Người giàu ở Trung Quốc đại lục đổ xô đầu tư vào các sản phẩm tài chính hấp dẫn ở Hong Kong, đơn cử như bảo hiểm và tiền gửi có kỳ hạn lãi suất cao.
Gần 5 tỷ USD đổ vào Hong Kong và Macau
Xu hướng trên giúp những người giàu ở Trung Quốc đại lục bảo vệ lợi nhuận của mình trước tăng trưởng kinh tế chững lại và suy thoái bất động sản trong nước cùng với đồng nội tệ trượt giá.
Các nhà quản lý tài sản Hong Kong cho biết xu hướng trên trở nên rõ rệt trong năm ngoái và tiếp tục tăng tốc trong những tháng gần đây sau khi Trung Quốc nới lỏng các quy định đầu tư cho chương trình “kết nối tài sản” vào tháng 2 vừa qua.
Nó đang làm dấy lên một cuộc tranh giành giữa các công ty tài chính ở Hong Kong để nắm bắt cơ hội đón sóng đầu tư từ thị trường Trung Quốc đại lục, đồng thời giúp Hong Kong đánh bóng vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á vốn bị ảnh hưởng trong những năm gần đây bởi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Bắc Kinh và căng thẳng địa chính trị. Những yếu tố này đã thúc đẩy khách hàng và các nhà quản lý tài sản thâm nhập hoặc mở rộng sang thị trường đối thủ là Singapore.
Bà Maggie Ng, giám đốc khối tài sản và dịch vụ ngân hàng cá nhân của HSBC tại Hong Kong, cho biết: “Có khoảng 45 triệu cá nhân giàu có ở Trung Quốc và họ ngày càng muốn được tiếp cận quốc tế, giáo dục và bảo vệ nhiều hơn”. “Nhu cầu quản lý tài sản bên ngoài Trung Quốc ngày càng tăng”, bà Maggie Ng nói thêm.
Ra mắt vào cuối năm 2021, chương trình “kết nối tài sản” cho phép cư dân của 9 thành phố ở phía Nam tỉnh Quảng Đông (giáp Hong Kong) đầu tư vào sản phẩm do các ngân hàng ở Hong Kong và Macau bán ra, đồng thời cho phép cư dân ở Hong Kong và Macau thực hiện các giao dịch tương tự ở Trung Quốc đại lục.
Theo chương trình “kết nối tài sản”, vốn đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục vào Hong Kong và Macau đã đạt mức cao kỷ lục 13 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,8 tỷ USD) trong tháng 3/2024, tăng gần 8 lần so với tháng 2, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Dòng vốn tiếp tục tăng vọt trong tháng 4 với mức tăng 70,5% so với tháng 3, lên 22,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,1 tỷ USD). Trong khi đó, đầu tư của cư dân Hong Kong và Macau vào Trung Quốc đại lục trong tháng 4 chỉ đạt 14 triệu nhân dân tệ, hầu như không thay đổi kể từ khi chương trình “kết nối tài sản” ra mắt.
Bà Maggie Ng cho biết HSBC ghi nhận số lượng tài khoản mới mở ở Hong Kong tăng hơn 3 lần trong năm 2023 so với mức trước đại dịch năm 2019, chủ yếu đến từ các khách hàng lẻ là người giàu ở Trung Quốc đại lục. Động lực mạnh mẽ cho xu hướng đầu tư của người giàu Trung Quốc tiếp tục được duy trì trong quý I/2024, đại diện HSBC cho biết thêm.
Giám đốc điều hành của các nhà quản lý tài sản toàn cầu cho hay, ngoài những người giàu có đang tận dụng các kênh đầu tư xuyên biên giới, những người siêu giàu từ Trung Quốc và Đông Nam Á cũng đang khám phá các lựa chọn đầu tư ở Hong Kong.
Ông L.H. Koh, người đứng đầu bộ phận tài sản gia đình và tổ chức APAC toàn cầu tại tập đoàn UBS, cho biết: “Nếu chúng tôi xem xét các câu hỏi (từ các khách hàng tiềm năng về thành lập văn phòng gia đình) mà chúng tôi nhận được trong năm ngoái so với năm trước đó, thì chúng tôi sẽ thấy mức tăng là 85%”.
Ông L.H. Koh cho biết hơn 60% số câu hỏi liên quan đến việc thành lập các tổ chức kiểu văn phòng gia đình ở Hong Kong và các khách hàng hỏi chủ yếu là người Trung Quốc. Xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm nay, đại diện UBS cũng cho biết thêm.
Nhà đầu tư ngồi trên đống tiền nhàn dỗi
Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn áp dụng những biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, chẳng hạn một cá nhân được phép chuyển tối đa 50.000 USD mỗi năm, thì việc tăng gấp 3 lần giới hạn đầu tư lên 3 triệu nhân dân tệ theo chương trình “kết nối tài sản” đã thúc đẩy dòng vốn chảy ra thị trường quốc tế.
Trung Quốc có lẽ đã bớt lo hơn về dòng vốn chảy ra nước ngoài theo chương trình “kết nối tài sản” này vì các khoản đầu tư sau này sẽ phải được chuyển về nước.
Các nhà quản lý tài sản ở Hong Kong đang kêu gọi chính quyền nới lỏng hơn nữa chương trình “kết nối tài sản” nhằm đáp ứng nhu cầu của những khách hàng giàu có hơn để chuyển vốn đầu tư lớn hơn sang Hong Kong.
Trong thông tin gửi Reuters, Cơ quan tiền tệ Hong Kong sẽ “tiếp tục tìm kiếm các biện pháp tăng cường hơn nữa trong thời gian thích hợp, có tính đến phản hồi của ngành khi phù hợp”.
Để tận dụng đà tăng trưởng, một số ngân hàng ở Hong Kong đã bắt đầu áp dụng mức lãi suất lên tới 10%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn ngắn như một phần của chương trình “kết nối tài sản”, cao gấp 5 lần mức 2% mà các ngân hàng ở Trung Quốc đại lục áp dụng.
Ngoài khối ngân hàng, các công ty bảo hiểm có trụ sở tại Hong Kong cũng ghi nhận nhu cầu gia tăng từ khách hàng đại lục kể từ khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ vào đầu năm 2023.
Ông Horace Yep, trưởng bộ phận ngân hàng tư nhân của Citigroup tại Hong Kong và Khu vực Vịnh lớn (Greater Bay Area), cho biết tập đoàn này đã chứng kiến số lượng mở tài khoản mới đạt kỷ lục ở Hong Kong vào năm 2023 và động lực vẫn mạnh mẽ trong năm nay nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đại lục.
Nhu cầu đầu tư ra nước ngoài tăng cao trong bối cảnh các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục đối mặt với những lựa chọn hạn chế để gửi tiền mặt tại quê nhà, do lợi suất trái phiếu dài hạn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang dao động quanh mức thấp nhất kể từ năm 2008, trong khi cổ phiếu và bất động sản ở thị trường này chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh.
Bà Wang, 51 tuổi, chủ sở hữu một công ty internet ở Thâm Quyến, cho biết: “Nhiều người đại lục hiện đang ngồi trên đống tiền mặt”. Vị này cho biết bà đã gửi tiền vào tài khoản vãng lai ở Trung Quốc đại lục và hiện đang nghiên cứu đầu tư theo chương trình “kết nối tài sản”.
T.P