Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBí ẩn nguồn gốc dân tộc Kinh: sự thật lịch sử

Bí ẩn nguồn gốc dân tộc Kinh: sự thật lịch sử

Vấn đề nguồn gốc người Việt đã gây tranh cãi trong khoảng một thế kỷ nay. Bắt đầu từ thời điểm người Việt còn trong vòng lệ thuộc Pháp, đã có những thuyết về nguồn gốc người Việt được đưa ra. Từ đó tới nay, đã có nhiều giả thuyết dựa trên nhiều hướng nghiên cứu khác nhau được công bố. Tuy nhiên, bài viết được quan tâm nhiều nhất là của một học giả người Trung Quốc, tác giả Hoàng Thế Kiệt, năm 1968. Người dân tộc Hán là nghiên cứu viên Đại học Dân tộc Quảng Tây, thuộc nhóm giữ quan điểm cho rằng người Kinh Việt Nam có nguồn gốc là người Lạc Việt cổ ở Trung Quốc, là quan điểm đang được tranh cãi.

Người Kinh vùng Bắc Bộ, nam đội khăn xếp, nữ trùm khăn mỏ quạ.

Ngoài ra, do nhiều lý do, không ít người Trung Quốc hiện nay còn hiểu sai về lịch sử và con người Việt Nam. Vậy thực hư, bài báo nói gì về người Việt Nam, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Giới sử học Trung Quốc hiện nay đều tán thành nhận định, 8 dân tộc ở Trung Quốc thuộc ngữ tộc Tráng Đồng đều có nguồn gốc là tộc Bách Việt thời cổ, đều là hậu duệ của các dân tộc Âu Việt, Lạc Việt trong Bách Việt. Trong các tộc nói Tráng Đồng ngữ, giới học giả không đưa dân tộc Kinh Việt Nam, vốn thuộc ngữ tộc Tráng Đồng, vào phạm vi các dân tộc Tráng Đồng Ngữ. Nghe nói nguyên nhân là ngôn ngữ của người Kinh chịu ảnh hưởng lớn của Hán ngữ, cho nên các từ mượn Hán ngữ chiếm hơn một nửa số lượng từ vựng Tiếng Kinh. Ngoài ra, trong Tiếng Kinh còn có các từ ngữ Môn-Khơme và Indonesia, vì vậy giới Ngôn ngữ học vẫn tranh cãi mãi về nguồn gốc của Tiếng Kinh, cho tới nay vẫn chưa xác định nó thuộc ngữ hệ nào.

Về phía Việt Nam, do Tiếng Việt và ngữ tộc Môn-Khơ Me có nhiều từ đồng nguyên, cho nên đa số học giả Việt Nam chủ trương Tiếng Việt thuộc ngữ tộc Việt-Mường, ngữ hệ Nam Á. Hơn nữa, nhiều nhà Ngôn ngữ học trên thế giới cũng thiên về quan điểm cho rằng Tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á.

Nhưng tác giả bài viết này, Hoàng Thế Kiệt cho rằng, giới học giả không đưa dân tộc Kinh Việt Nam, vốn thuộc ngữ tộc Tráng Đồng, vào phạm vi các tộc Tráng Đồng Ngữ. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của các yếu tố chính trị khiến họ phải làm như vậy. Các học giả Trung Quốc Hà Nãi Hán, Phạm Dũng, Phan Hùng đều cho rằng Lạc Việt không thuộc cộng đồng Bách Việt và cũng không phải là tổ tiên của các dân tộc ở miền Nam Trung Quốc.

Thực ra, các ký chép trong thư tịch và điều tra dân tộc học hiện đại đều chứng minh dân tộc Kinh Việt Nam là hậu duệ của người Lạc Việt cổ. Theo lý lẽ, nên đưa dân tộc Kinh Việt Nam vào phạm vi các tộc người của Tráng Đồng Ngữ. Sách “Việt Sử Tùng Khảo” của Mông Văn Thông chứng minh thời xưa, dân cư sống ở hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân (tức Bắc phần Việt Nam), chủ yếu là người Lạc Việt. Các ký chép cũng cho biết dân ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đều là người Lạc Việt.

