Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNấc thang căng thẳng mới?

Nấc thang căng thẳng mới?

“Nếu bất kỳ công dân Philippines nào thiệt mạng vì một hành động cố ý, kịch bản này sẽ rất gần với định nghĩa hành động gây chiến. Chúng tôi sẽ phản ứng tương xứng”, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 31/5 phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Các tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu tuần duyên, chặn một xuồng tiếp viện của Philippines đang tiến tới bãi Cỏ Mây hôm 17/6

Cụ thể thêm cái gọi là “phản ứng tương xứng”, ông Marcos cho biết: “Hành động khiến công dân Philippines thiệt mạng trong các vụ chạm trán ở Biển Đông sẽ là “lằn ranh đỏ” gần với việc tuyên chiến”.

Giữa những cái nắm tay của các nhà lãnh đạo tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 – diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực và toàn cầu, diễn ra tại Singapore cuối tháng 5 đầu tháng 6 – nhà lãnh đạo Philippines Marcos hẳn đã rất cân nhắc khi đề cập khái niệm và giải thích nội hàm của”lằn ranh đỏ” với hải cảnh Trung Quốc trong những vụ va chạm trên Biển Đông.

Ông Marcos biết rằng, nhất cử nhất động của ông trong tầm soi xét của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông thừa nhạy bén để hiểu, câu hỏi khó này của gã phóng viên nào đó chính là cơ hội Manila đưa ra một thông điệp cứng rắn đối lại những hành vi ngỗ ngược quá sức chịu đựng Trung Quốc nhằm vào Philippines trên Biển Đông những ngày trước đó.

Một vài nhà quan sát quốc tế đã tỉ mẩn cân đong đo đếm chi ly. Họ phát hiện, với câu trả lời về “lằn ranh đỏ”, sau gần một tháng, thái độ của ông Marcos đã chuyển biến đáng kể theo hướng ngày càng “rắn” hơn với Trung Quốc.

Một tháng trước, cụ thể là sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào vào tàu Philippines gần bãi cạn Scarborough ngày 30/4 khiến con tàu bị hư hại, trong một phát biểu sau đó một tuần, ông Marcos vẫn giữ được từ tốn, nhũn nhặn nói với báo chí: “Manila sẽ không sử dụng vòi rồng hay bất kỳ vũ khí tấn công nào ở Biển Đông, cũng như không leo thang căng thẳng trong khu vực”; “Chúng tôi sẽ không làm theo tàu hải cảnh và các tàu Trung Quốc, bởi vì đơn giản nhiệm vụ của Hải quân, Lực lượng tuần duyên của chúng tôi không phải là khơi mào hoặc gia tăng căng thẳng”.

Không ra mặt, nhưng có lẽ Trung Quốc mừng rơn trước phát biểu của ông Marcos. Hóa ra, nhà lãnh đạo mới này mềm mại chứ không hẳn là quyết liệt, bản lĩnh. Còn với nhiều người Philippines, họ không thể không cho đó là “yếm thế”. Thậm chí, có người còn bực bội mà rằng: đà này, rất có thể ông Marcos sẽ thành “bản sao” của người tiền nhiệm Duterte trong ứng xử với Bắc Kinh, nghĩa là nhân nhượng, mềm yếu – một trong những lý do khiến Trung Quốc “được đằng chân lân đằng đầu” trên Biển Đông.

Chiều ngược lại, cũng có người Philippines bảo vệ quan điểm, thái độ, cách ứng xử của ông Marcos. Họ cho rằng: thông điệp của ông vừa thể hiện được sự đanh thép, lại vừa nêu được thiện chí của Manila. Thiện chí đó là: kiên trì phương châm kiềm chế; không lấy đối đầu thay cho đối thoại trong xử lý tranh chấp; xung đột, nếu có xảy ra, chỉ là bất đắc dĩ, và tình huống tiêu cực đó quyết không thể đến từ phía Philippines…

Tuy nhiên, những diễn biến dồn dập trong vài ngày cuối trung tuần tháng 6 này đang khiến nhà lãnh đạo tối cao Philippines nặng trĩu lo âu. Trong khi hai bên Philippines và Trung Quốc còn chao chát về vụ “tàu Philippines va chạm với tàu Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây” (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam): Trung Quốc tố một tàu tiếp tế của Philippines đã phớt lờ cảnh báo của phía Trung Quốc, “tiếp cận nguy hiểm” một tàu hải cảnh của nước này tại khu vực bãi Cỏ Mây, dẫn đến một vụ va chạm nhỏ giữa 2 tàu; chiều ngược lại, Philippines cáo buộc, chính Trung Quốc mới là bên gây hấn, đồng thời khẳng định rằng, các hành động của Trung Quốc “là trở ngại thực sự cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông” (như lời ông Gilberto Teodoro, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines), thì chỉ 3 ngày sau, phía Philippines tố Trung Quốc gây ra một vụ còn nghiêm trọng hơn.

Vụ việc mởi này xảy ra cùng ngày vụ va chạm của tàu hải cảnh Trung Quốc với tàu Philippines tại bãi cạn Cỏ Mây nêu trên. Lời tố cáo Trung Quốc lần này còn “nặng đồng cân” hơn khi được đưa ra từ chuẩn đô đốc Alfonso Torres, tư lệnh Quân khu Miền Tây Philippines. Vị tướng hải quân này nói: nhiều nhân viên tuần duyên Trung Quốc đã ‘‘đổ bộ bất hợp pháp’’ lên một xuồng tiếp viện của hải quân Philippines khi xuồng này đang thực hiện nhiệm vụ tiếp viện cho tàu chiến Philippines bị mắc cạn tại bãi Cỏ Mây.

Sự phẫn nộ leo lên đến cấp cao nhất quân đội Philippines. Ngày 19/6, tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines, tướng Romeo Brawner, đã gọi đây là hành động của bọn ‘‘hải tặc’’, và yêu cầu phía Trung Quốc hoàn trả các vũ khí và những phương tiện đã tước đoạt cho Philippines.

Đáp lại, cũng như mọi khi, phía Trung Quốc cho biết, lực lượng hải cảnh của họ làm đúng chức phận; tàu Philippines đã phớt lờ cảnh bảo, xâm nhập vào các vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Trước những diễn biến nóng bỏng và mới nhất trên, nhiều chuyên gia quốc tế về Biển Đông cho rằng, Trung Quốc sẽ còn leo thang hơn nữa để chứng tỏ họ quyết tâm thực thi các quy định mới về quyền bắt giữ người của lực lượng hải cảnh trên biển.

Vấn đề đặt ra là: không phản ứng, coi như Philippines thúc thủ, thừa nhận “Trung Quốc có quyền”. Còn nếu chống lại: binh sĩ của Manila liệu sẽ kiềm chế được mãi trước các hành vi gây hấn mới của Trung Quốc?

Trong trường hợp ấy phía Philippines manh động, “lằn ranh đỏ” làm thay đổi cục diện như ông Marcos nói, ai dám chắc sẽ không hiện ra?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới