“Cái khó” đó là làm thế nào để cả hai đối tác quan trọng hàng đầu của Nga ở Châu Á, là Trung Quốc và Việt Nam, đều cảm thấy vừa lòng khi đề cập vấn đề Biển Đông.
Tất nhiên, “vừa lòng” tương đối thôi. Chứ hoan hỷ, hể hả thì sao có thể, trừ khi nói thẳng tưng là mình đứng về bên nào, bênh bên nào trong câu chuyện Biển Đông.
Xét theo mức độ đó, Kremlin vẻ như đã thành công trong việc xử lý một vấn đề phức tạp và đầy nhạy cảm. Chính thế, dù đối nhau chan chát, không nhân nhượng, nhưng cả Hà Nội và Bắc Kinh lại cùng tìm được tiếng nói chung với Nga về vấn đề Biển Đông khi đón ông Putin tới Bắc Kinh và Hà Nội chỉ cách nhau có 1 tháng.
Tổng thống Nga Putin tới Bắc Kinh vào ngày 16/5/2024. Chuyến thăm diễn ra vào dịp Nga – Trung Quốc hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Putin sau khi tái đắc cử. Trong bản tuyên bố chung tăng cường quan hệ “trong kỷ nguyên mới” Trung Quốc – Nga dài 30 trang, Hà Nội (cũng như các bên liên quan câu chuyện Biển Đông) có lẽ đã “soi” nhiều nhất câu chữ đề cập Biển Đông. Và kết quả, Ba Đình cảm thấy “nhẹ người”.
Hóa ra, dài dòng, nhưng cũng chỉ là những nguyên tắc. Liên bang Nga “ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN để cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, thì đúng quá còn gì! “Hai bên thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông nên được giải quyết bởi các bên liên quan, thông qua các cuộc đàm phán và tham vấn, phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của các lực lượng ngoài khu vực vào vấn đề này” – quan điểm này cơ bản cũng là được.
Phật ý, thậm chí cay cú, nếu có, chỉ là Mỹ khi Washington cho rằng: cái gọi là “sự can thiệp của các lực lượng ngoài…” hàm ý chỉ việc Mỹ thường xuyên cho tàu thực hiện “tự do hàng hải”.
Tuy nhiên, văn bản chỉ ghi chung chung thế chứ nào cụ thể ai đâu? Ngoại giao quốc tế oái oăm thế: biết là ám chỉ mình, nhưng bằng chứng thì tù mù, nên khó xử. Mà kiểu ám chỉ, nếu so đo, có khi Washington còn hơn Bắc Kinh một cái đầu.
Tuyên bố chung Việt Nam – Liên bang Nga phát ra ngày 20/6 vừa qua hẳn kém hơn về độ dài, nhưng quan điểm về vấn đề Biển Đông cũng chẳng thể khiến Bắc Kinh khó chịu. “Khẳng định tính phổ quát và toàn vẹn của Công ước liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, là nền tảng pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và đại dương và có vai trò chủ đạo trong phát triển hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước” không là thuyết phục sao? Và nữa: “Phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở, ủng hộ kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982…” – có gì mà băn khoăn, thắc mắc nữa?
Khó chịu với quan điểm đó, chẳng hóa ra tự nhận mình là kẻ hiểu chiến chăng? Như thế, tránh sao khỏi bị cộng đồng quốc tế tẩy chay?
Một số nhà quan sát còn cho rằng, với cách thể hiện quan điểm về vấn đề Biển Đông trong hai tuyên bố chung sau hai chuyến công du Trung Quốc và Việt Nam của ông Putin, Moscow đã phần nào “giải được cái oan” cho Nga lâu nay. Cái oan đó là: sau Phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) về vụ kiện Biển Đông tháng 6/2016, Nga bị nhiều người đổ cho tội ủng hộ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Trong thực tế, thời điểm PCA ra phán quyết, Nga, nhìn chung kiệm lời. Lên tiếng, có chăng chỉ một mực khẳng định rằng mình không để bị lôi kéo vào tranh chấp ở Biển Đông.
Có thật việc ông Putin khẳng định Nga đứng về phía Trung Quốc (trong vụ kiện), nhưng ông cũng cho biết, “Đây không phải là lập trường chính trị mà hoàn toàn về mặt pháp lý”; “PCA cần phải nghe những lập luận cũng như lập trường của các bên tranh chấp, nhưng Trung Quốc đã không trình bày những điều đó tại PCA, và không ai được nghe lập trường của Bắc Kinh ở đó cả…”
Chi tiết ra, cách giải thích trên của ông Putin có thể quy như “lý cùn”, bởi tự Trung Quốc từ chối phiên Tòa chứ nào ai cấm? Tuy nhiên, suy cho cùng, cũng có thể hiểu được, trong tình huống đó, để không mếch lòng Bắc Kinh thì ông Putin còn cách nào khác ngoài việc bám lấy chút cái lý rất chi là yếu ớt, khó thuyết phục đó?
Tóm lại, nhìn lại hai chuyến công du tới Trung Quốc và Việt Nam của nhà lãnh đạo Liên bang Nga, dẫu không hoàn toàn, nhưng bằng việc thể hiện quan điểm về vấn đề Biển Đông mà cả ba bên (Nga, Trung Quốc, Việt Nam) cùng chấp nhận được, ông Putin đã cho thấy mình là một chính khách tầm cỡ và lão luyện, khôn khéo đến mức nào rồi.
T.V