Như “Hán Thư” quyển 64, “Hạ Hán Thư” giả quyền chi truyện viết, dân bản địa là người Lạc Việt. Người Lạc Việt cha con cùng tắm chung một dòng suối, có thói quen uống nước bằng mũi, chẳng khác gì loài cầm thú, vốn không đáng lập quận huyện. Sau đời Hậu Hán, tên gọi Lạc Việt mất dần khỏi các thư tịch, thay bằng từ Lý.

Thời hiện đại, dân sống ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc, trên đất phía Trung Quốc là người Tráng, trên đất phía Việt Nam là các dân tộc thiểu số thuộc ngữ hệ Hán-Tạng, ngữ tộc Tày-Nùng, Thái. Phạm Hùng Quý căn cứ vào các thư tịch, cổ ngôn ngữ, gia phả, truyền thuyết và tình hình hôn nhân hiện nay, đi tới nhận xét dân tộc Tráng Trung Quốc có quan hệ anh chị em ruột với năm dân tộc ở Việt Nam: Tày, Nùng, La Chí, Pu Péo, Sán Chay. Các dân tộc Thái, Lự, Giáy, Bố Y, Lào có mối quan hệ anh chị em họ với dân tộc Tráng. Tiếng nói của họ gần với nhau, tập quán giống nhau, họ có mối quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân, có tín ngưỡng thần bảo hộ, qua đó có tình cảm nhận biết nhau.

Tóm lại, các dân tộc thuộc ngữ tộc Tráng Đồng hiện nay ở Việt Nam như Tày, Nùng, các tộc khác đều là người di cư tới Việt Nam, sớm nhất là người Nùng. Các tộc khác đến Việt Nam vào khoảng thế kỷ 17-18, họ từng là cùng một cộng đồng dân tộc. Hoàng Thế Kiệt cho rằng người Lạc Việt ban đầu sống ở Bắc Bộ Việt Nam, sau di chuyển về phía Nam giữa thế kỷ 19 đến điểm cực nam. Trong quá trình di chuyển, có pha trộn với những thành phần dân tộc khác, cuối cùng phát triển thành dân tộc Kinh. Năm 214 trước Công Nguyên, sau khi Bình Định Lĩnh Nam, Tần Thủy Hoàng lập Ba Quận: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng, lai lịch hai quận Nam Hải và Quế Lâm đều đã rõ ràng, riêng quận Tượng thì khá phức tạp.

Sách sử Mậu Lăng Thư chép; “Thủ phủ quận Tượng là Lâm Trần, cách Trường An 17500 dặm”. Lâm Trần là thị xã Sùng Tả, Quảng Tây ngày nay. Mậu Lăng Thư xác định thủ phủ quận trị, quận Tượng ở Sùng Tả. Không ít học giả coi tư liệu này là căn cứ sử liệu chủ yếu, qua đó cho rằng quận Tượng hoàn toàn nằm trong địa phận Trung Quốc.

Nhưng nhìn chung, về nguồn gốc người Việt được cho là di cư từ phía Bắc là giả thuyết có ảnh hưởng sâu rộng nhất về nguồn gốc người Việt. Nó được chia thành hai hướng diễn giải khác nhau: người Việt có nguồn gốc từ người di cư theo hướng Tây Tạng rồi xuống tới Việt Nam, hay người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thuyết người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng được bắt đầu xây dựng bởi học giả người Pháp là E.Aymonier.

Năm 1904 trong quyển “Le Cambodge” xuất bản tại Paris. Học giả người Pháp YE.Aymonier đề xuất giả thuyết: “Tổ tiên những người ngôn ngữ Môn-Khmer bắt nguồn từ những sườn núi phía Nam Tây Tạng, rồi di chuyển về phương Nam theo hai hướng: hướng Tây Nam sinh ra người Munda ở Ấn Độ, hướng Đông Nam sinh ra các tộc Môn-Khmer ở Đông Dương.” Đây là nguồn gốc của thuyết người Việt có nguồn gốc từ Tây Tạng, thuyết này sau đó đã ảnh hưởng nhiều tới học giả Pháp và Việt Nam, trong đó bao gồm các tác giả như L.Aurousseau, Bình Nguyên Lộc, Kim Định, Trần Trọng Kim.

Học giả Trần Trọng Kim trong tác phẩm “Việt Nam Sử Lược” của mình đã thể hiện một sự đồng thuận với thuyết nguồn gốc người Việt từ Tây Tạng của E.Aymonier. Cụ thể, ông viết trong sách của mình như sau: “Theo ý kiến những nhà nghiên cứu Pháp thì người Việt Nam và người Thái đều ở miền núi Tây Tạng xuống. Người Việt Nam theo Sông Hồng lần xuống phía Đông Nam, lập ra nước Việt Nam ta bây giờ. Còn người Thái theo Sông Mê Kông xuống, lập ra nước Tiêm La, tức là Thái Lan và nước Lào. Lại có nhiều người Tàu và người Việt Nam nói rằng nguyên khi xưa, đất nước Tàu có giống Tam miêu ở, sau có giống Hán tộc, tức là người Tàu bây giờ, ở phía Tây Bắc đến đánh đuổi người Tam miêu đi, chiếm giữ lấy vùng Sông Hoàng Hà, lập ra nước Tàu, rồi dần dần xuống miền Nam, người Tam Miêu phải lẩn vào rừng, hay là xuống ở miền Việt Nam ta bây giờ.”

Thuyết này còn ảnh hưởng tới cả Linh Mục sử gia Lương Kim Định, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt nổi tiếng. Ông đã nghiên cứu và đề xuất giả thuyết về nguồn gốc của người Việt theo hướng di cư từ phía Bắc xuống. Hướng nghiên cứu của ông đã lập ra một trường phái được gọi là phái Kim Định, thuyết của Linh Mục Kim Định được tóm tắt như sau: “Bách Việt hay Viêm Việt gồm các nhóm là: Âu Việt (Miến Điện, Thái và Lào), Miêu Việt (Mèo, Mán) và Lạc Việt (Việt Nam và Mường). Người Bách Việt tiến vào lục địa Đông Á từ phía Tây, dọc theo Sông Dương Tử, di cư lên phía Bắc tại vùng dồng bằng Hoàng Hà, rồi mở rộng xuống phía Nam. Bách Việt phát triển nông nghiệp lúa nước, tổ chức xã hội phát triển và quy củ, nền văn hóa có trình độ cao mà họ tạo nên được ông gọi là nền văn hóa Việt Nho. Sau đó, người Hoa từ phương Tây tới sau đã cưỡng đoạt đất đai của chủng Bách Việt, sát nhập nền văn hóa Việt Nho làm thành văn hóa Trung Hoa”.

Bình Nguyên Lộc cũng chịu ảnh hưởng của thuyết nguồn gốc từ Tây Tạng, nhưng ông có tiến bộ hơn các tác giả Trần Trọng Kim và Lương Kim Định, có sự khảo sát qua sọ người. Đây là một môn khoa học có độ chính xác khá cao. Ông đã kết hợp cả với ngôn ngữ và văn hóa để đề ra một thuyết mới khá thú vị về nguồn gốc của người Việt. Thuyết này có thể tóm tắt lại cơ bản như sau: Nhân loại có chủng gọi là chủng Mã Lai, có gốc ở vùng Himalaya. Khoảng 6000 năm trước, một bộ phận di cư qua Hoa Nam, gọi là Mã Lai Hoa Nam, tới khoảng 5000 năm trước, thì một bộ phận di cư qua Hoa Bắc, gọi là Mã Lai Hoa Bắc.

Chủng Mã Lai Hoa Bắc bị chủng Hoa Hạ đánh bại, phải di cư đi khắp nơi, được Bình Nguyên Lộc gọi là cuộc di dân Mã Lai đợt một. Nhóm này chạy xuống phía Nam, nơi đã có Mã Lai Hoa Nam ở. Phần chạy về phía Đông qua Triều Tiên, Nhật Bản, một số đi đường biển xuống tận Bắc Bộ và Trung Bộ, người bản địa đã bị áp đảo bởi người Mã Lai đợt một đến dần biến mất nên Bắc Bộ chỉ còn người Mã Lai đợt một.

Tới khoảng 2500 năm cách này, do sự mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chủng Hoa Hạ, người Mã Lai Hoa Nam lại di cư về phía Nam, được Bình Nguyên Lộc gọi là cuộc di dân Mã Lai đợt hai. Cuộc di cư này theo Bình Nguyên Lộc đã làm dân cư Bắc Bộ tăng đột ngột. Cả Mã Lai đợt một và Mã Lai đợt hai đều không lai Hoa đáng kể. Vì khi thua họ phải bỏ chạy thì chưa hề chung sống lâu dài với Trung Hoa.

Do đó, trước thời Bắc thuộc, cư dân Bắc Bộ gần như thuần chủng Mã Lai. Trong thời Bắc thuộc hay kể từ thời Ngô Quyền đến nay, không có dịp nào cho người Tàu pha trộn máu họ và máu ta cách lớn lao, nên chúng ta vẫn cơ bản là chủng Mã Lai. Còn thuyết người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc, chủ yếu dựa trên các thư tịch lịch sử của người Trung Hoa ghi lại về người Việt, nó lại chia thành hai hướng hiểu khác nhau. Một, người Việt có nguồn gốc từ người Bách Việt của Trung Quốc di cư xuống. Hai, người Việt có nguồn gốc từ người Trung Quốc di cư xuống.

Với cảm hứng từ giả thuyết của học giả E.Aymonier vào khoảng đầu thế kỷ 20, đã khai thác thư tịch Trung Hoa và đưa ra giả thuyết rằng, người Việt Nam trước ở Trung Hoa rồi mới di cư qua miền Bắc Việt Nam. Nước Sở thuộc dòng Bách Việt, lãnh thổ bao gồm hai tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam ngày nay, xuất hiện trước thế kỷ thứ 11 trước Công nguyên. Đến thế kỷ thứ chín trước công nguyên, một ngành nước Sở di cư về phía Nam dọc theo sông Dương Tử, định cư ở Triết Giang, thành lập nước Việt (Việt Vương Câu Tiễn) vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên. Năm 333 trước CN, nước Sở đánh bại nước Việt, người Việt chạy về phương Nam theo bốn nhóm.

Nhóm Đông Âu hay là Việt Đông ở miền Ôn Châu (Chiết Giang) Mân Việt ở Phúc Kiến, Nam Việt ở Quảng Đông, Quảng Tây, Lạc Việt ở phía Nam Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam. Các nhóm kể trên bị Hán Hóa, chỉ còn lại nhóm Lạc Việt là tồn tại, những chúa dẫn các dân tộc Việt di cư xuống miền Nam Quảng Tây và đến tận Bắc Kỳ ngày nay về thế kỷ thứ tư và thứ ba trước Gia tô là cùng một dòng họ với các Vua Việt đến định cư ở Ôn Châu, Phúc Châu và Quảng Đông vậy. Thời ta có đủ chứng cứ mà nói thuyết rằng, người An Nam ngày nay là dòng dõi trực tiếp của người nước Việt bị diệt năm 333 và tổ tiên ngàn xưa. Về thế kỷ thứ sáu trước Gia tô, đã ở miền tỉnh Chiết Giang, nước Tàu ngày nay, vào khoảng lưu vực con sông cùng tên ấy.

Học giả Đào Duy Anh cũng đã đi theo thuyết nguồn gốc từ Trung Hoa để đề ra một thuyết mới về nguồn gốc của người Việt. Theo đó, ông đề xuất người Việt có nguồn gốc từ người Lạc Việt tại vùng Giang Nam, có vật tổ là con chim Lạc, hàng năm theo gió mùa, theo đường biển di cư sang miền Bắc Việt Nam. Những chim hậu điểu ấy ta thấy khắc trên trống đồng, chính là tô tem (vật tổ) của những chủ nhân của trống đồng ấy, tức là người Lạc Việt.

Cái hình thuyền với các thủy thủ kỳ hình quái trạng chạm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là tiêu biểu cho những con thuyền chở tổ tiên họ, tức người Lạc Việt, từ bờ biển Giang Nam đến miền quê hương mới (tức miền Bắc Việt Nam), cũng như những con chim bay và chim đậu chạm ở mặt trống đồng chính là hình chim Lạc vật tổ.

Giáo sư Nguyễn Phương của Đại học Văn Khoa Sài Gòn (thời Việt Nam cộng hòa), với tác phẩm “Việt Nam thời khai sinh”, Viện Đại Học Huế vào năm 1965 đã đề giả thuyết cho rằng, người Việt chỉ là một bộ phận người Trung Hoa hết đợt nọ tới đợt kia sang cai trị người bản địa khi hoàn cảnh thuận lợi lập nên nước có tên là Việt Nam. Thuyết “Bản chân giao chỉ” cũng có sự tương đồng trong ý tưởng về nguồn gốc Trung Quốc của người Việt khi cho rằng người bản địa Việt Nam là những người có đặc điểm hai ngón chân cái giao nhau, giống người có đặc điểm như vậy đã biến mất. Chúng ta chỉ là những người gốc Trung Quốc sang đồng hóa giống người này. Thuyết này không có tính khoa học nhưng vẫn được khá nhiều người đồng thuận, tin tưởng.

Ngoài ra, còn có một thuyết khác là thuyết người Việt từ phía Nam đi lên và đi ngược lại về Việt Nam. Thuyết này xuất hiện muộn hơn các thuyết đã có về người Việt, nó xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 21 trong bối cảnh bắt đầu có những nghiên cứu di truyền được tiến hành và công bố, như công trình của J.Y.Chu về đa dạng di truyền của người Trung Quốc. Nhóm tư tưởng của giáo sư Cung Đình Thanh đã nghiên cứu và đề xuất giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt dựa trên di truyền, khảo cổ và hiện tượng biển tiến, biển lùi.

Trong sách “Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam giữa ánh sáng mới của khoa học” viết “khi nước biển đã đến thời kỳ Fland Iran, phù hợp với giai đoạn giãn băng cuối cùng vào khoảng 18.000 năm trước đây, cho đến lúc đồng bằng Sông Hồng bắt đầu bị đe dọa, người cổ Vĩnh Phú, một phần di cư nên bám trụ ở vùng Tây Bắc và vùng các hang động cao ở Hòa Bình. Phần khác, lớp có óc phiêu lưu hơn đã đi lên phía bắc qua hai ngả, một ngả đi qua Vân Nam đến Tứ Xuyên, Quế Châu, Thiểm Tây, một ngả đi theo ven biển phía Đông lên đến Chiết Giang, Giang Đông, Sơn Đông và gặp những vùng đất tốt mới, môi trường thuận lợi, họ đã ở lại sinh sống phát triển và từng nhóm họ đã tạo lập ra những nước nhỏ mới. Về sau, chính những nước nhỏ này (khoảng 3000 nước), đã quy tụ lại để trở thành những nước lớn, sẽ tham dự và việc tranh giành quyền làm chủ đất Trung Nguyên ở thời Xuân Thu, Chiến Quốc (năm 770 – 221 trước Kỷ Nguyên).

Khi nước biển bắt đầu rút và đồng bằng Vĩnh Phú từng bước bắt đầu được tái lập vào khoảng từ 6000 năm trở lại đây, lại thấy có sự hội tụ những người trở lại đồng bằng đó. Đó là bắt đầu của văn hóa Phùng Nguyên cũng là thời đại đồng thau và thời kỳ thành lập ra nước Văn Lang của Vua Hùng. Khi người Hoa Hán thống nhất Đại Lục dưới triều Tần- Hán, khiến những người gốc Bách Việt không chịu đồng hóa phải rời bỏ Trung Nguyên. Bằng cớ nữa là có dấu ấn văn hóa Phương Bắc góp phần xây dựng nền văn hóa Phùng Nguyên và Nhà nước Văn Lang vậy, đó là chưa kể đến cách đối xử kỳ thị của các chính quyền Hoa Hán từ đời Tần về sau đối với dân bản địa gốc Hòa Bình.

Đây là những lý thuyết rất mới ở thời điểm nó được đưa ra, dựa trên những nghiên cứu khoa học được công bố vào thời điểm đó. Nên đây là một luồng gió mới thổi vào mảnh đất nghiên cứu về nguồn gốc của người Việt. Các thuyết đã có chưa thuyết nào đưa ra được một lý giải hoàn thiện về nguồn gốc của người Việt. Mỗi phương pháp tiếp cận cũng tồn tại những điểm yếu của riêng chúng. Nếu sử dụng độc lập từng hướng nghiên cứu mỗi hướng sẽ đem lại mỗi kết quả và kết luận khác nhau. Với những thuyết dựa chủ yếu trên thư tịch lịch sử thì đây là phương tiện yếu nhất, bởi cổ sử chủ yếu dựa vào sử sách Trung Hoa ghi lại mà người Trung Hoa thường không ghi trung thực hoàn toàn về người Việt.

Do trong quan niệm của họ, chỉ có dân tộc mình là văn minh, các sắc dân xung quanh đều là kém văn minh. Người Việt không nằm ngoài xu hướng đó, những dòng sử của người Trung Hoa thường có ý hạ thấp người Việt, mô tả người Việt như một giống người man rợ. Do đó, sử Trung Hoa đã ảnh hưởng khá mạnh từ các thuyết về nguồn gốc người Việt. Sau này, nhiều người đã bị đính chặt vào những quan điểm của các sử gia Trung Quốc mà thể hiện thái độ thiếu tôn trọng khi bàn về nguồn gốc của người Việt.

Tuy nhiên, để khẳng định Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc là không có cơ sở, bởi cho đến nay không có bằng chứng nào để nói rằng người Việt xuất phát từ Trung Quốc. Thật ra, có bằng chứng di truyền học cho thấy ngược lại, người Nam Trung Quốc có nguồn gốc từ Đông Nam Á, nên nhớ rằng ngày xưa không có người Thái, Việt, Mã Lai mà chỉ có Đông Nam Á.

Do đó, nói Đông Nam Á ở đây, tôi muốn nói đến người Thái, Môn, Khmer, Tạng, Miến, Mã Lai hay gọi chung là Bách Việt. Xin nói thêm rằng, người Trung Hoa không phải là dân tộc đầu tiên phát triển kỹ thuật trồng lúa nước, người Đông Nam Á mới chính là chủ nhân của kỹ thuật này.

Hạt lúa lâu đời nhất được tìm thấy trong một hang động ở Thái Lan. Nghiên cứu di truyền gần đây cho thấy tất cả các loại da cầm như gà, chó, heo…trên thế giới đều có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Trong cuốn “Origin of Species”, Darwin cũng đã từng khẳng định rằng, tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều có nguồn gốc từ gà rừng Đông Nam Á.

Trong một bài viết cho Tập san National Geographic, W.G. Solheim đã nhận xét rằng, Đông Nam Á là nơi phát triển nền chăn nuôi đầu tiên trên trái đất, điều này phù hợp với giả thuyết Đông Nam Á là một cái nôi văn minh nông nghiệp đầu tiên của con người và cư dân tại đây là những người phát minh ra kỹ thuật trồng lúa nước, chăn nuôi và truyền các kỹ thuật này lên phía Bắc (tức miền Nam Trung Quốc ngày nay).

Như vậy có thể suy luận rằng, trước khi tiếp xúc và chịu ảnh hưởng hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, vùng Đông Nam Á đã hình thành một nền văn hóa lúa nước và cư dân cổ ở đây (tức dân Bách Việt), đã phát triển một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, trong đó có cả Văn minh Châu thổ Sông Hồng hay Văn minh Đông Sơn.

Theo Trần Quốc Vượng, chính nghề trồng lúa nước, một ngành nghề đòi hỏi người dân phải nắm vững và thích nghi với thời tiết, môi trường sông nước, đã dẫn người di cư cổ Đông Nam Á sáng tạo ra lịch dùng 12 con vật gần gũi với nền văn minh lúa nước làm biểu tượng. Vậy nên, chuyện Trung Quốc nhận Việt Nam có nguồn gốc bắt đầu từ họ hoàn toàn là những điều vô căn cứ. Dù có nhiều điểm tương đồng trong ngoại hình, văn hóa và tập quán, nhưng điều đó là những văn hóa chung của khu vực Đông Nam Á, không thể dùng những biện pháp đó để khẳng định Việt Nam bắt nguồn từ nước họ được.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới