Sunday, September 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAi bẫy? Bẫy ai?

Ai bẫy? Bẫy ai?

Những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung vẫn chưa hề hạ nhiệt. Gần đây Nhà Trắng thường lưu ý các cơ quan chức năng cẩn thận kẻo sa bẫy của Trung Nam Hải. Ngược lại Trung Quốc lại luôn đề phòng bẫy hiểm của chính quyền Joe Biden.

Hôm 15/6, tờ Financial Times (Thời báo tài chính) – một tờ báo về kinh doanh quốc tế, ra hàng ngày tại London và 23 thành phố trên toàn thế giới – đưa tin: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, Washington đang cố gắng xúi giục Bắc Kinh tấn công Đài Loan.

Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo trong cuộc gặp với bà Ursula von der Leyen vào tháng 4/2023. Ông Tập nói, Wasinghton đang cố lừa Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan, nhưng Trung Quốc không dễ sập “bẫy hiểm”. Đây là lần đầu ông đưa ra nhận xét này với một nhà lãnh đạo nước ngoài.

Quả là một góc nhìn mới về Đài Loan, một vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Trung-Mỹ. Theo một số học giả Trung Quốc, muốn để Bắc Kinh sa bẫy thì Wasinghton phải tìm cách khiêu khích. Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan và theo đuổi nhiều biện pháp khác nhằm kích động, lôi kéo Trung Quốc vào cuộc đối đầu quân sự.

Ông Tập Cận Bình nhiều lần nói về những xung đột không đáng có giữa Mỹ và Trung Quốc. Những xung đột gia tăng sẽ phá hủy thành tựu của Trung Quốc và làm suy yếu mục tiêu đạt được “sự trẻ hóa vĩ đại” vào năm 2049 của nước này. Nếu như ông Tập cho rằng Mỹ đang cài bẫy Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, thì chính quyền Bắc Kinh sẽ tìm cách tung hỏa mù, hoặc tạo ra “khoảng trống thông tin”, để Nhà Trắng lạc vào mê hồn trận.

Thống nhất với ý kiến của nhà lãnh đạo tối cao, hồi tháng 1/2024, ông Thôi Thiên Khải, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Washington, cũng khẳng định: “Trung Quốc sẽ không rơi vào những cái bẫy do người khác chuẩn bị cho chúng tôi”. Ai cũng hiểu ông Thôi ám chỉ Mỹ.

Về phía Mỹ, theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Washington có nghĩa vụ giúp Đài Loan tăng cường phòng thủ. Dẫu vậy, Washington nhất quán một điều, họ không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, phản đối những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng. Thế nhưng vì “lo lắng” quá mà Bắc Kinh đã tưởng tượng ra những cơn ác mộng (!).

Sau cuộc bầu cử ngày 13/1/2024, ông Lại Thanh Đức trở thành nhà lãnh đạo đắc cử của hòn đảo. Tổng thống Joe Biden khi được hỏi về phản ứng với kết quả cuộc bầu cử đã nói: “Chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập”. Nói như vậy, nhưng Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Bắc, dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo này.

Mặc dù hành động thân Mỹ của Đài Bắc khiến chính quyền Bắc Kinh tức giận, nhưng họ chưa thể tấn công vào lúc này. Quân đội và Hải cảnh Trung Quốc chủ yếu quấy rối bằng tàu thuyền và máy bay, không thể trực tiếp đổ quân quyết một trận sống mái mà họ không thấy có gì bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi.

Vì sao vậy, theo như lý thuyết chỉ huy quân sự của nhà lãnh đạo tiền bối Lâm Bưu (1907-1971) – Nguyên soái của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng – thì chớ bao giờ manh động. Chỉ khi nào chắc chắn 70% chiến thắng, thì hãy động thủ. Còn trên thực tế, xem xét thực lực của Đài Loan hiện nay, nếu phát động chiến tranh xuyên biển với Hòn đảo ngày càng có xu hướng li khai mạnh mẽ thì rất khó giành phần thắng. Kể cả khi không có sự giúp sức của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, tỷ lệ chắc chắn thắng lợi nhiều nhất cũng chỉ là 50%, còn trái lại sẽ vô cùng khó khăn.

Đúng là tại Đại lục cũng có những luồng ý kiến đề nghị phải dùng vũ lực tấn công Đài Loan, nhất là sau khi Lại Thanh Đức nhậm chức Tổng thống, xu hướng li khai đòi độc lập ngày càng mạnh mẽ. Thế nhưng, quan điểm của chính quyền Bắc Kinh là, trước hết cần kéo châu Âu rời xa Mỹ chung quanh vấn đề Đài Loan. Và bây giờ chưa phải là lúc ra đòn quyết định.

Đối với vấn đề Đài Loan, chính quyền của ông Joe Biden vẫn luôn tỏ rõ thái độ cứng rắn. Một mặt, Mỹ duy trì cam kết tôn trọng chính sách “một nước Trung Quốc”; mặt khác, Mỹ khẳng định ủng hộ Đài Loan về mặt quân sự, phản đối việc Trung Quốc để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực trong vấn đề thống nhất Đài Loan. Mỹ mong muốn được làm việc với ông Lại Thanh Đức và lãnh đạo các bên ở Đài Loan để thúc đẩy “mối quan hệ không chính thức lâu dài của họ”.

Sự mập mờ này khiến Bắc Kinh đau đầu. Quyết tâm “thống nhất Đài Loan bằng mọi giá” ở một thời điểm thích hợp là không hề thay đổi. Đồng thời, cáo buộc Mỹ lôi kéo các nước trong khu vực, và coi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là công cụ đối đầu chống Trung Quốc.

Vậy là câu hỏi: “Ai bẫy, bẫy ai?” chưa thể trả lời một cách rõ ràng. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang lừa nhau từng nước cờ trên bàn cờ địa chính trị. Chỉ có điều, kẻ khôn ngoan nhất chớ bao giờ lơ đễnh đến mức sập bẫy ở chính cái bẫy do mình giương ra. Nói nôm na rằng, đừng để “gậy ông đập lưng ông”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới