Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTQ bùng nổ xuất khẩu chip, liệu có ‘đi theo dấu chân’...

TQ bùng nổ xuất khẩu chip, liệu có ‘đi theo dấu chân’ xe điện?

Xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc đang tăng trưởng vượt kỳ vọng, nhưng các nhà phân tích trong ngành lại tỏ ra lo ngại rằng lĩnh vực chip của Trung Quốc có thể đang đạt đến tình trạng dư thừa công suất.

DigiTimes Asia mới đây dẫn các báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về xuất nhập khẩu chất bán dẫn, nêu bật sự tăng trưởng ở cả hai phân khúc.

Chỉ riêng trong tháng 5, Trung Quốc đã nhập khẩu mạch tích hợp trị giá 30 tỷ USD, nâng tổng số lượng nhập khẩu lên 213 tỷ đơn vị kể từ tháng 1/2024. Số mạch tích hợp này có giá trị ước tính khoảng 148 tỷ USD, đánh dấu mức tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước trong nhập khẩu chip của nước này.

Ngược lại, Trung Quốc đã xuất khẩu 25,3 tỷ mạch tích hợp trị giá 12 tỷ USD. Với tổng giá trị xuất khẩu là 62 tỷ USD kể từ tháng 1, xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc đã tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài chip, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện máy tính của Trung Quốc đã tăng 6,1% so với cùng kỳ 2023.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đánh giá sự gia tăng xuất nhập khẩu này là một thắng lợi lớn cho lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng với SMIC, hiện là nhà sản xuất chip lớn thứ ba thế giới về doanh thu.

Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn về SMIC sẽ tiết lộ một số lo ngại đối với tương lai ngành chip của Trung Quốc. Báo cáo thu nhập gần đây nhất của SMIC cho thấy doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại giảm. Điều này có thể do chi phí R&D tăng lên khi SMIC thâm nhập vào các công nghệ mới, nhưng nhiều nguồn tin cho hay nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm là do dư thừa công suất.

Nhìn vào các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ làm sáng tỏ thêm bối cảnh về tình hình kinh tế của thị trường chip Trung Quốc.

Xuất khẩu chip của Hàn Quốc đã tăng lên 11,4 tỷ USD trong tháng 5, đánh dấu mức tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ, đối thủ thương mại chip lớn nhất của Trung Quốc, cũng đang tăng cường năng lực sản xuất chip và dự kiến sẽ sản xuất 30% số chip tiên tiến nhất thế giới vào năm 2032.

Các chuyên gia nhận định rằng tăng trưởng thị trường của Trung Quốc yếu hơn so với những con số và dự đoán thực tế này, và việc Trung Quốc chuyển hướng sang sản xuất chip truyền thống gần đây có thể góp phần gây ra tình trạng dư thừa công suất.

Đuối sức trong cuộc đua sản xuất chip tiên tiến

Trung Quốc dường như đang ngày càng đuối sức trong cuộc đua sản xuất chip tiên tiếnn. Ông Zhang Pingan, Giám đốc điều hành của Huawei Cloud Computing, gần đây đã bày tỏ mối lo ngại này: “Thực tế là chúng tôi không thể giới thiệu thiết bị sản xuất tiên tiến do lệnh trừng phạt của Mỹ và chúng tôi cần tìm cách sử dụng hiệu quả chip 7nm”.

Dù các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đạt đến tiến bộ trong nghiên cứu, sản xuất chip 7nm hay thậm chí có thể tiên tiến hơn là 5nm, họ vẫn đi sau so với công nghệ tối tân hiện nay là 3nm.

Sản lượng chip truyền thống của Trung Quốc đã tăng 40% trong quý I/2024. Doanh thu của Trung Quốc đang được tạo ra từ những con chip mà nước này có thể sản xuất một cách an toàn, nhưng có những lo ngại chính đáng rằng trọng tâm này đang gây ra tình trạng dư thừa công suất khi các ngành công nghiệp trên thế giới khao khát công nghệ tiên tiến.

Các lệnh trừng phạt và thuế quan ngày càng tăng của Mỹ đang ngày càng đe dọa tới việc xuất khẩu chip của Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã công bố mức thuế 50% đối với chất bán dẫn của Trung Quốc và đang xem xét mức thuế 25% đối với GPU và bo mạch chủ do Trung Quốc sản xuất, điều này có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng cho các thương hiệu như Asus và MSI cũng như hàng xuất khẩu của Trung Quốc nói chung.

Các chuyên gia cho rằng, nếu các lệnh trừng phạt và thuế quan của Mỹ tiếp tục gia tăng, có thể biến nỗi lo dư thừa công suất ngành chip của Trung Quốc thành hiện thực rõ ràng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới