Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNATO lập kế hoạch xây căn cứ quân sự ở Ba Lan, Romania...

NATO lập kế hoạch xây căn cứ quân sự ở Ba Lan, Romania và Slovakia

NATO đang lên kế hoạch lập các căn cứ quân sự ở Ba Lan, Romania và Slovakia như một phần trong sứ mệnh điều phối nguồn cung vũ khí viện trợ cho Ukraine.

“NATO muốn thành lập cái gọi là sứ mệnh của NATO ở Ukraine. Điều này có nghĩa là NATO sẽ điều phối việc chuyển vũ khí cung cấp cho Ukraine. Họ sẽ tạo ra 3 căn cứ quân sự lớn trên lãnh thổ của các nước NATO – Ba Lan, Slovakia và Romania, để chuyển vũ khí cho Ukraine”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói.

Mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này mong muốn sẽ tiếp quản điều phối viện trợ từ Mỹ nhằm bảo vệ cơ chế viện trợ quân sự. Động thái này được xem là nỗ lực để bảo vệ cơ chế viện trợ trong bối cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng trở lại Nhà Trắng.

Theo đó, phát biểu với báo giới trước thềm cuộc họp kéo dài hai ngày của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels (Bỉ), ông Jens Stoltenberg nói: “Tôi kỳ vọng rằng các bộ trưởng sẽ phê duyệt kế hoạch để NATO đứng đầu việc điều phối viện trợ an ninh và huấn luyện cho Ukraine”.

Ông Stoltenberg đã đề xuất NATO tiếp nhận việc điều phối viện trợ quân sự quốc tế cho Ukraine, giúp liên minh có vai trò trực tiếp hơn trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay.

Thế nhưng, giới chức ngoại giao cho rằng động thái này có thể có hiệu quả hạn chế, vì Mỹ là cường quốc thống trị trong NATO và cung cấp phần lớn vũ khí cho Ukraine. Do đó, nếu Washington muốn cắt giảm viện trợ phương Tây cho Kiev, họ vẫn có thể làm điều đó.

Trong khi đó, ông Gergely Gulyas, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary cảnh báo khả năng NATO đưa quân tới Ukraine. Ông cho rằng nếu NATO triển khai sứ mệnh phối hợp hỗ trợ Ukraine thì dù sớm hay muộn quân đội của liên minh sẽ được triển khai ở nước này, ít nhất là với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình.

Vị này cũng tuyên bố, nếu quân đội NATO bị tấn công bên ngoài lãnh thổ của liên minh, chẳng hạn như trên lãnh thổ Ukraine thì Hungary không có nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ quân sự cho các đồng minh theo Điều 5 của Hiệp ước NATO.

Trước đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto chỉ trích kế hoạch của NATO khi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga là “điên rồ” và cảnh báo phản ứng của Moskva sẽ gấp nhiều lần.

Ông cũng chỉ trích đề xuất của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về việc NATO đảm nhận việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine, trao cho liên minh này vai trò tích cực hơn trong xung đột. Ông Szijjarto cho rằng NATO đang xóa bỏ các lằn ranh đỏ của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới