Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhật Bản hợp tác công nghiệp quốc phòng với Mỹ để bảo...

Nhật Bản hợp tác công nghiệp quốc phòng với Mỹ để bảo vệ biển đảo

Nhật Bản công bố kế hoạch đóng tàu tuần tra đa năng lớn nhất từ trước đến nay để tăng cường khả năng giám sát và ứng phó xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Báo Yomiuiri Shimbun hôm 8.6 đưa tin rằng tàu mới sẽ có chiều dài 200 m và có tổng trọng tải gấp 3 lần con tàu lớn nhất phục vụ trong Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) hiện nay vốn có lượng choán nước 6.500 tấn.

Theo kế hoạch, tàu tuần tra mới sẽ hoạt động như một “căn cứ viễn chinh”, có khả năng chở một số thuyền nhỏ và ngăn chặn các cuộc xâm nhập vào quần đảo. Kinh phí đóng tàu sẽ từ ngân sách tài khóa 2025 và dự kiến tàu hạ thủy sớm nhất vào năm tài chính 2029. Theo các nguồn thạo tin, giới chức Nhật Bản cũng đang thảo luận để mua chiếc tàu thứ 2 cùng loại.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét trang bị cho tàu mới một sân đỗ trực thăng và chức năng chỉ huy kiểm soát. Mục tiêu chính của kế hoạch là nâng cao năng lực của JCG để đối phó các mối đe dọa ở biển Hoa Đông, bao gồm cả khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp, theo The Japan News.

Tàu tuần tra mới cũng sẽ được dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm để sử dụng như một “căn cứ nổi”. JCG sẽ tận dụng khả năng vận chuyển của tàu mới trong cứu trợ thiên tai, cũng như sơ tán cư dân khỏi quần đảo Sakishima và các khu vực khác gần vùng lãnh thổ Đài Loan.

Trả lời tờ This Week in Asia, ông Garren Mulloy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka (Nhật Bản) đánh giá: “Tôi không xem động thái này là một sự leo thang mà là sự thể hiện khả năng kiểm soát và quản lý của Tokyo ở khu vực. Nhật Bản không có đủ tàu hoặc nhân lực để phân tán khắp nơi và việc có một tàu lớn có thể neo đậu trong thời gian dài sẽ là một lợi thế. Một con tàu lớn sẽ cung cấp khả năng giám sát radar tốt hơn trên biển và không phận xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”.

Trong một diễn biến khác, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel ngày 10.6 cho biết Washington cần sự giúp đỡ của Tokyo để đối phó với những thách thức chiến lược ở châu Âu và châu Á, đang gây áp lực cho ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Trước đó, các quan chức Mỹ – Nhật ngày 9.6 bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên tại Tokyo về việc thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn trong ngành công nghiệp quốc phòng trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác, mua sắm và duy trì công nghiệp quốc phòng song phương (DICAS).

Theo ông Emanuel, các cuộc thảo luận Mỹ – Nhật tập trung vào việc hợp tác sửa chữa tàu và máy bay, thúc đẩy sản xuất tên lửa và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng quân sự. Hai bên nhất trí cùng nhau chế tạo hệ thống đánh chặn tên lửa và Tokyo cũng đồng ý cung cấp tên lửa phòng không Patriot PAC3 cho Washington, theo Reuters.

RELATED ARTICLES

Tin mới