Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngHải cảnh TQ bắt người trên Biển Đông từ ngày 15-6

Hải cảnh TQ bắt người trên Biển Đông từ ngày 15-6

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế vì luật mới áp dụng ở Biển Đông có thể làm bùng lên căng thẳng. Trước mắt, ngư dân Philippines phản ứng dữ dội, thậm chí thách thức Bắc Kinh.

Từ ngày 15-6, quy định mới của Trung Quốc sẽ có hiệu lực nhằm cho phép lực lượng hải cảnh nước này tạm giữ tới 30 ngày người nước ngoài vi phạm luật xuất nhập cảnh, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia, hoặc có hành vi hỗ trợ người khác vi phạm luật xuất nhập cảnh Trung Quốc.

Thời hạn giam giữ không qua xét xử có thể lên đến 60 ngày trong một số trường hợp.
Tăng nguy cơ xung đột Biển Đông

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr của Philippines chỉ trích các quy định này là đặc biệt đáng lo ngại, và “làm leo thang tình hình” vốn đã căng thẳng sau nhiều lần đụng độ giữa tàu của Manila và lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong năm qua.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cũng lo ngại các quy định mới nhất có khả năng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, xâm phạm quyền chủ quyền của quốc gia ven biển và cản trở các quyền tự do trên biển.

Theo ông Dindo Manhit – chủ tịch Viện nghiên cứu Stratbase ADR có trụ sở tại Manila, quy định này sẽ khiến nhiệm vụ tiếp tế của Philippines tới các tiền đồn trở nên phức tạp, đồng thời đe dọa sinh kế của ngư dân Philippines đánh bắt cá ở Biển Đông.

“Những sự cố gần đây, chẳng hạn như vụ đâm tàu Philippines và thu giữ thực phẩm tiếp tế, cho thấy khả năng xảy ra các cuộc đối đầu nguy hiểm”, ông Manhit nhắc tới vụ việc gần đây ở khu vực bãi Cỏ Mây.

Ông Nate Fischler, nhà phân tích về châu Á – Thái Bình Dương tại tổ chức RANE có trụ sở ở Mỹ, cũng lo ngại luật mới này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột hàng hải ở Biển Đông.

“Trung Quốc có thể sử dụng luật này để nhắm vào bất kỳ phần lãnh hải nào mà họ tuyên bố chủ quyền. Điều đó có nghĩa là các bên khác trong khu vực có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc như Việt Nam và Đài Loan cũng có thể thấy tàu của họ rơi vào tầm ngắm và thủy thủ đoàn bị bắt giữ”, ông Fischler đánh giá trên tờ Nikkei Asia.
Trung Quốc sẽ kiềm chế?

Tuy nhiên chuyên gia Collin Koh, thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho rằng Trung Quốc sẽ cân nhắc việc khơi dậy phản ứng từ các nước láng giềng.

“Các quy định có thể là một công cụ pháp lý, nhưng việc có được thực hiện hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố chính trị hơn là yếu tố pháp lý”, tờ South China Morning Post dẫn nhận định của ông Koh.

Tương tự, ông Zheng Zhihua, phó giáo sư nghiên cứu các vấn đề hàng hải tại Đại học Giao thông Thượng Hải, cũng cho rằng việc áp dụng luật sẽ làm xấu đi các mối quan hệ song phương của Trung Quốc, khiến các nước Đông Nam Á đoàn kết để đối phó.

“Vì vậy, tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ tích cực áp dụng các quy định mới được thông qua ở các khu vực tranh chấp”, ông nói.

Đó là chưa kể quốc gia như Philippines có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, cho phép Washington can thiệp khi lực lượng của Manila bị tấn công vũ trang.

Theo ông Koh, điều này có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ phải cẩn trọng khi thi hành luật ở khu vực tranh chấp với Philippines như bãi Cỏ Mây, nơi Manila triển khai nhiều tàu hải quân để bảo vệ các tiền đồn.

Dù vậy, vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ bắt người để phô diễn sức mạnh.

“Nếu có những trường hợp Bắc Kinh cần áp dụng các quy định nhưng thực tế lại không làm, thì uy tín của họ sẽ bị suy giảm, khiến họ trông giống như một con hổ giấy. Mặt khác, nếu Bắc Kinh tích cực thi hành luật thì sẽ gây ra một số hậu quả không mong muốn”, ông Koh nhận định.
Ngư dân Philippines không ngán luật mới của Trung Quốc

Các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ ở Philippines ngày 14-6, một ngày trước khi luật của Trung Quốc có hiệu lực.

“Ngư dân và người dân Philippines sẽ bất chấp luật (của Trung Quốc). Chính Trung Quốc mới là những kẻ xâm phạm”, ông Mong Palatino, tổng thư ký của nhóm đối lập Bayan Muna, nói.

Ông Leonardo Cuaresma, lãnh đạo một hiệp hội ngư dân ở tỉnh Zambales gần bãi cạn Scarborough, cũng dọa sẽ bắt 10 công dân Trung Quốc mỗi khi 1 người Philippines bị giam.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh cá. Chúng tôi không quan tâm đến quy định đó vì chúng tôi tin rằng mình không vi phạm bất kỳ luật nào… Họ từng áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, và bây giờ họ đã bổ sung thêm một quy định mới. Chúng tôi đã miễn nhiễm với điều đó rồi”, ông Cuaresma nói trên tờ This Week in Asia.

RELATED ARTICLES

Tin mới