511 tỷ thùng dầu thô này gấp đôi trữ lượng dầu của Ả Rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo được đệ trình lên Ủy ban Kiểm toán môi trường (EAC) của Hạ viện Anh, các tàu nghiên cứu của Nga vừa phát hiện trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở Nam Cực.
EAC cho biết, trữ lượng dầu mỏ này ước tính lên đến 511 tỷ thùng dầu – gấp khoảng 10 lần toàn bộ sản lượng mà Biển Bắc khai thác trong 50 năm qua, Telegraph thông tin.
Phát hiện này có được sau một loạt cuộc khảo sát của tàu R/V “Akademik Aleksandr Karpinskiy” do ROSGEO (Công ty thăm dò địa chất Nga) chịu trách nhiệm tìm kiếm trữ lượng khoáng sản phục vụ khai thác thương mại điều hành.
Brusselssignal.eu cung cấp các dữ liệu để so sánh con số 511 tỷ thùng dầu với các quốc gia trên thế giới:
Con số 511 tỷ thùng dầu thô khi so với Venezuela vẫn lớn hơn rất nhiều. Venezuela là quốc gia có trữ lượng đã được chứng minh lớn nhất thế giới, có khả năng tiếp cận tới 303 tỷ thùng.
Mặt khác, Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia), nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, có trữ lượng 262 tỷ thùng; Iran có 208 tỷ thùng; Canada có khoảng 160 tỷ thùng có thể khai thác được; Iraq có 145 tỷ thùng; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có 107 tỷ thùng.
Nga có 80 tỷ thùng dầu có thể khai thác được của riêng mình. Giả sử lượng dầu 511 tỷ thùng ở Nam Cực được khai thác sẽ giúp Nga tăng trữ lượng dầu hiện tại lên rất nhiều lần.
Tuy nhiên, phát hiện trữ lượng dầu mỏ khổng lồ này của Nga làm dấy lên nhiều quan ngại từ các quốc gia có chủ quyền tại Nam Cực bởi việc khai thác tài nguyên ở Nam Cực bị nghiêm cấm, chỉ các hoạt động liên quan đến khoa học mới được phép.
Theo các tài liệu được thảo luận tại Quốc hội Anh, phát hiện này được thực hiện bởi các tàu nghiên cứu của Nga ở Biển Weddell, một phần ở các khu vực mà Anh và Argentina tuyên bố chủ quyền tại Nam Cực.
Nam Cực hiện đang tuân theo Hiệp ước Nam Cực – được ký kết tại Washington (Mỹ) vào ngày 1 tháng 12 năm 1959 bởi 12 quốc gia có các nhà khoa học đã hoạt động tích cực trong và xung quanh Nam Cực.
Hiệp ước Nam Cực cấm mọi hoạt động phát triển dầu mỏ trong khu vực. Hiệp ước được ban hành nhằm đảm bảo rằng khu vực này được sử dụng “chỉ cho mục đích hòa bình” và sẽ “không trở thành đối tượng của sự bất hòa quốc tế”.
Hiện, Nga đang dần dần tăng cường sự hiện diện tại Nam Cực trong những năm gần đây thông qua nhiều chiến dịch khoa học khác nhau, bao gồm việc thiết lập năm trạm nghiên cứu kể từ năm 1957.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đang dấy lên lo ngại rằng Nga đang cố gắng khẳng định ảnh hưởng của mình trong khu vực thông qua các biện pháp khác ngoài nghiên cứu khoa học.
T.P