Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHòn bấc ném đi, hòn chì ném lại

Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại

Câu thành ngữ tiếng Việt này đặt trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên thật đúng và không khỏi xót xa. Xót xa bởi vì cách đây sáu năm quan hệ giữa hai bên tưởng đã suôn sẻ, hòa bình, thống nhất tưởng đã trong tầm tay.

Năm 2018, thỏa thuận quân sự liên Triều được ký kết. Triều Tiên và Hàn Quốc cùng lúc tháo dỡ hệ thống loa phát thanh suốt mấy chục năm ra rả chĩa sang nhau với những cuộc chiến ngôn từ, thóa mạ, công kích và đe dọa lẫn nhau. Lúc ấy các nhà phân tích lạc quan cho rằng, đây là “dấu lặng” của hòa bình. Người dân hai miền gặp nhau mừng tủi trong nụ cười và nước mắt.

Quả thật, biên giới Hàn Quốc – Triều Tiên trong suốt mấy năm tương đối bình yên. Hai bên cùng rút hết vũ khí, không trang bị súng cho binh sĩ triển khai ở Khu vực An ninh Chung (JSA), đình chỉ mọi hoạt động quân sự tại vùng đệm dọc biên giới.

Thế nhưng, cái gọi là hòa bình chưa được bao lâu thì căng thẳng nối tiếp căng thẳng. Mâu thuẫn cơ bản giữa hai miền là quan điểm chính trị giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở phía Bắc và Đại Hàn Dân Quốc ở phía Nam cách nhau quá xa. Cả hai đều luôn tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn bộ bán đảo Triều Tiên trong Hiến pháp. Mâu thuẫn ấy tiếp tục trỗi dậy khi Triều Tiên có sự giúp sức của đồng minh là Nga và Trung Quốc, Hàn Quốc có đồng minh Mỹ. Vì lợi ích, vì tranh giành vị trí địa chính trị, cuộc chiến giữa “hai phe” ngày càng căng thẳng.

Từ năm 2023, tình hình xấu đi rất nhanh và trở nên nóng bỏng khi hai bên bắt đầu tấn công và trả đũa lẫn nhau. Thế giới gọi là “cuộc chiến bóng bay và loa phóng thanh”, hay nói giản dị là “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Ném đi thì nhẹ, ném lại thì nặng hơn rất nhiều. Và cứ thế, hòn bấc lần sau có khi nặng hơn hòn chì lần trước.

Vào đêm 29/5/2024, Triều Tiên bất ngờ thả mấy trăm quả bóng bay mang theo rác, tàn thuốc lá, pin cũ, vải vụn, thậm chí là chất thải vào lãnh thổ Hàn Quốc. “Cuốn theo chiều gió” là cơ man rác rưởi, gây bức xúc cho người dân xứ Kim Chi, trong đó có cả các vùng phía nam, cách Seoul hơn 200 km. Người dân ở đây cảm thấy mình đang bị xỉ nhục.

Nhưng Bình Nhưỡng cho rằng, kẻ gây sự chính là Seoul. Bởi trước đó, chính Hàn Quốc đã thả bóng bay sang Triều Tiên, mang truyền đơn “dạy dỗ và nhục mạ” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. “Gieo gió thì gặt bão”, Triều Tiên đã liên tiếp thả khoảng 5.000 quả bóng bay mang 22,5 tấn rác qua biên giới.

Từ phía Hàn Quốc hàng loạt bóng bay cũng nối nhau mang 200.000 truyền đơn, 5.000 USB chứa nhạc K-pop (nhạc pop tiếng Hàn-một thể loại âm nhạc bắt nguồn từ Hàn Quốc như một phần của văn hóa nước này), cùng hàng nghìn tờ 1 USD qua biên giới.

Thế là “rác” và “nhạc” bất đắc dĩ chào nhau trên bầu trời biên giới! Một cuộc chiến lạ lùng và… kì vĩ!

Không dừng ở đó, phải bắt đầu trở lại cuộc chiến tranh thông tin. Hôm 9/6, Hàn Quốc bắt đầu lắp đặt loa công suất lớn. Dàn loa này xếp trên các giá cố định cao 6 mét, rộng 3 mét, tại 24 vị trí ở phía nam hàng rào thép gai ở biên giới Khu phi quân sự (DMZ). Quân đội Hàn Quốc cũng triển khai xe tải gắn 16 loa cỡ lớn. Họ coi đây là như một trạm tuyên truyền di động- một hình thức tâm lý chiến hiệu quả nhất. Mở đầu màn chào hỏi là câu nói quen thuộc: “Chúng tôi muốn đưa sự thật tới đồng bào ở miền Bắc…”

Sự thật ấy bao gồm bốn chủ đề chính: Tính ưu việt của nền dân chủ; lịch sử thành công của kinh tế Hàn Quốc; thực trạng xã hội Triều Tiên; tính đúng đắn trong thống nhất hai miền. Seoul coi đây là “thông điệp về ánh sáng và hy vọng cho quân đội, nhân dân Triều Tiên”.

Sau khi dàn loa của Hàn Quốc mọc lên, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ có “biện pháp đáp trả mới”. Theo Cheong Seong-chang, chuyên gia tại Viện Sejong ở Hàn Quốc, Triều Tiên có thể gia tăng hành động quân sự, nã pháo vào vùng biển phía tây bán đảo hoặc bắn hạ bất cứ bóng bay nào đến từ Hàn Quốc.

Đương nhiên nếu nòng pháo của Triều Tiên nhằm vào những quả… bóng bay thì Hàn Quốc đã có cách tính toán. Cách đây vừa tròn 10 năm, năm 2014, quân đội hai miền từng đấu súng máy qua biên giới, sau khi binh sĩ Triều Tiên tìm cách bắn hạ những quả bóng bay mang truyền đơn từ phía Hàn Quốc.

Sau đó, vào năm 2020, Triều Tiên cho nổ tung Văn phòng Liên lạc chung Kaesong. Văn phòng này được ví như Đại sứ quán hai nước. Nó bị đánh sập chỉ vì việc rải truyền đơn của các nhà hoạt động Hàn Quốc.

Như vậy trong thời gian tới khó tránh khỏi gia tăng căng thẳng trong khu vực. Và “cuộc chiến loa và bóng bay” sẽ chưa thể chấm dứt, với những chiêu trò khó đoán định. Vẫn theo ông Cheong Seong-chang: “Có nhiều khả năng việc nối lại tuyên truyền bằng loa phóng thanh dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang. Và Bắc Triều Tiên sẽ lại nổ súng trên biển Hoàng Hải cũng như nhắm bắn các bóng bay nếu như Hàn Quốc lại gửi chúng sang phía bắc”.

Xung đột vũ trang là điều không ai muốn. Không ai muốn những cuộc tàn sát đẫm máu như nó từng và đang xảy ra ở Dải Gaza, ở Ukraine.

Chính quyền Bình Nhưỡng và Seoul, cùng với Moscow, Bắc Kinh, Washington cần có các quyết định kịp thời và sáng suốt. Hãy hành động trước khi quá muộn!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới