Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam - Nga hợp tác xây dựng lò phản ứng hạt...

Việt Nam – Nga hợp tác xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn

Nga đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân cũng như hoạt động hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.

Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt.


Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam và Liên bang Nga là đối tác chiến lược toàn diện, có lịch sử gắn bó lâu dài từ thời Liên Xô. Việt Nam đặc biệt coi trọng hợp tác với Liên bang Nga trên nhiều lĩnh vực, trong đó có khoa học và công nghệ…

Các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ được trải rộng từ năng lượng nguyên tử, công nghệ sinh học, vật liệu mới, điện tử, tự động hóa đến khoa học xã hội và nhân văn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tiếp tục được duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ. Liên bang Nga đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MW cũng như hoạt động hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.

Theo ông Trần Chí Thành, để triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân, nhận thức việc xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia cần được đầu tư bài bản, lâu dài, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những phương án chuẩn bị nguồn nhân lực cho quản lý và triển khai thực hiện dự án ở các giai đoạn khác nhau.

Đồng thời, Bộ cũng đưa ra kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho vận hành đảm bảo an toàn, khai thác hiệu quả Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân sau khi đi vào hoạt động.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án về xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn. Vì vậy, để hỗ trợ công tác thẩm tra, thẩm định cho Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ thiết kế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Tập đoàn nhà nước về năng lượng hạt nhân “Rosatom” (Nga) tạo điều kiện để một số cán bộ Việt Nam được tham gia thực hiện thiết kế cơ sở của lò phản ứng và các tính toán, phân tích an toàn đi kèm.

Rosatom cũng giúp Việt Nam trong đào tạo cán bộ vận hành lò phản ứng nghiên cứu.

Để nguồn cán bộ làm công tác nghiên cứu, ứng dụng khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới, đảm bảo an toàn khi Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân đi vào hoạt động, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân…

Đồng thời, Viện cũng tìm kiếm các đối tác quốc tế, với các đối tác Nga, Viện đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học nghiên cứu Bách khoa Tomsk (tháng 10/2017), Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI) (tháng 12/2023) trong hợp tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử có liên quan.

Về hợp tác giữa Viện và các đối tác Nga, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Trần Chí Thành cho biết thêm, trước mắt Việt Nam và Liên bang Nga sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả cũng như tuân thủ các quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới