó đa phần là các loại tàu có lượng giãn nước trên 1000 tấn.

Kiểm ngư là lực lượng mới chỉ vừa được thành lập vào năm 2013, cuộc đụng độ HD981 là cuộc ra quân đầu tiên của lực lượng này. Khi mới thành lập, nó chỉ có 10 tàu tuần tra nhưng 7 năm sau con số này đã lên tới 120 tàu các loại trong đó xương sống là các tàu KN 750 có lượng giãn nước là 800 tấn. Nếu tính toán đơn giản, mỗi năm lực lượng này được trang bị thêm 15 tàu. Xin lưu ý là kể từ sau năm 2019, các thông tin về việc bổ sung tàu mới cho lực lượng này rất hạn chế cho nên con số mình đưa ra cũng chỉ là tham khảo, còn con số hiện tại thì chịu.

Cuối cùng là lực lượng dân quân biển. Xin lưu ý, dân quân tự vệ biển và tàu cá vũ trang là hai đơn vị khác nhau. Dân quân tự vệ biển thuộc lực lượng chấp pháp trên biển còn tàu cá vũ trang thuộc hải quân. Thực tế từ năm 2009, Việt Nam đã đưa vào thử nghiệm mô hình dân quân tự vệ biển. Tuy nhiên, nhiệm vụ của những đơn vị này chỉ là tuần tra tại các âu tàu và những khu vực ven bờ. Thế nhưng, theo tình hình diễn biến phức tạp từ cuối năm 2019, dân quân tự vệ biển đã được đầu tư mở rộng thành những đội có khả năng đi biển dài ngày đồng hành với hai lực lượng ở trên.

Sở dĩ Việt Nam có thể trang bị nhanh và chất lượng hơn là do đa số các tàu này đều do Việt Nam tự thiết kế và đóng trong nước. Ví dụ như tàu lớp KN-750 được thiết kế bởi Công ty Cổ phần Kỹ thuật đóng tàu Việt Nam, công việc chế tạo là do các nhà máy Ba Son, Hồng Hà, X51, X55 thi công trong vòng 3 năm từ 2014 – 2017, đã có 50 tàu được bàn giao.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có quan hệ tốt với tập đoàn Damen của Hà Lan, khi tàu DN-200 chính là dựa trên thiết kế của tàu lớp OPV-9014, Việt Nam đã đóng trong nước tám chiếc loại này, bốn cho Cảnh Sát Biển và bốn cho Kiểm Ngư. Hiện nay, 90% trang bị cho các lực lượng chấp pháp biển đều do Việt Nam tự đóng, việc này có rất nhiều thuận lợi trong khi các quốc gia khác phải đi mua với số lượng hạn chế, nhỏ giọt. Còn chưa kể tới cảnh kẻ đến trước, người tới sau thì chúng ta có thể làm bao nhiêu tùy thích. Chưa kể các xưởng đóng tàu của Việt Nam đều có sự hợp tác chặt chẽ với Hà Lan, cho nên quy mô và công nghệ đều rất tốt.

Mặt khác, việc tự chủ cũng cho phép Việt Nam tùy cơ ứng biến với tình hình mới. Ví dụ như các tàu TK-14482-C và KN-750 vốn được thiết kế trang bị cho lực lượng Kiểm Ngư, nhưng đã được thay đổi một số thiết kế để trang bị thêm một cần cẩu trục ròng rọc ở phía trước boong tàu. Cùng với đó là các ngư cụ như lưới, hầm lạnh nhưng vẫn được giữ nguyên trang bị súng máy 14 ly 5 và đương nhiên là một thứ không thể thiếu đó là Vòi Rồng. Sau đó, chúng ta đã có một lớp tàu mới cho dân quân biển.

Chính vì vậy, không khó hiểu khi số lượng trang bị của lực lượng chấp pháp biển tăng như tốc độ tăng dân số vậy. Tuy nhiên, số lượng này vẫn là chưa đủ. Nếu nghe qua, số lượng tàu chấp pháp của Việt Nam có đến hơn 200 chiếc, nhưng so với vùng biển có diện tích lên tới 1 triệu km2 thì không khác nào những hạt cát trên biển, không thể ngăn chặn hết hoạt động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, Indonesia hay Malaysia. Thế nên đừng hỏi tại sao mà tàu Việt Nam bị đâm mà không thấy chấp pháp biển đâu rồi, lại ca bài ca ngư dân bám biển, hải quân bám bờ. Xin thưa, là có biết biển nó to như thế nào không?

Chính vì vậy phải giữ được cái đầu lạnh, tránh để lòng yêu nước bị lợi dụng. Kẻ tự xưng là mạnh thứ tư thế giới nào đó còn hai tay dâng đảo cho kẻ thù cơ mà, đến cả quyền nổ súng cũng chẳng có, lại còn đi dạy người khác bảo vệ chủ quyền, nghe có người ngược đời không?

Đương nhiên là không chỉ có người Việt Nam quan tâm tới tình hình này mà các lực lượng khác có tranh chấp với Trung Quốc như Malaysia hay Indonesia cũng quan tâm không kém. Với đầu tư và trang bị như vậy, Việt Nam đã hái được những quả ngọt đầu tiên qua những cuộc đụng độ tiếp theo được chính đối thủ ghi nhận. Không chỉ Trung Quốc, Việt Nam cũng thường xuyên phải đề phòng với những kẻ cắn trộm phía sau, không ai khác ngoài Indonesia và Malaysia.

Có thể thấy rằng Việt Nam đã có bước tiến khá dài trên con đường hiện đại hóa lực lượng nhưng nó vẫn chưa phải là sự kết thúc, nhắc tới lực lượng chấp pháp biển sẽ có nhiều người nhắc tới vụ trảm 9 tướng năm 2022 vì bảo kê buôn lậu dầu. Tuy nhiên, việc nào ra việc đó, không thể vì một số cá nhân mà phủ nhận công sức của hàng trăm ngàn người suốt bao nhiêu năm vừa qua.

Chính vì vậy, hãy suy nghĩ và cân nhắc trước khi có những hành động nào nhắc tới họ, những người đã và đang làm tất cả để giữ lấy một phần máu thịt của Tổ quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới