Tuesday, June 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHội nghị hòa bình Ukraine: chưa “kết” đã thấy “quả”

Hội nghị hòa bình Ukraine: chưa “kết” đã thấy “quả”

Hội nghị thượng đỉnh nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine khai mạc ngày 15/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock,Thụy Sĩ, với sự tham gia của hơn 100 phái đoàn, bao gồm phái đoàn từ cả các nước G7, G20 và BRICS.

Tổng thống Ukraine V. Zelensky phát biểu tại hội nghị

Thời gian gần đây, có lẽ, hiếm có một cuộc hội nghị quốc tế quy mô tới thế được tổ chức nhằm chấm dứt một cuộc xung đột. Điều đó cho thấy, cùng với thời gian, cuộc chiến Ukraine đang ngày càng làm thế giới lo ngại, sốt ruột như thế nào.

Không thế sao được. Những bên liên quan trực tiếp đã đành. Các quốc gia khác tưởng như “ngoài lề” nhưng thực chất, cũng nào có thoát hậu quả nghiêm trọng của lò lửa Ukraine khi các siêu cường xung đột lợi ích. Khủng hoảng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cơ bản; gián đoạn chuỗi cung ứng; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, thậm chí có nền kinh tế rơi vào suy thoái…, chẳng phải do tác động của nó hay sao?

Gần đây, những tuyên bố để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Kremlin nhằm đáp trả các động thái mới hỗ trợ Ukraine của phương Tây, còn khiến dư luận hoang mang hơn nữa.

Hoang mang vì, bằng vào những gì đã diễn ra, ông Putin – một tổng thống xuất thân KGB – cơ quan tình báo Liên Xô (cũ) – lâu nay là người “nói là làm”, chứ không nói suông. Nghĩ dại, nếu một bên nào đó sử dụng vũ khi hạt nhân chiến thuật, ai dám chắc chiến tranh thế giới lần thứ 3 sẽ chỉ là sự suy diễn hay nỗi ám ảnh?

Phàm cái gì càng bề thế, công phu, thì càng kỳ vọng lớn vào kết quả. Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine là trường hợp như thế.

Một hội nghị hòa bình, thì mục tiêu và kỳ vọng của nó phải là mang lại được hòa bình. Vậy mà, éo le thay, ngay từ khi sự kiện này được chuẩn bị, thậm chí, tới thời điểm này, khi Hội nghị đang diễn ra tại Thụy Sĩ – một đất nước luôn giữ được yên ổn, hòa bình ngay cả khi cả thế giới chìm đắm trong các cuộc bắn giết điên loạn – nhiều người vẫn tin rằng, nó sẽ chẳng thể nào gặt hái kết quả.

Những người kia bi quan quá chăng? Không. Họ bi quan, nhưng sự bi quan đó có sở cứ. Nghĩa là có lý. Và cái lý đó là rất mạnh.

Cụ thể, những cái lý đó, là gì?

Thứ nhất, Hội nghị không có hiện diện của Nga. Là một siêu cường quân sự mà không được mời tới một hội nghị bàn về hòa bình, về mặt hình thức, chắc chắn Moscow cho là sự xúc phạm. Nhưng đó chưa phải tất cả. Điều quan trọng hơn, Nga chính là quốc gia triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Vậy thì, bàn về hòa bình cho Ukraine mà không nói chuyện với Nga thì nói với ai? 100 quốc gia nói chuyện với nhau, dẫu có là chuyện trên trời dưới biển, suy cho cùng, cũng chỉ là “nói cho vui” mà thôi, lấy đâu ra người thực hiện.

Nhiều người ngờ rằng, khi tổng thống Ukraine, ông Zelensky, nói tại phiên họp toàn thể đầu tiên Hội nghị, “khi kế hoạch hành động được đặt lên bàn, được tất cả các quốc gia nhất trí, nó sẽ được thông báo tới các đại diện của Nga để chúng ta có thể thực sự chấm dứt xung đột tại hội nghị lần hai”, chính bản thân ông cũng hoài nghi vào việc Nga sẽ phản hồi lại một cách thiện ý.

Hoài nghi, vì ông Putin, nếu dễ bảo đến thế, thì hòa bình đã vãn hồi từ lâu rồi. Hoài nghi vì người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, chẳng đã nói: “Chúng tôi không có gì để nói với họ, “Chúng tôi muốn gặp nhau lần sau tại một sự kiện thực chất và hứa hẹn hơn” kia mà. Đồng thời, phát ngôn viên này còn tái khẳng định: các cuộc đàm phán không thể mang lại giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột nếu không có Nga.

Thứ hai, sự vắng mặt của Trung Quốc cũng là một trở ngại lớn. Trước hết, nó hạ thấp quy mô của một sự kiện quốc tế. Thứ nữa, nó làm mất đi yếu tố trung gian của một siêu cường hàng đầu.

Dĩ nhiên, ai cũng biết, Bắc Kinh vắng mặt chẳng phải do không được mời, mà chính là do quan hệ lợi ích khăng khít với Nga. Thêm nữa, chỉ mới giữa tháng 5, Trung Quốc và Brazin đã cùng nhau ký một văn bản chung thống nhất về kế hoạch giải quyết xung đột Ukraine.Theo đó: một hội nghị hoà bình quốc tế giải quyết xung đột Ukraine cần được tổ chức vào thời điểm thích hợp được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên cũng như thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình.

Vậy mà lúc này, 100 nước lại dám bỉ mặt Bắc Kinh để tổ chức một hội nghị khác với những gì họ đã yêu cầu: Trung Nam Hải gật đầu sao được?

Thứ ba, trước thềm Hội nghị, đáp lại những điều kiện để có thể có ngừng bắn và bắt đầu đàm phán nếu Kiev: Công nhận toàn bộ 5 khu vực đã trưng cầu dân ý sáp nhập Nga là một phần của Nga, rút quân khỏi những khu vực này; từ bỏ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); cam kết không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như “phi quân sự hóa”, “phi phát xít hóa” và tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga, ông Zelensky chẳng đã từ chối thẳng thừng, cho rằng: những điều kiện mà họ cho là “tối hậu thư” đó sao?

Một hội nghị hòa bình sao có thể đạt được kết quả khi cả hai còn đang cay cú, chưa bên nào thất thế tới mức chịu xuống thang? Từ thực tế đó, Hội nghị hòa bình Ukrainek, ngay từ lúc nó còn chưa “kết”, thì nhiều người đã nhìn rõ cái “quả” không nên cơm cháo gì cả của nó rồi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới