Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCOC- miếng mồi nhử không còn hấp dẫn

COC- miếng mồi nhử không còn hấp dẫn

Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) một lần nữa lại được đem ra câu nhử như một miếng mồi đã ôi thiu. Chẳng là mới đây một quan chức cấp cao của khối ASEAN tuyên bố: Khối hy vọng sẽ kết thúc các cuộc đàm phán vào năm 2026.

Ông này nói như đinh đóng cột, nhưng các bên tham gia đàm phán thì bảo nhau rằng “còn khuya”.

2026 là một ấn định về thời gian chả có căn cứ nào, bởi việc đám phán COC đã bị kéo dài rất lâu. Quá trình này đã tiến hành từ năm 1996, sắp chạm mốc 30 năm. Tranh luận ngược xuôi chẳng đi đến đâu không phải vì những người tham gia đàm phán muốn như vậy, mà bởi vì có những vấn đề rất khó đạt được thỏa thuận. Một điểm khúc mắc khác là trong khi ASEAN từ lâu đã khẳng định một Bộ quy tắc ứng xử phải có tính ràng buộc về mặt pháp lý thì Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận quan điểm then chốt này.

Những gì mà ASEAN mong muốn khác xa so với những gì mà Trung Quốc mong muốn. Nếu như các nước trong khối muốn có một Bộ quy tắc ứng xử bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOC-1982 thì Bắc Kinh chỉ muốn có một nguyên tắc mơ hồ, như loại trừ sự hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đông của các đế chế như Mỹ, Nhật Bản.

Có những vấn đề được coi là quá phức tạp được nêu ra từ những năm 1990 và vẫn rối như canh hẹ vào thời điểm hiện tại (6/2024) như phạm vi địa lý của COC, địa vị pháp lý của văn kiện này và các hành vi nào bị cấm… Có một cách duy nhất để thúc đẩy việc đàm phán diễn ra nhanh chóng hơn là… “bỏ qua” hết các vấn đề này. Thế nhưng nếu làm thế thì COC sẽ là anh em sinh đôi với DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông).

Từ quan điểm này, việc đưa ra một thời hạn để kết thúc đàm phán COC khiến những cán bộ tham gia đàm phán phải chịu nhiều áp lực, đồng thời đối mặt rất nhiều thách thức.

Ông Kao Kim Hourn – Tổng thư ký hiệp hội ASEAN – là người nhậm chức Tổng Thư ký ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 tại Phnom Penh (Campuchia) vào tháng 11/2022. Tại hội nghị bàn tròn hôm 12/6, ông này nói: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên trực tiếp liên quan kiềm chế. Chúng tôi không thể phủ nhận thực tế là tình hình vẫn tiếp tục leo thang”.

Giới quan sát cho rằng, ông Tổng thư ký nói giọng sặc mùi của quan thầy Bắc Kinh. Ai cần kiềm chế, nếu không muốn nói là chỉ có Trung Quốc cần phải nghiêm túc trong việc đàm phán. Sự kéo dài đàm phán COC trong nhiều năm, nguyên nhân chính là do Bắc Kinh tìm cách trì hoãn.

Một khi khác nhau về quan điểm, cách xử lý thì luật pháp quốc tế bị khinh nhờn, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông tiếp tục diễn ra phức tạp. Thời gian gần đây quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines trở nên căng thẳng nhất, do những vụ va chạm gần vùng biển xung quanh Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas).

Hôm 12/6, tại một cuộc hội thảo ở Trung tâm Stimson, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell kêu gọi ASEAN “gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn về những lo ngại liên quan đến các hành động khiêu khích ở vùng biển rõ ràng là của Philippines”. Ông Campbell cho biết, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr “không tìm kiếm một cuộc khủng hoảng” nhưng mong muốn đối thoại với Bắc Kinh, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động khiêu khích.

Tòa Trọng tài quốc tế tại Liên hợp quốc (PCA) vào tháng 7/2016 trong phán quyết của mình đã bác bỏ “Đường lưỡi bò” phi pháp và khẳng định: Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc không có yêu sách hàng hải hợp pháp đối với vùng biển chung quanh thực thể này.

Sự việc tưởng đã rõ như ban ngày vậy mà ông Kao Kim Hourn vẫn nói tỉnh bơ: “Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều thực hiện chính sách đối ngoại của riêng mình”. Làm gì có “chính sách của riêng mình” chà đạp lên công lý? Không thể đem luật rừng ra đối chứng với luật pháp quốc tế.

Trở lại vấn đề “miếng mồi” COC. Sự hoài nghi của các nước trong khối ASEAN là có cơ sở, nếu không muốn nói là họ đã chán ngấy cái kiểu ỡm ờ trong việc làm luật. Một số nhà phân tích cho rằng, kể từ năm 2017, họ đã nhiều lần nghe nói đến việc “một Bộ quy tắc ứng xử sắp ra mắt”.

ASEAN vẫn bất đồng, chia rẽ ở chỗ các bên không thật sự đầu tư vào việc giải quyết, hoặc thậm chí quản lý vấn đề này. Không ai muốn mạo hiểm, ngại động tới quyền lợi thiết thân của mình. Điều này khiến các bên tranh chấp, nhất là Philippines, Việt Nam thường “cô đơn” trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Sự e ngại đối với Trung Quốc, cùng với sự thiếu thống nhất quan điểm giữa các nước thành viên lâu nay đã trở thành tảng đá ngầm chặn đường đi tới các quyết định của ASEAN. Sóng gió tiếp tục cản trở các giao dịch của ASEAN với Trung Quốc về Biển Đông, trong đó có Bộ Quy tắc ứng xử đã kéo dài vô thời hạn trong các cuộc đàm phán. Một số đại biểu khi thảo luận thường nói theo Trung Quốc, rằng tình hình Biển Đông vẫn… ổn định, không có tranh chấp lớn. Nếu vậy thì cần gì đến COC, trưng ra Bộ quy tắc có khác nào “đưa lược cho sư”.

Do những tảng đá ngầm cản trở xu thế đối thoại đã khiến cho một số quốc gia có yêu sách với các vùng lãnh thổ phải tìm cách tránh né. Dẫu quá rõ chân tướng nhau, không hi vọng gì ở những miếng mồi do nước lớn tung ra, song vẫn cầm lòng ca bài ca cũ: cùng nhau hợp tác vì sự phát triển, vì một Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải.


H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới