Saturday, June 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTrùm bất động sản TQ Hứa Gia Ấn: Từ đỉnh cao tới...

Trùm bất động sản TQ Hứa Gia Ấn: Từ đỉnh cao tới sát mép vực thẳm

Từ một cậu bé mồ côi nghèo trở thành ông trùm bất động sản và người giàu nhất Trung Quốc…câu chuyện cuộc đời của Hứa Gia Ấn từng giúp ông trở thành biểu tượng về sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc.

Hứa Gia Ấn trên Chủ tịch đoàn Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc cùng với các nhà lãnh đạo cấp cao

Từ cậu bé mồ côi đến tỉ phú bất động sản
Hứa Gia Ấn sinh ra ở Hà Nam và được bà ngoại nuôi dưỡng ở một vùng quê nông thôn nghèo. Khi mới một tuổi, mẹ ông qua đời vì gia đình không đủ tiền chữa bệnh. Ông kể lại rằng bản thân đã đi bộ đến ngôi trường lợp tranh với những chiếc bánh hấp bị mốc meo do mùa hè ẩm ướt nên phải rửa sạch mốc trước khi ăn.

Hứa Gia Ấn khi còn nhỏ mong muốn trở thành thợ nề để có mức lương ổn định. “Khi đó tôi rất mong được người khác giúp đỡ, mong có việc làm, rất mong được rời khỏi quê, được ăn bánh mì trắng”, ông nói trong khi phát biểu năm 2018. Nhưng với việc khôi phục kỳ thi tuyển sinh đại học sau Cách mạng Văn hóa, ông được nhận vào Đại học Công nghệ Vũ Hán, sau đó làm việc trong một nhà máy thép quốc doanh trong 10 năm.

Năm 1996, Hứa Gia Ấn thành lập Công ty Evergrande ở thành phố Quảng Châu vào thời điểm chính phủ Trung Quốc đang cố gắng di chuyển hàng trăm triệu người từ nông thôn đến thành phố. Ông mua hàng trăm lô đất, hứa sẽ biến chúng thành các khu chung cư đô thị. Các tiện nghi của tầng lớp trung lưu – như giao thông công cộng thuận tiện và trường học tốt – đã thu hút rất nhiều người mua và nhà của Evergrande bán chạy hơn mọi nhà phát triển bất động sản khác.

Sau khi cổ phiếu của Evergrande được niêm yết vào năm 2009, Hứa Gia Ấn đã đầu tư lợi nhuận có được từ sự bùng nổ bất động sản vào các công ty khác không liên quan đến Evergrande.

Năm 2010, Evergrande mua lại Câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu hùng mạnh. Trong những năm chính phủ hô hào xây dựng Trung Quốc thành cường quốc bóng đá, Evergrande đã chi hàng tỉ USD cho việc mua các cầu thủ nước ngoài. Một số khoản đầu tư khác của Hứa Gia Ấn bao gồm phát triển xe điện và y học cổ truyền Trung Quốc, tất cả đều phù hợp với các ưu tiên của chính phủ. Công ty còn vung tiền thuê ngôi sao điện ảnh Thành Long làm người phát ngôn cho một công ty nước khoáng đóng chai.

Năm 2017, Hứa Gia Ấn đã vượt qua Jack Ma (Mã Vân), Poni Ma (Mã Hóa Đằng)…trở thành người giàu nhất Trung Quốc, Tập đoàn Evergrande cũng trở thành tập đoàn bất động sản lớn nhất toàn cầu, lọt vào top 500 công ty mạnh nhất thế giới.

Từ đỉnh cao rơi xuống đáy vực
Để thúc đẩy sự mở rộng mạnh mẽ của Evergrande trên khắp đất nước, công ty đã vay mượn rất nhiều. Evergrande vay tiền từ các ngân hàng và thậm chí cả nhân viên của mình. Cuối cùng, công ty đã vay nhiều hơn mức có thể trả.

Đến sau năm 2021, Evergrande bắt đầu chậm trả nợ. Giá cổ phiếu của công ty từng được xếp vào nhóm cổ phiếu tốt nhất trong nước đã lao dốc do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng trả nợ và hoàn thiện các dự án chung cư của công ty.

Người mua nhà ồ ạt xuống đường biểu tình. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhắc nhở Evergrande phải giải quyết vấn đề nợ nần. Công ty phải bán tháo một số tài sản của mình để huy động vốn.

Theo Hurun Report, công ty nghiên cứu theo dõi tài sản ở Trung Quốc, Hứa Gia Ấn từng có tài sản trị giá 43,8 tỉ USD. Đến năm 2023, tài sản của ông ước tính đã giảm xuống chỉ còn 3 tỉ USD.

Tháng 9/2023, Hứa Gia Ấn đột nhiên mất tích, trên mạng xuất hiện tin ông bị cảnh sát câu lưu để điều tra, tuy nhiên các quan chức Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố công khai về cuộc điều tra Hứa Gia Ấn. Evergrande bị đình chỉ giao dịch chứng khoán trong khi đàm phán với các chủ nợ.

Ngày 31/5/2024, Evergrande Real Estate, công ty kinh doanh bất động sản trong nước của Tập đoàn Evergrande Trung Quốc, đã bị trừng phạt vì làm sai lệch báo cáo tài chính.

Công ty và chủ tịch kiêm người kiểm soát thực tế là Hứa Gia Ấn đều bị trừng phạt nghiêm khắc. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã phạt Evergrande Real Estate 4,175 tỉ NDT, đồng thời phạt Hứa Gia Ấn 47 triệu NDT và cấm tham gia thị trường chứng khoán suốt đời.

Tôn Đức Thuận (Sun Deshun), cựu chủ tịch Ngân hàng CITIC Trung Quốc, người ủng hộ tài chính lớn nhất của Hứa Gia Ấn, đã bị kết án tử hình vì nhận hối lộ gần 1 tỉ USD. Cư dân mạng Trung Quốc tới tấp suy đoán rằng Hứa Gia Ấn có thể có kết cục giống như Tôn Đức Thuận.

Làm sai lệch báo cáo tài chính và bịa đặt doanh thu
Chiều 31/5, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc ra thông báo đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi gian lận phát hành trái phiếu và tiết lộ thông tin trái pháp luật của Evergrande Real Estate.

Thông báo cho biết, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc qua điều tra đã phát hiện, báo cáo thường niên năm 2019 và 2020 do Evergrande Real Estate công bố có số liệu sai sự thật.

Evergrande Real Estate phạm tội gian lận tài chính bằng cách xác nhận trước doanh thu, dẫn đến doanh thu tăng thêm 213,989 tỉ NDT năm 2019 và 350,157 tỉ NDT năm 2020, lần lượt chiếm 50,14% và 78,54% doanh thu công bố; lợi nhuận giả tạo tăng thêm 40,722 tỉ NDT năm 2019 và 51,289 tỉ NDT năm 2020; chiếm lần lượt 63,31% và 86,88% tổng lợi nhuận trong năm.

Sự gian lận của Evergrande Real Estate trong ngành nghiêm trọng đến mức nào? Tạp chí Caixin tiết lộ rằng lấy dữ liệu năm 2020 làm ví dụ, 5 công ty bất động sản có doanh thu cao nhất năm đó là China Evergrande, Country Garden, Greenland Holdings, Vanke và Poly Real Estate. Các công ty đạt doanh thu lần lượt là 507,248 tỉ, 462,856 tỉ, 456,1 tỉ, 419,112 tỉ và 243,2 tỉ NDT. Doanh thu bịa đặt của Evergrande là 350,157 tỉ, tương đương với việc bịa đặt doanh thu của cả công ty Poly Real Estate.

Theo thống kê của Caixin, Evergrande Real Estate đã viện dẫn số liệu trên để phát hành 5 đợt trái phiếu doanh nghiệp: “20 Evergrande 02”, “20 Evergrande 03”, “20 Evergrande 04”, “20 Evergrande 05” và “21 Evergrande 01”; tổng quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn này là 20,8 tỉ NDT, nghĩa là toàn bộ trái phiếu liên quan đã phát hành gian lận.

Ngoài Hứa Gia Ấn, 6 quan chức chủ quản cấp cao của Evergrande vào thời điểm đó là Hạ Hải Quân (Xia Haijun), Phan Đại Vinh (Pan Darong), Phan Hàn Linh (Pan Hanling), Kha Bằng (Ke Peng), Trần Lập Đào (Zhen Litao) và Tiền Trình (Qian Cheng), cũng bị phạt. Trong số đó, Hạ Hải Quân bị coi là có “thủ đoạn xấu xa, tình tiết nghiêm trọng, là người chịu trách nhiệm trực tiếp”.

Giống như Hứa Gia Ấn, ông ta bị cảnh cáo và cấm tham gia thị trường chứng khoán suốt đời và bị phạt 15 triệu NDT. Những người còn lại bị phạt từ 200.000 đến 9 triệu NDT.

Chủ nợ bị tuyên án tử hình, Hứa Gia Ấn có chịu chung số phận?
Khi các hình phạt liên quan ngày càng rõ ràng, cư dân mạng Trung Quốc suy đoán rằng số phận của Hứa Gia Ấn có thể sớm được định đoạt và không loại trừ khả năng ông có thể bị kết án tử hình, giống như chủ nợ lớn của ông là Tôn Đức Thuận.

Trước đó, Tôn Đức Thuận, cựu chủ tịch Ngân hàng CITIC Trung Quốc (Trung Tín Ngân hàng), được biết đến là người hỗ trợ tài chính lớn cho Hứa Gia Ấn, đã bị Tòa án Trung cấp Tế Nam, tỉnh Sơn Đông kết án tử hình công khai vào ngày 10/11/2023, hoãn thi hành 2 năm, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.

Tôn Đức Thuận bị cáo buộc từ năm 2003 đến năm 2019 đã lợi dụng các chức vụ phó chủ tịch Ngân hàng Công thương Trung Quốc Chi nhánh Bắc Kinh, Chủ tịch Ngân hàng Giao thông Chi nhánh Bắc Kinh, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Ngân hàng CITIC Trung Quốc…nhận tài sản trái phép tương đương 979,5 triệu NDT để giúp các công ty liên quan có được các khoản vay lớn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới