Sunday, June 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgười đứng đầu tiếp theo của NATO có ý nghĩa gì với...

Người đứng đầu tiếp theo của NATO có ý nghĩa gì với xung đột ở Ukraine?

Đương kim Tổng thư ký NATO Stoltenberg đánh giá Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hiện là một ứng cử viên nặng ký để thay thế mình, đồng thời cho biết việc lựa chọn Tổng thư ký mới của NATO sắp hoàn tất.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.


Mark Rutte – Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm có khả năng trở thành người đứng đầu NATO tiếp theo, có mối quan hệ tốt với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giới quan sát cho rằng điều này có thể giúp NATO thoát khỏi bế tắc với Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, bất kể ai giành được Nhà Trắng.

Trước đó, ngày 18/6, truyền thông Hà Lan đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Mark Rutte sẽ trở thành Tổng thư ký mới của NATO, thay thế ông Jens Stoltenberg – người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10 tới.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã chỉ trích các thành viên NATO vì không chi tiêu nhiều như Mỹ cho quốc phòng và từ khi ông rời nhiệm sở, các cựu quan chức cho biết ông Trump từng đe dọa rút Mỹ khỏi liên minh.

Hồi tháng 2, ông Trump cho biết ông từng nói với các thành viên NATO rằng ông “sẽ khuyến khích” Nga “làm bất kỳ điều gì họ muốn” đối với những quốc gia “không tuân thủ” cam kết tài chính với liên minh.

Roger Hilton, nhà nghiên cứu quốc phòng tại tổ chức tư vấn GLOBSEC có trụ sở tại Slovakia nhận định, trong trường hợp cựu Tổng thống Trump giành chiến thắng thì ông Rutte có thể là người phù hợp nhất để hợp tác với ông. Tại Hội nghị An ninh Munich thường niên gần đây, ông Rutte nói rằng các nhà lãnh đạo nên “ngừng rên rỉ và than vãn về ông Trump” khi ông kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo nhà quan sát Hilton: “Một đặc điểm bị đánh giá thấp trong hồ sơ của ông Rutte có thể có giá trị lớn là mối quan hệ tốt đẹp của ông với ông Donald Trump nếu cựu Tổng thống Mỹ giành lại Nhà Trắng. Theo các báo cáo, ông Rutte đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải cứu hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018.

“Khả năng điều hướng khéo léo Nhà Trắng dưới thời ông Trump của ông Rutte sẽ có tầm quan trọng hiện hữu với NATO và Ukraine”.

Cơ hội để ông Rutte thay thế ông Jens Stoltenberg, người sẽ từ chức vào tháng 10, đã tăng lên sau khi Hungary và Slovakia cho biết họ sẽ ủng hộ việc đề cử ông lãnh đạo liên minh 32 quốc gia này. Romania, quốc gia có Tổng thống Klaus Iohannis cũng là một ứng cử viên, là thành viên duy nhất phản đối việc ông Rutte ứng cử.

Trong khi đó, đương kim Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng đánh giá ông Rutte hiện là một ứng cử viên rất nặng ký để thay thế mình, đồng thời cho biết việc lựa chọn Tổng thư ký mới của NATO sắp hoàn tất.

John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Moscow và Kiev, cho biết: “Tôi không mong đợi bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào dưới thời ông Rutte. Tuy nhiên, ông ấy là một nhà điều hành chính trị sắc sảo, giàu kinh nghiệm, lịch sự và có mối quan hệ đặc biệt tốt, rất thành thạo trong việc tìm kiếm và theo dõi tình hình chính trị trong liên minh”.

“Với việc ông ấy nhận được sự ủng hộ ban đầu từ Mỹ và Đức, tôi không cho là ông ấy sẽ thẳng thắn như ông Stoltenberg trong việc ủng hộ Ukraine và ông ấy có thể sẽ đi theo đường lối của Washington”, chuyên gia Foreman nói.

Theo nhà quan sát này: “Ông Rutte đã trở nên cứng rắn hơn với Nga trong những năm gần đây. Cá nhân tôi không nghĩ ông ấy là sự lựa chọn tốt nhất nhưng ông ấy là ứng viên ít gây khó chịu nhất cho tất cả các bên”.

Nhà quan sát Hilton thì cho rằng nếu ông Rutte trở thành người đứng đầu NATO thì ông sẽ được Tổng thống Zelensky và Kiev nhìn nhận một cách tích cực. Giống như ông Stoltenberg, ông Rutte có thể sẽ sử dụng ngoại giao để trấn an các đồng minh dọc sườn Đông NATO.

Hà Lan đang dẫn đầu một nhóm quốc tế cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine giữa bối cảnh ông Rutte đã ký hiệp ước an ninh 10 năm với Kiev nhằm đảm bảo sự ủng hộ lâu dài của Hà Lan bất chấp chỉ trích của nhà lãnh đạo cực hữu vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan Geert Wilders.

Nhà quan sát Hilton nhận định: “Một khía cạnh vẫn chưa được quyết định là liệu việc bổ nhiệm ông ấy sẽ mang lại lợi ích hay tác động tiêu cực đến chính phủ sắp tới của Hà Lan. Cho đến khi Nội các quyết định, cần có thêm thời gian trước khi suy đoán xem điều đó có ý nghĩa gì với Ukraine và chi tiêu quốc phòng”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới