Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChống tham nhũng quyết liệt, tác động ngắn hạn, lợi ích dài...

Chống tham nhũng quyết liệt, tác động ngắn hạn, lợi ích dài hạn

Thực hiện công cuộc đổi mới đưa nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, Đảng ta đã lường trước mặt trái của nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề tham nhũng. Khái niệm tham nhũng được thừa nhận chính thức trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986. Trong đó, tham nhũng được coi là một tệ nạn xã hội có thể ngăn chặn được bằng các biện pháp thanh tra nghiêm ngặt.

Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan, tại tòa ngày 11.4.2024.

Năm 2003, Việt Nam ký công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và phê chuẩn vào năm 2009.

Năm 2004, Việt Nam trở thành nước thứ 23 ở châu Á ký kết bản Kế hoạch Hành động chống tham nhũng khu vực do Ngân hàng Châu Á (ADB) cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng.

Đúng như cảnh báo của Đảng ta, cùng với kinh tế phát triển, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân ra đời thì tham nhũng bắt đầu gia tăng. Tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, tham nhũng chính sách đặc biệt là nạn hối lộ. Để tham nhũng phải có chức, có quyền, nạn chạy chức, chạy quyền bắt đầu nhảy múa.

Trước thực trạng đó, nhiệm kỳ Đại hội 8 Đảng đã ra Nghị quyết Trung ương 6 lần hai về chống tham nhũng. Hàng loạt vụ án, hàng loạt cán bộ bị xử lý, cấp cao nhất là Phó thủ tướng chính phủ.

Thời kỳ sau đó, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn tiếp tục nhưng chưa thật quyết liệt. Cán bộ cấp cao vi phạm chỉ bị mất chức hoặc bị án nhẹ, tài sản tham nhũng không thu được bao nhiêu. Dư luận cho rằng hình như vẫn có vùng cấm, hình phạt nhẹ, tính răn đe không cao, tham nhũng vẫn cứ diễn ra, thậm chí giá trị tham nhũng ngày một to hơn.

Đến Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng với tinh thần quyết liệt hơn, không có vùng cấm. Chiến dịch chống tham nhũng được xây dựng dựa trên những nỗ lực phòng, chống tham nhũng trước đây nhưng bằng những biện pháp cụ thể hơn và cơ quan chống tham nhũng được tổ chức ở cấp cao nhất và được giao quyền tuyệt đối. Năm 2013, Bộ Chính trị ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do lãnh đạo cao nhất của Đảng trực tiếp đứng đầu chỉ đạo.

Hơn mười năm qua, hàng trăm vụ án tham nhũng, hàng trăm cán bộ tham nhũng ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực bị xử lý kiên quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng quy định của Đảng. Từ Uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Trung ương, từ chủ tịch, bí thư cấp tỉnh, từ Bộ trưởng đến cấp cao hơn đều bị xử lý. Các doanh nghiệp làm ăn bất chính, hối lộ bị phanh phui, bị vào tù.

Công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra ngày càng quyết liệt đã làm cho đảng viên, nhân dân càng tin hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự công minh của pháp luật.

Cũng có ý kiến băn khoăn là việc chống tham nhũng quá quyết liệt đã làm cho cán bộ ngại làm việc, doanh nghiệp ngại đầu tư và hính như kinh tế phát triển chậm lại. Thực ra là xoá bỏ được loại cán bộ chỉ muốn có lợi cá nhân mới làm và loại được những doanh nghiệp tìm cách lách luật, vi phạm pháp luật. Đất nước mất cán bộ, tổ chức, doanh nghiệp tham nhũng để được nền chính trị trong sáng, minh bạch, nền kinh tế phát triển bền vững và xã hội bình yên.

Vừa qua, tờ Aia Times đã đăng bài viết về những diễn biến nổi bật mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam và tác động đối với kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài đã đánh giá: Quốc hội khoá XIII đã thông qua Nghị quyết vạch ra quỹ đạo phát triển của đất nước giai đoạn 2021-2030… Việt Nam nhấn mạnh rằng, việc xoá bỏ tham nhũng là điều cần thiết để thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng. Việt Nam gần đây đã có hành động quyết liệt trong các vụ đại án tham nhũng. Việc xử lý những vụ đại án này có một số tác động ngắn hạn nhưng về lâu dài, sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển lành mạnh hơn.

Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ còn rất nhiều khó khăn, cần phải quyết liệt hơn và cần sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân.

H.L

RELATED ARTICLES

Tin mới